Tập đoàn T&T là một trong những hệ sinh thái tư nhân lớn nhất hiện nay, với vốn điều lệ 22.000 tỷ đồng, tổng tài sản 45.000 tỷ đồng, có 500 công ty thành viên trực thuộc và liên doanh liên kết, 80.000 cán bộ nhân viên, tổng vốn đầu tư ra nước ngoài đạt 80 triệu USD. Doanh nghiệp có xuất phát điểm từ một cửa hàng kinh doanh các mặt hàng điện tử, điện lạnh hoạt động từ đầu những năm 90, gắn liền với tên tuổi doanh nhân Đỗ Quang Hiển (thường gọi là Bầu Hiển).
Trong hành trình hơn 30 năm phát triển, qua các thương vụ đầu tư, M&A, T&T đã dần làm đầy hệ sinh thái của mình, trải dài trên nhiều lĩnh vực từ tài chính và đầu tư; bất động sản; năng lượng và môi trường; công thương đến nông - lâm nghiệp và thủy sản; hạ tầng giao thông; y tế - giáo dục và thể thao. Trong đó, nổi bật nhất phải kể đến chính là quá trình gây dựng Ngân hàng SHB.
Năm 2005, T&T trở thành cổ đông lớn của Ngân hàng Nông thôn Nhơn Ái, một ngân hàng cỡ nhỏ ở vùng nông thôn Cần Thơ lúc bấy giờ. Nhận nhiệm vụ lập chiến lược quản trị và điều hành trên cương vị chủ tịch, Bầu Hiển đã chuyển đổi thành công mô hình hoạt động của Nhơn Ái sang Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB). 5 năm sau, từ quy mô vốn điều lệ chỉ 500 tỷ đồng, hoạt động phạm vi hạn hẹp, ngân hàng đã đạt vốn điều lệ gần 5.000 tỷ đồng vào năm 2011, tổng tài sản từ 1.300 tỷ đồng lên hơn 70.000 tỷ đồng.
Năm 2012, SHB quyết định sáp nhập ngân hàng yếu kém Habubank, trở thành một trong những ngân hàng đầu tiên tự nguyện thực hiện sứ mệnh tái cấu trúc hệ thống các tổ chức tín dụng của Chính phủ. Với thương vụ này, quy mô tổng tài sản SHB tăng vọt đạt gần 120.000 tỷ đồng, vốn điều lệ lên gần 9.000 tỷ đồng và trở thành một trong 5 ngân hàng TMCP tư nhân lớn nhất Việt Nam.
Điểm lợi thế nhất mà SHB nhận được sau vụ sáp nhập là mạng lưới chi nhánh, hệ thống khách hàng và nhân sự. Tuy nhiên, việc sáp nhập Habubank cũng mang tới thử thách không nhỏ cho Bầu Hiển. Đó là mức lỗ lên tới 1.700 tỷ đồng ngay trong quý 3/2012. Tỷ lệ nợ xấu tăng vọt từ 2,2% lên 13,2%, chưa kể đến các khoản nợ xấu tiềm ẩn và áp lực thoái lãi dự thu.
Thực tế, việc tái cơ cấu ngân hàng yếu kém đã khiến SHB chững lại một thời gian. Kết quả kinh doanh của nhà băng này chỉ bắt đầu khởi sắc từ năm 2017 và bứt phá thực sự trong giai đoạn từ 2021 tới nay. Năm 2021, ngân hàng mang về hơn 5.000 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng gần gấp đôi so với năm 2020. Năm 2022-2023, chỉ tiêu này lần lượt đạt hơn 7.700 tỷ đồng và hơn 7.300 tỷ đồng.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, SHB lãi sau thuế 5.485 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng tài sản của ngân hàng tại thời điểm cuối quý 2/2024 đạt 660.000 tỷ đồng, vốn điều lệ đạt 36.629 tỷ đồng, giữ vị trí thứ 4 trong năm ngân hàng TMCP tư nhân có vốn điều lệ lớn nhất. Năm 2024, SHB có kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 40.658 tỷ đồng, thông qua trả cổ tức năm 2023 tỷ lệ 11% bằng cổ phiếu.
