Hiệp định EVFTA góp phần tạo nên thành công thương mại Việt Nam - EU 2022

Hiệp định EVFTA góp phần tạo nên thành công thương mại Việt Nam - EU 2022

EVFTA Thương Mại
06:20 - 04/02/2023

Năm 2022, EU là thị trường thương mại lớn thứ 5 và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam. Nhìn về dòng chảy thương mại với EU thời gian tới, Mekong ASEAN đã có cuộc trao đổi với ông Trần Ngọc Quân – Tham tán thương mại Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU (kiêm nhiệm Luxembourg, Ủy ban châu Âu).

Mekong ASEAN: Trước biến động của kinh tế thế giới, ông đánh giá như thế nào về kết quả thương mại giữa Việt Nam và EU trong năm 2022 và dự báo về năm 2023?

Ông Trần Ngọc Quân: Năm 2022, mặc dù kinh tế EU và thế giới gặp nhiều biến động, nhưng thương mại hai chiều vẫn phát triển tích cực. Tính chung cả năm, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều đạt 62,4 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 47,1 tỷ USD, tăng 17,4% so với năm 2021.

Thành công này bắt nguồn từ sự điều chỉnh chính sách linh hoạt của Chính phủ, sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ trưởng và lãnh đạo Bộ Công Thương, sự năng động của doanh nghiệp Việt Nam và đặc biệt một phần không nhỏ từ tác động của hiệp định EVFTA.

Cao ủy Thương mại Ủy ban châu Âu (EC) kiêm Phó Chủ tịch Điều hành EC đã nhiều lần nhấn mạnh, trong bối cảnh chuỗi cung ứng đứt gãy, giải pháp sẽ là đẩy mạnh thương mại với các nước có hiệp định thương mại với EU.

Do vậy, nếu khủng hoảng năng lượng và lạm phát kéo dài, tuy sẽ gặp nhiều khó khăn hơn năm 2022 nhưng thương mại Việt Nam – EU vẫn sẽ có điều kiện phát triển trong năm 2023 khi vào ngày 1/8/2023, nhiều dòng thuế về hàng hóa sẽ về 0%. Trong khi đó, nhiều hoạt động xúc tiến thương mại cấp chính phủ và doanh nghiệp sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn, tạo điều kiện tốt hơn cho quan hệ kinh tế, thương mại song phương.

Mekong ASEAN: Năm 2022, tình trạng khủng hoảng năng lượng cũng như lạm phát tại EU đã tác động như thế nào đến thương mại giữa Việt Nam và EU?

Ông Trần Ngọc Quân: Thời gian qua, khủng hoảng năng lượng và lạm phát tại EU đã đẩy chi phí tại EU lên rất nhiều. Giá cả hàng hóa tiêu dùng và năng lượng đều tăng cao. Hiện tại hầu hết giá các mặt hàng tại siêu thị đều tăng từ 20-30%, giá năng lượng điện, gas tăng gần gấp 3 lần so với năm trước. Do vậy, chi tiêu của người dân có sự sụt giảm, nhất là đối với các mặt hàng thời trang, trang trí.

Bên cạnh đó, lạm phát khiến đồng Euro giảm giá so với các ngoại tệ chủ lực như USD, đồng Bảng Anh…Về cơ bản, lạm phát sẽ khiến hàng hóa nhập khẩu vào EU trở nên đắt hơn, giảm phần nào khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam so với hàng bản địa, cũng như giảm khả năng chi tiêu của người dân. Các mặt hàng thời trang, điện tử, hàng hóa xa xỉ sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.

Khi kinh tế khó khăn, các mặt hàng cơ bản như lương thực và thực phẩm của Việt Nam vẫn có khả năng duy trì. Riêng cá tra, do nguồn cung cá tuyết từ Nga và Đông Âu giảm sút nên có lợi thế gia tăng thị phần.

