Hội nghị xúc tiến tiêu thụ nhằm tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh vải thiều và nông sản của Thanh Hà nói riêng, tỉnh Hải Dương nói chung đẩy mạnh kết nối thương mại, quảng bá chất lượng, thương hiệu và thúc đẩy xuất khẩu của tỉnh. |
Chiều 9/5, tại Hội trường UBND huyện Thanh Hà, Sở Công Thương tỉnh Hải Dương và UBND huyện Thanh Hà phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức Hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều Thanh Hà và nông sản của Hải Dương với hệ thống Thương vụ Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài, với gần 30 điểm cầu trong và ngoài nước tham gia.
Đây cũng là hoạt động có ý nghĩa của Hải Dương trong thời điểm chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch vải thiều của tỉnh; góp phần tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh về quả vải thiều - đặc sản nổi tiếng của Hải Dương đã được tạo dựng và phát triển qua hàng trăm năm, cùng các nông sản tiêu biểu của tỉnh đến với đông đảo khách hàng, đối tác trong và ngoài nước.
Ông Trần Văn Hảo, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hải Dương phát biểu tại hội nghị. |
Thị trường xuất khẩu được mở rộng đến nhiều nước
Ông Trần Văn Hảo, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hải Dương cho biết, tỉnh Hải Dương nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, có hệ thống giao thông đa dạng, thuận lợi cho giao thương, phát triển kinh tế. Hải Dương được đánh giá là địa phương có tiềm năng về phát triển kinh tế nông nghiệp với sản phẩm nông sản đa dạng, phong phú, chất lượng và sản lượng cao.
Toàn tỉnh hiện có trên 60% diện tích đất nông nghiệp; đất đai phì nhiêu, màu mỡ và trên 70% dân số sống ở nông thôn, với 8 nhóm nông sản chủ lực. Hàng năm, tỉnh sản xuất được khoảng 750.000 tấn lúa gạo, 900.000 tấn rau, củ các loại, 300.000 tấn quả và khoảng 200.000 tấn thịt gia súc, gia cầm và thủy sản. Đến nay Hải Dương có 351 sản phẩm OCOP chất lượng cao.
Ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phát biểu. |
Hầu hết nông sản của tỉnh đã được đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số, cấp mã số vùng trồng, cấp chứng nhận Vietgap, Globalgap, chứng nhận OCOP, truy xuất nguồn gốc; hình thành mô hình chuỗi liên kết. Nhiều sản phẩm được xuất khẩu với số lượng lớn, thị trường xuất khẩu được mở rộng tới nhiều nước, trong đó có các thị trường cao cấp như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… đem lại giá trị kinh tế cao.
Tại Hải Dương, vải thiều Thanh Hà được trồng từ cách đây khoảng 200 năm, tại thôn Thúy Lâm, xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà. Vải thiều Thanh Hà đã trở thành đặc sản nổi tiếng của Hải Dương và mảnh đất xứ Đông văn hiến.
Vải thiều Thanh Hà được trồng ở ven bờ sông Hương, là vùng đất có nhiều phù sa màu mỡ, do vậy vải thiều Thanh Hà luôn có sự khác biệt và ưu thế về chất lượng mà vải trồng ở các địa phương khác không có được.
Lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Hải Dương, lãnh đạo huyện Thanh Hà và lãnh đạo Cục Xúc tiến thương mại điều hành hội nghị tại điểm cầu Hội trường UBND huyện Thanh Hà. |
Năm 2007, vải thiều Thanh Hà được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận Chỉ dẫn địa lý. Đây là tiêu chuẩn, là tiền đề cho vải thiều Thanh Hà của Hải Dương vươn xa ra thị trường thế giới.
Năm 2012, vải thiều Thanh Hà lọt “Top 50 sản phẩm uy tín chất lượng” do Trung ương Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam bình chọn. Năm 2013 và 2014 lọt “Top 10 sản phẩm uy tín chất lượng” và là đặc sản “Tinh hoa đặc sản 3 miền”. Năm 2015 được vinh danh Top đầu với 2 giải thưởng “Thương hiệu vàng”, “Logo và Slogan ấn tượng”. Năm 2016, vải thiều Thanh Hà được Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam cấp Giấy chứng nhận “Thương hiệu Thực phẩm an toàn tin dùng”…
Trong những năm qua, cây vải luôn có một vị trí quan trọng trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp của tỉnh Hải Dương; chiếm 10% trong giá trị sản xuất ngành trồng trọt.