Theo báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm 2024, ông Đỗ Quang Hiển và những cá nhân, tổ chức liên quan nắm giữ gần 20% vốn điều lệ của Ngân hàng SHB (tương ứng khoảng 725 triệu cổ phiếu, giá trị khoảng hơn 7.500 tỷ đồng theo giá thị trường). Trong đó, ông Hiển nắm giữ gần 100 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 2,724%); hai con trai của ông Hiển nắm giữ hơn 200 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 5,7%); Tập đoàn T&T nắm giữ hơn 287 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 7,85%); Chứng khoán SHS nắm giữ gần 54 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 1,46%); bà Đỗ Thị Thu Hà - chị gái ông Hiển nắm giữ 74,4 triệu cổ phiếu (tỷ lệ hơn 2%). |
Trong lĩnh vực tài chính và đầu tư, T&T còn là cổ đông sáng lập, cổ đông lớn của CTCP Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (mã chứng khoán SHS), Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Sài Gòn – Hà Nội (Bảo hiểm BSH, mã chứng khoán BHI). Tại SHS, Bầu Hiển từng nhiều năm giữ vai trò Chủ tịch HĐQT tại công ty này, trước khi chuyển giao cho con trai là ông Đỗ Quang Vinh vào năm 2022. Từ mức vốn điều lệ khi thành lập năm 2007 là 350 tỷ đồng, SHS đã tăng vốn lên hơn 8.000 tỷ đồng vào năm 2022, nằm trong Top các công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn nhất hiện nay.
Tập đoàn T&T đang là cổ đông lớn nhất tại SHS với tỷ lệ sở hữu 5,6% (tương ứng 45,5 triệu cổ phiếu). Cá nhân Chủ tịch HĐQT Đỗ Quang Vinh đang nắm giữ 12,5 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 1,54%); ông Đỗ Quang Hiển với chức danh cố vấn cao cấp HĐQT nắm giữ hơn 4,4 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 0,54%). Công ty chứng khoán này đang tham vọng ngang hàng với SSI, VNDirect với 3 phương án phát hành tăng vốn đã được cổ đông thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024. Với tổng số phát hành dự kiến gần 900 triệu cổ phiếu, SHS sẽ tăng vốn hơn gấp đôi lên mức hơn 17.000 tỷ đồng nếu triển khai thành công.
Tại Bảo hiểm BSH, hồi đầu năm 2024, T&T Group và Chứng khoán SHS cùng bán hết số cổ phần sở hữu (tổng gần 20 triệu cổ phiếu, chiếm gần 20% vốn). Chiều ngược lại, Công ty bảo hiểm DB Insurance (Hàn Quốc) trở thành cổ đông chiến lược của BSH với 75% vốn điều lệ. Tổng công ty Rau quả, Nông sản (Vegetexco) mua vào 10,1 triệu cổ phiếu BHI, nâng sở hữu từ 0% lên 10,1% và trở thành cổ đông lớn.
Vegetexco là một thành viên trong hệ sinh thái T&T. Công ty này cũng là một thương vụ đầu tư đáng chú ý của Bầu Hiển khi lấn sân sang lĩnh vực nông nghiệp. Tiền thân là Tổng công ty Rau quả Việt Nam thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập năm 1988, Vegetexco được cổ phần hóa vào năm 2015. Doanh nghiệp có bề dày hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, xuất khẩu rau quả…
Sau khi cổ phần hóa với sự gia nhập của cổ đông chiến lược T&T Group và Bảo hiểm BSH, tháng 7/2021, Vegetexco tăng vốn gấp đôi từ 713 tỷ đồng lên 1.423 tỷ đồng. Công ty cũng mở rộng kinh doanh sang mảng bất động sản, với ba dự án tại Hà Nội: Toà nhà hỗn hợp số 2 Phạm Ngọc Thạch, cải tạo Khách sạn 58 Lý Thái Tổ, Tòa nhà văn phòng làm việc và giới thiệu sản phẩm Cầu Tiên.
Tính đến cuối năm 2021, Tập đoàn T&T vẫn là cổ đông lớn nhất nắm giữ 40,34% vốn điều lệ Vegetexco, Công ty TNHH Nông nghiệp T&T sở hữu 22,55%, CTCP Cảng Quảng Ninh sở hữu 12,25%, Tổng công ty CP Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội sở hữu 7,52%, Tổng CTCP Bảo hiểm Hàng không 7,61%.
