Sáng 29/1 (mùng 8 tháng Giêng), tại đền thờ Chu Văn An, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ thành phố Chí Linh (tỉnh Hải Dương) trang trọng tổ chức Lễ khai bút Xuân Quý Mão năm 2023 với sự tham dự đông đảo của các đại biểu, nhân dân và du khách thập phương.
Các đại biểu Trung ương và địa phương khai bút chữ Quốc ngữ. |
Đây là việc làm thiết thực thể hiện sự tôn kính những giá trị về vị thế và sự nghiệp của Tiên triết Chu Văn An, của các bậc tiền nhân đối với lịch sử của dân tộc. Đồng thời thể hiện truyền thống, đạo lý uống nước nhớ nguồn, tôn sư trọng đạo của dân tộc Việt Nam.
Khái lược về thân thế, sự nghiệp của thầy giáo Chu Văn An, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Chí Linh Nguyễn Văn Kiên cho biết, thầy giáo Chu Văn An sinh ra tại làng Quang Liệt, huyện Thanh Đàm (nay là thôn Văn, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội).
Nhà thư pháp Nguyễn Đình Kế (Câu lạc bộ Thư pháp Hán Nôm tỉnh Hải Dương) trình diễn khai bút dòng chữ “Quốc - Thái - Dân - An” tại Lễ khai bút. |
Ngay từ nhỏ, Chu Văn An đã nổi tiếng là một người cương trực, giữ tiết tháo, không cầu danh lợi, ham thích đọc sách và tự học. Thầy nổi tiếng với kiến thức sâu rộng và tấm lòng trong sạch, thẳng ngay, đạo đức thanh cao, được mọi người kính phục, nể trọng.
Với tài năng xuất chúng, đức độ hơn người, thầy giáo Chu Văn An được vua Trần Minh Tông mời làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám, dạy học cho thái tử và con em các quan lại. Đến đời vua Trần Dụ Tông, thấy quyền thần làm nhiều điều vô đạo, thầy dâng Thất trảm sớ xin chém bảy tên gian nịnh, nhưng vua không nghe. Thầy trả áo mũ, treo ấn, từ quan.
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Chí Linh Nguyễn Văn Kiên phát biểu tại Lễ khai bút Xuân Quý Mão năm 2023. |
Về với Phượng Hoàng, Chí Linh - nơi có điện Lưu Quang, cung Tử cực, chùa Huyền Thiên - Vân Tiên động, am Lệ Kỳ; nơi thông xanh, trúc biếc, dựng nhà dạy học, tìm cây thuốc chữa bệnh, viết sách, làm thơ, nhưng trong sâu thẳm tâm can, thầy Chu Văn An vẫn đêm ngày đau đáu với đạo học, vận mệnh quốc gia và cuộc sống muôn dân.
Ông Trần Đức Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương trao giấy khen của UBND thành phố Chí Linh cho các học sinh có thành tích xuất sắc trong học tập. |
Được người dân tôn vinh là "vạn thế sư biểu" (người thầy của muôn đời), thầy giáo Chu Văn An đã dành cả cuộc đời cho sự nghiệp dạy học, trở thành nhà giáo lỗi lạc trong lịch sử Việt Nam, với triết lý giáo dục nhân văn, không phân biệt giàu nghèo, học suốt đời để biết, để làm việc và cống hiến, học đi đôi với thực hành,“học mới chỉ là có mắt, hành mới có chân. Có mắt, có chân mới tiến bước được, có biết mới làm, có làm mới biết. Cái biết trong làm mới là cái biết thực sự, cái biết sâu sắc nhất”.
Tư tưởng giáo dục của thầy Chu Văn An là đề cao sự công bằng, bình đẳng, coi trọng giáo dục con người và văn hóa, đó chính là nền móng để phát triển đất nước.
Theo Chủ tịch UBND thành phố Chí Linh Nguyễn Văn Kiên, thực hiện lời nguyện trước các bậc tiền nhân, trong năm qua các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân thành phố Chí Linh với tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, nỗ lực vượt qua những khó khăn, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Đông đảo nhân dân và du khách về dự Lễ khai bút Xuân Quý Mão năm 2023. |
Lễ khai bút xuân Quý Mão năm 2023, là hoạt động đầy ý nghĩa để bày tỏ tấm lòng thành kính của các thế hệ con cháu đất Việt đối với các bậc tiền nhân đã có công đóng góp cho đất nước. Đồng thời cũng là hoạt động kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, chào mừng các ngày lễ lớn của dân tộc, thể hiện sự quyết tâm của Đảng bộ, nhân dân thành phố Chí Linh về gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc, chung sức đồng lòng xây dựng thành phố ngày càng phát triển văn minh, hiện đại.
Khai bút đầu xuân là một phong tục đẹp, thể hiện bản sắc văn hoá và truyền thống hiếu học, trọng trí tuệ, trí nhân của dân tộc Việt Nam. Đây là nghi lễ có ý nghĩa linh thiêng, đề cao sự học và những ước nguyện về sự thành công. Đồng thời là sự khởi đầu một năm mới mang đậm dấu ấn truyền thống đã được các thế hệ người Việt trân trọng gìn giữ.