Mở đầu Lễ khai mạc là màn biểu diễn đánh trống rộn rã cùng các tiết mục văn nghệ ca ngợi công lao của Đức Thánh Trần và giới thiệu về thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương.
Ông Nguyễn Trường Thắng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương, Trưởng Ban tổ chức Liên hoan diễn xướng hầu Thánh năm 2023 tại đền Kiếp Bạc cho biết, liên hoan diễn xướng hầu Thánh năm nay có 3 đoàn nghệ nhân diễn xướng đến từ Hà Nội và thành phố Chí Linh, được diễn ra vào buổi tối từ ngày 1 - 3/10 (tức 17 - 19/8 âm lịch).
Ông Nguyễn Trường Thắng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương phát biểu khai mạc. |
Liên hoan diễn xướng hầu Thánh được tổ chức ở vị trí trang trọng, công tác trang trí, chuẩn bị chu đáo cùng với tài năng, tâm huyết hướng về đức Thánh của các nghệ nhân, sự yêu mến nghệ thuật của nhân dân và du khách.
Đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương tặng hoa và trao giấy chứng nhận cho các đoàn nghệ nhân diễn xướng. |
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương tin tưởng rằng sự kiện sẽ đem đến cho các đại biểu, nhân dân và du khách những đêm diễn xướng đậm chất văn hóa dân gian, góp phần tạo nên thành công của Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm nay.
Nghệ nhân trình diễn giá đồng tại đêm khai mạc. |
Theo tiến sĩ Lê Duy Mạnh, Phó trưởng Ban quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, diễn xướng hầu Thánh là nghi lễ đặc trưng ở đền Kiếp Bạc nhằm tôn vinh công lao, uy đức của Đức Thánh Trần trong công cuộc đấu tranh, bảo vệ đất nước cũng như sự nghiệp xây dựng, phát triển đạo giáo Việt Nam.
Đông đảo người dân và du khách thập phương đến cổ vũ trong đêm khai mạc. |
Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn sinh năm 1228, thuộc dòng dõi tôn thất quý tộc nhà Trần, là người văn - võ song toàn, hội tụ đầy đủ các đức Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Bằng tài thao lược của mình, ông đã lãnh đạo quân dân nhà Trần 3 lần đánh tan đế quốc Nguyên Mông, khẳng định sức mạnh của quốc gia Đại Việt.
Với công lao to lớn đó, ông đã được các vua Trần phong làm Đại vương và lập đền thờ khi còn sống; ngày 20 tháng Tám năm Canh Tý (1300), ông mất tại phủ đệ Vạn Kiếp, được triều đình tiến phong là Thái sư Thượng phụ Thượng quốc công nhân vũ Hưng Đạo Đại vương; được nhân dân suy tôn là Đức Thánh Trần Cửu thiên vũ đế. Đền thờ để tưởng nhớ công lao to lớn của Ngài đối với non sông, đất nước được lập ngay trên nền Vương phủ gọi là đền Kiếp Bạc.
Nhiều thế kỷ qua, trong hệ tín ngưỡng Đạo Mẫu, Đức Thánh được gọi là Cha. Hội đền Kiếp Bạc được gọi là ngày giỗ Cha, nhân dân thập phương hướng tâm về mảnh đất linh thiêng này cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa. Lễ hội là một sự kiện văn hoá truyền thống lớn trong đời sống tâm linh của cộng đồng người Việt.