Ông Nguyễn Mạnh Quyền, Trưởng Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Houston (Mỹ) chia sẻ thông tin tại hội nghị. |
“Những năm gần đây, cây vải ngày càng khẳng định được giá trị, thương hiệu và là một trong 8 sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh; được quy hoạch sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ cao vào sản xuất để tạo ra quả vải thiều với chất lượng cao, năng suất cao, mẫu mã đẹp, thu hoạch rải vụ đã cho góp phần gia tăng giá trị, thương hiệu cho vải thiều Thanh Hà của Hải Dương”, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hải Dương nhấn mạnh.
Hiện nay, tỉnh Hải Dương duy trì diện tích trồng vải là 8.850 ha; trong đó có 2.700 ha vải sớm và 6.150 ha vải thiều chính vụ; cho sản lượng khoảng 55.000 - 60.000 tấn/năm.. 100% diện tích được sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn Vietgap, Golobalgap phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu sang các thị trường như Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia, Đài Loan (Trung Quốc), các nước ASEAN và khu vực Trung Đông.
Đặc biệt, vải thiều Thanh Hà của Hải Dương đã xuất khẩu sang được một số thị trường cao cấp như Mỹ, Úc, Nhật Bản, Anh, các nước EU… Trong đó, lượng cung ứng ra các tỉnh, thành phố như Hà Nội, TP HCM và một số tỉnh khác bình quân khoảng 20.000 tấn; xuất khẩu sang Trung Quốc khoảng 15.000 tấn.
Bà Vũ Thị Kim Phượng, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hải Dương phát biểu. |
Cùng với việc phát triển sản xuất theo hướng hàng hoá, tập trung, chuyên canh; ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật; đa dạng hoá chủng loại sản phẩm… tỉnh Hải Dương luôn quan tâm đến công tác xúc tiến thương mại tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ và xuất khẩu nông sản của tỉnh; trong đó có vải thiều.
Vừa qua, liên tục trong 3 năm (2021 đến 2023), Sở Công Thương tỉnh Hải Dương đã tham mưu với UBND tỉnh đã phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức 3 sự kiện xúc tiến thương mại quan trọng như Hội nghị Xúc tiến thương mại vải thiều; Lễ mở vườn thu hái vải; đưa vải thiều lên các chuyến bay nội địa và quốc tế; tham dự các sự kiện xúc tiến thương mại, đầu tư quốc tế tại Nhật Bản, Anh, Pháp, Bỉ, Hoa Kỳ, Australia và New Zealand… qua đó góp phần nâng cao giá trị và thương hiệu vải thiều Thanh Hà nói riêng, nông sản Hải Dương nói chung trên thị trường trong nước và thế giới; thúc đẩy liên kết, tiêu thụ và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hải Dương Trần Văn Hảo khẳng định, hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối thị trường trong nước với thị trường nước ngoài của Cục Xúc tiến thương mại cũng như các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài có vai trò rất quan trọng, thông qua việc bắc cầu cho doanh nghiệp xuất khẩu Hải Dương nói riêng, Việt Nam nói chung tiếp cận thị trường nước ngoài. Thông qua đó, các doanh nghiệp có thể nắm bắt nhanh các chủ trương, chính sách, thuế suất, các hàng rào về kỹ thuật thương mại ở các nước sở tại để chuyển về trong nước, từ đó kịp thời phổ biến cho doanh nghiệp nắm bắt được.
