Ngày 5/9, HĐQT CTCP Dược phẩm Imexpharm (HoSE: IMP) thông qua việc chốt danh sách cổ đông nhận cổ phiếu phát hành để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu. Tỷ lệ thực hiện quyền 100%, tương ứng cổ đông sở hữu một cổ phiếu được nhận một cổ phiếu mới, Imexpharm sẽ phát hành thêm hơn 77 triệu cổ phiếu. Với giá chào bán 10.000 đồng/cổ phiếu, công ty dự kiến thu về hơn 770 tỷ đồng từ đợt phát hành nói trên để tăng quy mô vốn hoạt động.
Thời gian thực hiện trong quý 3-4/2024, dự kiến nâng vốn điều lệ lên gấp đôi, đạt 1.540 tỷ đồng. Sau khi tăng vốn thành công, Imexpharm sẽ vượt qua các công lớn cùng ngành như Traphaco (1.042 tỷ đồng), Dược Hậu Giang (871,6 tỷ đồng).
Trước khi trở thành công ty dược phẩm niêm yết có vốn điều lệ lớn nhất như hiện nay, cùng nhìn lại hành trình tăng vốn mạnh mẽ của Imexpharm với những cột mốc đáng chú ý. Imexpharm là công ty dược phẩm đầu tiên trong Tổng công ty Dược Việt Nam thực hiện cổ phần hóa thông qua việc chuyển đổi thành CTCP Dược phẩm Imexpharm vào năm 2001 với vốn điều lệ 22 tỷ đồng.
Quý 1/2005, công ty tăng vốn điều lệ lên 44 tỷ đồng từ lợi nhuận tích lũy. Cũng trong năm này, Imexpharm quyết định tăng vốn điều lệ lên 64 tỷ đồng từ việc phát hành cổ phiếu chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược.
Năm 2006, công ty đạt thêm một “cái đầu tiên” khác khi là doanh nghiệp dược đầu tiên được Ủy ban chứng khoán Nhà nước chấp thuận cho niêm yết cổ phiếu tại Sở giao dịch chứng khoán TP HCM với mã IMP. Cũng trong năm này, công ty tăng vốn điều lệ lên 70 tỷ đồng trong quý 1 từ việc phát hành cổ phiếu ra công chúng. Lần tăng vốn điều lệ tiếp theo diễn ra vào quý 3/2006 lên 84 tỷ đồng từ việc phát hành cổ phiếu thưởng 20% trên vốn điều lệ, lấy từ quỹ đầu tư phát triển.
Trong giai đoạn 2007-2014, công ty tiến hành 4 đợt tăng vốn. Năm 2007, Imexpharm tăng vốn điều lệ lên gần 116,6 tỷ đồng từ việc chi trả cổ tức và phát hành thêm cổ phiếu. Năm 2011 thực hiện thành công việc phát hành thêm 3.554.680 cổ phiếu, tăng vốn điều lệ lên 152,14 tỷ đồng. Một năm sau đó, công ty hoàn thành chia cổ phiếu thưởng 10% trên vốn điều lệ, lấy nguồn từ thặng dư vốn để tăng vốn điều lệ lên gần 167,1 tỷ đồng. Năm 2014, phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ lên hơn 263 tỷ đồng từ nguồn thặng dư vốn và chương trình cổ phiếu ESOP cho người lao động.
Đến năm 2020, công ty tiếp tục tăng vốn điều lệ lên hơn 667 tỷ đồng nhờ chia cổ tức và phát hành thêm cổ phiếu.
Dược phẩm là ngành tăng trưởng ổn định, ngay cả trong bối cảnh nền kinh tế chung gặp khó khăn. Chính vì vậy, đây là lĩnh vực thu hút sự quan tâm lớn của nhà đầu tư nước ngoài, với nhiều thương vụ M&A ngành dược đã diễn ra mà bên mua là các tập đoàn lớn trên thế giới. Hầu hết các doanh nghiệp dược phẩm trong thời gian qua đã tìm kiếm cho mình được đối tác chiến lược hoặc bắt tay liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp ngoại có tiềm lực tài chính mạnh.
Câu chuyện của Imexpharm với SK Group cũng không ngoại lệ. SK Investment Vina III - đơn vị trực thuộc tập đoàn đa ngành SK Group của Hàn Quốc có mặt tại Imexpharm từ năm 2020 khi nhận chuyển nhượng 25% vốn. Từ cổ đông chiến lược, doanh nghiệp ngoại từng bước gom cổ phiếu lên mức chi phối Imexpharm với tỷ lệ nắm giữ 47,67% vốn điều lệ. Tổng công ty Dược Việt Nam nắm 22,03%; CTCP Đầu tư Bình Minh Kim nắm 9,75% và CTCP Đầu tư KBA nắm 7,37%. Trong đó, Bình Minh Kim và Đầu tư KBA là tổ chức liên quan đến SK Investment Vina III. Như vậy, tổng sở hữu nhóm SK tại Imexpharm là 64,79% và đã được ĐHĐCĐ phê chuẩn nâng tỷ lệ lên trên 65% không phải chào mua công khai.