Ngoài Vegetexco, T&T còn tham gia mua vốn cổ phần của nhiều công ty Nhà nước khác như Tổng công ty Lâm Nghiệp Việt Nam (Vinafor, mã chứng khoán VIF), Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2, mã chứng khoán VSF), Tổng Công ty Vật tư Nông nghiệp Việt Nam (Vigecam), CTCP Cảng Quảng Ninh (mã chứng khoán CQN), Bệnh viện Giao thông Vận tải…
Chia sẻ tại dịp kỷ niệm 30 ngày thành lập T&T cuối năm 2023, ông Đỗ Quang Hiển cho biết, khi tham gia vào cổ phần hoá, lĩnh vực đầu tiên mà ông quan tâm là nông nghiệp, bởi rất giá trị với người nghèo. Vigecam, Vegetexco, Vinafor, Vinafood 2 đều là những biểu tượng của nông nghiệp Việt Nam nhưng lại gặp những khó khăn nhất định. “Ước mơ của tôi khi tham gia vào các công ty này là khôi phục được thương hiệu và giá trị của mỗi công ty. Làm sao để người nông dân Việt Nam được hưởng lợi từ sản phẩm do mình làm ra cùng với các sản phẩm giá trị gia tăng từ nông sản,” ông Hiển nói.
|
|
Những năm gần đây, T&T vẫn miệt mài làm dày hệ sinh thái của mình qua các thương vụ đầu tư lớn. Đầu tháng 7 vừa qua, tỉnh Quảng Trị và Liên danh nhà đầu tư T&T - Cienco 4 đã khởi công dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị, với tổng vốn đầu tư hơn 5.800 tỷ đồng. Đây là cảng hàng không thứ 2 tại Việt Nam đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP), sau Cảng hàng không Vân Đồn (Quảng Ninh).
Đặc biệt, T&T thể hiện tham vọng lớn trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Năm 2020 - 2021, doanh nghiệp đã đưa vào vận hành và quản lý các dự án điện gió, điện mặt trời tại Ninh Thuận, Bình Thuận. Đồng thời hợp tác với những tập đoàn năng lượng lớn của thế giới đầu tư các dự án điện gió trên bờ và gần bờ, điện mặt trời tại các tỉnh Ninh Thuận, Đăk Nông, Sóc Trăng, Bến Tre, Bạc Liêu với tổng công suất ước tính gần 1.500 MW, tổng mức đầu tư khoảng 2,5 tỷ USD. Tập đoàn cũng đạt được thỏa thuận từ Standard Chartered cam kết thu xếp khoản tài chính lên tới 6 tỷ USD để tài trợ cho các dự án xanh triển khai tại Việt Nam.
Năm 2022, T&T Group khởi công xây dựng Trung tâm Điện khí LNG Hải Lăng (Quảng Trị) công suất 1.500 MW, tổng vốn đầu tư gần 54.000 tỷ đồng. Sau khi vận hành, dự án sẽ cung cấp cho hệ thống điện quốc gia khoảng 8,25 tỷ kWh/năm và sẽ nộp hàng nghìn tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước mỗi năm.
Cũng tại sự kiện kỷ niệm 30 ngày thành lập, ông Đỗ Quang Hiển chia sẻ, chiến lược phát triển của Tập đoàn T&T luôn gắn với chiến lược của quốc gia và song hành với xu hướng phát triển của thế giới. Đầu tiên là phát triển sản xuất công nghiệp. Công nghiệp vững rồi thì phát triển lĩnh vực tài chính, rồi phát triển nông nghiệp - là thế mạnh của quốc gia. Tiếp theo là hạ tầng kết nối để hỗ trợ sản xuất, phát triển thương mại tiêu dùng, bất động sản. Năng lượng, môi trường là theo xu thế công nghệ chung.
Bầu Hiển cho rằng tinh thần đổi mới là một trong những vấn đề sống còn của doanh nghiệp, phải luôn thay đổi để phát triển xa hơn. Vì vậy, ông mong rằng T&T sẽ giống như câu chuyện “Nghìn lẻ một đêm”, hết câu chuyện này đến câu chuyện khác, không có kết thúc...