Các Tham tán thương mại cũng là người chuyển tải thông tin các sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam có tiềm năng, thế mạnh có thể xuất khẩu sang thị trường đó, làm “nhịp cầu” cho bên mua và bên bán gặp nhau, thông qua các hội chợ, các chương trình xúc tiến thương mại hoặc tiếp xúc song phương, đa phương…
Sẵn sàng kết nối với các doanh nghiệp
Theo ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), năm nay tỉnh Hải Dương tiếp tục chào đón một vụ mùa vải thiều và nhiều nông sản khác với chất lượng cao nhờ chủ động áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong điều chỉnh thời vụ, nâng cao năng suất, phục vụ tốt hơn cho xuất khẩu dạng tươi đến các thị trường nước ngoài. Đây là yếu tố hết sức quan trọng cho công tác xúc tiến tiêu thụ vải thiều Thanh Hà và các mặt hàng nông sản tiêu biểu của Hải Dương.
Vải thiều Thanh Hà và các sản phẩm nông sản của tỉnh Hải Dương trưng bày tại hội nghị. |
Trong thời gian qua, Bộ Công Thương rất quan tâm và sát sao chỉ đạo các cơ quan tập trung nguồn lực hỗ trợ các địa phương phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tham gia sâu rộng vào hoạt động ngoại thương. 2 nhóm hoạt động chính Bộ Công Thương giao Cục Xúc tiến thương mại tập trung thực hiện và dành nhiều hỗ trợ cho các cơ quan, tổ chức xúc tiến thương mại và doanh nghiệp cả nước nói chung và Hải Dương nói riêng như cung cấp thông tin về chính sách, quy định, xu hướng, nhu cầu và cơ hội thị trường, ngành hàng xuất khẩu; tổ chức kết nối giao thương...
“Trong khuôn khổ hội nghị này, Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài cũng sẽ hỗ trợ kết nối cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh vải và nông sản Hải Dương giao dịch trực tuyến với các nhà nhập khẩu từ nhiều thị trường xuất khẩu quan trọng đối với của quả vải thiều Thanh Hà và nông sản như Trung Quốc, Australia, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Pháp…”, ông Lê Hoàng Tài khẳng định.
Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Lê Hoàng Tài cho biết, trong thời gian tới, Cục Xúc tiến thương mại sẽ tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ Hải Dương nói riêng, các địa phương trên cả nước nói chung phát triển sản phẩm, kết nối giao thương, thực hiện các hoạt động xúc tiến tiêu thụ vải thiều và nông sản gắn với chuỗi giá trị, xây dựng và quảng bá thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm nông sản của địa phương thông qua việc lồng ghép các hoạt động liên quan của Cục Xúc tiến thương mại như các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, thương hiệu quốc gia, phát triển thương mại điện tử…
Tại điểm cầu Mỹ, ông Nguyễn Mạnh Quyền, Trưởng Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Houston (Mỹ) chia sẻ, Mỹ là một đất nước rất lớn, các nhu cầu về thực phẩm rất đa dạng. Bên Mỹ cũng trồng, sản xuất được nhiều loại hoa quả, thực phẩm tương đồng với Việt Nam, trong đó có cây vải. Việc xuất khẩu vào những thị trường lớn như thị trường Hoa Kỳ, cần chú ý ngoài những tiêu chuẩn về sản phẩm phải kiểm định chất lượng mã số vùng trồng, đầu mối của các đơn vị chiếu xạ, thủ tục hải quan… Ông Quyền mong muốn Sở Công Thương và các cơ quan hữu quan phải có những hướng dẫn rất cụ thể.
“Mỗi một thị trường có một kinh nghiệm khác nhau, tại nước Mỹ có những vùng có những kinh nghiệm, quy định pháp lý hoàn toàn khác nhau, do vậy các đơn vị, doanh nghiệp cần nghiên cứu trước và các bộ phận Thương vụ sẵn sàng kết nối với các doanh nghiệp để có thể đưa ra được những chính sách nhanh nhất, tốt nhất. Bên cạnh đó, khi xuất khẩu sang Mỹ, cần tìm những nhà nhập khẩu có kinh nghiệm, có giấy phép và có khả năng bảo quản, sau đó là những nhà phân phối, hệ thống phân phối có khả năng phân phối nhanh cho những loại hoa quả tươi có tính chất vụ mùa như vải thiều…”, ông Nguyễn Mạnh Quyền, Trưởng chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Mỹ cho biết thêm.