Quay trở lại năm 2020 - năm có sự hiện diện của SK Group, Imexpharm báo lãi sau thuế gần 210 tỷ đồng, tăng 29,2% so với năm trước đó. Sau năm 2021 chững lại với số lãi giảm 10% thì những năm sau đó, Imexpharm đều chứng kiến lợi nhuận tăng trưởng mạnh mẽ. Đỉnh điểm năm 2023, Imexpharm đạt kỷ lục cả về doanh thu (tổng doanh thu đạt 2.113 tỷ đồng) và lợi nhuận (lãi sau thuế gần 300 tỷ đồng).
Sự tham gia của SK Group đã tạo uy tín cho Imexpharm trên thị trường dược phẩm quốc tế. Kể từ khi được chaebol (tên gọi của các đại tập đoàn gia đình lớn tại Hàn Quốc) lớn thứ ba này để mắt tới, Imexpharm đã trở thành tâm điểm của các nhà đầu tư nước ngoài. Đơn cử, tháng 2/2024, Imexpharm đã hợp tác với Genuone Sciences - một công ty dược phẩm lớn đến từ Hàn Quốc, để chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc tiểu đường, tim mạch…
Imexpharm hợp tác Genuone Sciences. Ảnh: Imexpharm. |
Ngoài ra, Imexpharm còn là đối tác sản xuất nhượng quyền của hàng loạt tập đoàn dược đa quốc gia có tên tuổi như Sandoz, Robinson Pharma, DP Pharma, Galien, Pharma Science Canada, Sanofi - Aventis…
Imexpharm hiện là đơn vị sở hữu dây chuyền sản xuất dược phẩm công nghệ cao đạt tiêu chuẩn EU-GMP lớn nhất tại Việt Nam với 11 dây chuyển EU-GMP tại 3 cụm nhà máy. Hiện Việt Nam mới có 18 nhà máy đạt tiêu chuẩn EU-GMP. Hướng đi đầu tư cho công nghệ cao của Imexpharm phù hợp với Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam đến 2030, tầm nhìn 2045. Nhờ đó, Imexpharm đã bắt đầu “hái quả ngọt” khi các sản phẩm của hãng dần được lựa chọn đầu tay, thay thế thuốc nhập khẩu tại nhiều bệnh viện, nhà thuốc ở Việt Nam.
Nhà máy IMP4 đạt chuẩn EU - GMP của Imexpharm. Ảnh: Imexpharm. |
Kết thúc 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu thuần của Imexpharm đạt 1.008,3 tỷ đồng, tăng 10% so với nửa đầu năm trước. Trong đó, doanh thu bán hàng trên kênh ETC (phân phối thuốc theo đơn bác sĩ tại bệnh viện và sở y tế) tăng 33% so với cùng kỳ. Mặc dù doanh thu từ kênh OTC (phân phối thuốc không cần kê đơn tại nhà thuốc) giảm nhẹ 4% nhưng doanh thu bán hàng qua kênh chuỗi nhà thuốc tăng 141% so với nửa đầu năm 2023.
Theo báo cáo tài chính năm 2023, doanh thu thuần của Imexpharm đạt hơn 1.994 tỷ đồng, tăng 21,3% so với năm trước đó và vượt 14% kế hoạch năm nhờ sự đóng góp 53% từ kênh OTC và 42,7% từ kênh ETC.
Đặc biệt, trong mảng kháng sinh, Imexpharm chiếm 9% thị phần với doanh số khoảng 2.157 tỷ đồng. Như vậy, trung bình mỗi ngày Imexpharm thu về gần 6 tỷ đồng từ việc kinh doanh nhóm thuốc này. Các nhóm thuốc kháng sinh phổ biến như Cephalosporin, Penicillin chiếm hơn 70% giá trị tại thị trường Việt Nam, đây cũng là sản phẩm chủ lực của doanh nghiệp này, theo báo cáo thường niên 2023 của Imexpharm.
Về kế hoạch các kênh OTC và ETC trong năm 2024, tại ĐHĐCĐ thường niên 2024 tổ chức hồi tháng 4, Tổng giám đốc Imexpharm Trần Thị Đào cho biết, công ty sẽ tập trung vào cả hai kênh.
Cũng theo bà Đào, kênh OTC hơn 20 năm qua được khai thác 100% tại hai nhà máy ở Đồng Tháp, do đó vẫn sẽ giữ vững kênh này. Điểm đặc biệt là OTC chưa phủ sóng và mở rộng ở khu vực phía Bắc. Như vậy, mục tiêu năm 2024 là mở rộng kênh phía Bắc, khai thác tối đa miền Trung và miền Nam.
Việc xây dựng đồng thời hai kênh phân phối ETC và OTC giúp Imexpharm mở rộng tầm ảnh hưởng và đảm bảo doanh thu ổn định từ cả hai nguồn. Đặc biệt trong thời kỳ dịch bệnh, kênh ETC gặp khó khăn khi người dân hạn chế thăm khám tại bệnh viện, nhưng kênh OTC lại giúp bù đắp phần nào doanh thu thiếu hụt.