Theo bà Vũ Thị Kim Phượng, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hải Dương, năm 2024, để chủ động hỗ trợ công tác tiêu thụ và xuất khẩu, Sở đã chủ động xây dựng và tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, liên kết, tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ và xuất khẩu vải thiều từ rất sớm, như tổ chức Hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều Thanh Hà và nông sản của tỉnh Hải Dương với hệ thống Thương vụ Việt Nam và doanh nghiệp nhập khẩu nước ngoài ngày 9/5 (trước thời điểm thu hoạch) để các đơn vị, doanh nghiệp có sự chủ động hơn trong việc nắm bắt, củng cố thị trường, làm việc với các đối tác trong quá trình tiêu thụ, xuất khẩu vải.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương tỉnh Hải Dương phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương, UBND huyện Thanh Hà và các cơ quan, đơn vị có liên quan nắm bắt tình hình tổ chức sản xuất vụ vải thiều. Để qua đó thực hiện tốt công tác dự báo, sớm có những định hướng, chuẩn bị xây dựng chương trình, kế hoạch, phương án dự kiến tổ chức các hoạt động xúc tiến tiêu thụ vải thiều cho mùa vụ năm 2024. Đồng thời, lập danh sách và cung cấp thông tin về các hợp tác xã, các hộ dân có sản lượng vải thiều lớn của tỉnh Hải Dương để cung cấp cho các doanh nghiệp, các đầu mối thu mua, thương lái trong và ngoài nước.
Hiện nay, tỉnh Hải Dương duy trì diện tích trồng vải là 8.850 ha, trong đó có 2.700 ha vải sớm và 6.150 ha vải thiều chính vụ. |
Ngoài ra, Sở Công Thương tỉnh Hải Dương chủ động liên hệ, mời các tập đoàn, siêu thị lớn trong nước như Go! (BigC cũ), Fivimart, Intimex, Vinmart, Mega Market, SatraMart, HaproMart và các siêu thị bán hàng tiêu dùng trong nước… đến Hải Dương để ký kết hợp đồng thu mua, tiêu thụ vải thiều của tỉnh. Trong tháng 5 này, Sở sẽ phối hợp với Siêu thị Mega Market tổ chức sự kiện tôn vinh, quảng bá vải thiều Thanh Hà - Hải Dương tại TP HCM. Phối hợp với Tổng Công ty đường sắt Việt Nam thực hiện đưa vải thiều quảng bá, giới thiệu với hành khách với chủ đề “Vải thiều Thanh Hà - Vươn xa trên các cung đường sắt”. Phối hợp cùng Hiệp hội du lịch và các doanh nghiệp Du lịch, Lữ hành tổ chức sự kiện "Vải thiều Thanh Hà - Hành trình cùng các Tour du lịch" Dự kiến trong khoảng thời gian cuối tháng 5/2024…
Năm nay, do ảnh hưởng của yếu tố thời tiết, dự kiến sản lượng vải thiều Hải Dương đạt khoảng 40.000 - 45.000 tấn. Hiện doanh nghiệp trong tỉnh ký kết hợp đồng thu mua vải tươi để phân phối cho các siêu thị trong nước như Công ty TNHH MTV rau an toàn Thanh Hà; chế biến đóng hộp xuất khẩu có CTCP giống cây trồng Kiên Giang, Công ty TNHH Hùng Sơn, HTX nông nghiệp xanh V-Phúc…
Bên cạnh đó, cũng đã có nhiều doanh nghiệp ký kết hợp đồng xuất khẩu vải thiều đi các thị trường như Trung Quốc, Thái Lan, Trung Đông và một số thị trường cao cấp như Mỹ, Anh, Nhật Bản, Pháp, Australia… Chủ yếu là những công ty đã có kinh nghiệm xuất khẩu vải nhiều năm như CTCP Ameii Việt Nam, Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Rồng Đỏ, CTCP Fusa, DNTN Khởi Huệ, Công ty TNHH Chế biến nông lâm sản Thanh Hà…
Cũng tại hội nghị này đã diễn ra ký kết giao thương giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sản xuất với các doanh nghiệp phân phối, xuất khẩu vải thiều và nông sản Hải Dương.