Mekong ASEAN: Ông đánh giá thế nào về việc tận dụng hiệp định EVFTA của các doanh nghiệp Việt Nam trong năm qua?

Ông Trần Ngọc Quân: Trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, việc tham gia các FTA, nhất là các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA và UKVFTA đã giúp hoạt động xuất khẩu của Việt Nam duy trì tăng trưởng ấn tượng, đồng thời hạn chế phần nào những tác động tiêu cực của dịch bệnh đến thương mại và kinh tế của đất nước.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh từng nhấn mạnh, sau hơn 2 năm (1/8/2020-12/2022) thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA), tăng trưởng xuất nhập khẩu 2 chiều Việt Nam - EU đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Đặc biệt, mặc dù EVFTA được thực thi vào thời điểm đại dịch Covid-19 diễn ra phức tạp trên toàn thế giới nhưng trao đổi thương mại hai chiều nói chung và xuất khẩu từ Việt Nam sang EU nói riêng vẫn tăng trưởng tốt.

Một điểm sáng nữa trong hoạt động xuất khẩu sang EU là tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ EVFTA. Năm 2021, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu sử dụng mẫu C/O Euro.1 đạt khoảng 8,1 tỷ USD, chiếm khoảng 20,2% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang EU, tăng 244% so với cùng kỳ năm trước. Trong 10 tháng năm 2022, tỷ lệ tận dụng ưu đãi là 25,1%, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2021.

Thế nhưng theo tôi, cơ hội tận dụng ưu đãi từ các FTA chưa thực sự cân bằng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI. Dư địa và cơ hội từ thị trường EU còn rất rộng lớn, dù vậy các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn và vướng mắc khi tiếp cận thị trường này, cả về lý do chủ quan và khách quan.

Thông thường để đảm bảo tận dụng tốt lợi thế từ EVFTA, chúng ta vẫn phải đặc biệt coi trọng việc kiểm soát chất lượng, kiểm soát chuỗi cung và truy xuất nguồn gốc ở bất cứ giai đoạn nào của hàng hóa, đồng thời phải nỗ lực chuyển đổi, đáp ứng kịp thời các yêu cầu mới của thị trường như Green Deal.

Chúng ta đã có các chuỗi hàng lo đầu ra các mặt hàng công nghiệp như dệt may, giày dép, điện tử... Nhưng đối với các mặt hàng nông nghiệp, thực phẩm, gia dụng..., vẫn cần phải có nhà nhập khẩu đầu mối đủ mạnh tại EU để cung ứng cho các chuỗi phân phối.

Hiện nay, rất nhiều chuỗi phân phối đã thuê ngoài nguồn hàng. Ngoài việc nhập khẩu trực tiếp, các chuỗi đã tìm đến các nhà cung ứng hàng nhập khẩu ổn định để giảm các chi phí lưu kho, tồn đọng tiền hàng. Việc thiếu nhà nhập khẩu đầu mối đủ mạnh (ngoài doanh nghiệp của người Việt Nam ở nước ngoài) sẽ khiến chúng ta khó khăn hơn trong việc tiếp cận các chuỗi.

Mekong ASEAN: Thỏa thuận Xanh của EU được khởi động từ năm 2019 đã và sẽ tác động như thế nào đến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào EU?

Ông Trần Ngọc Quân: Từ năm 2019, EU đã khởi động chiến dịch Thỏa thuận Xanh châu Âu (EGD). EGD có tác động đến rất nhiều lĩnh vực, từ nông nghiệp với chính sách từ trang trại đến bàn ăn, đến các ngành công nghiệp như giảm rác thải, cân bằng carbon, gia tăng hàm lượng năng lượng tái tạo….

Mặc dù Thỏa thuận xanh là quy định nội bộ của EU, nhưng các doanh nghiệp, Hội, đoàn của EU cũng đang vận động để áp dụng cho tất cả các mặt hàng được tiêu thụ tại EU, do vậy sẽ ảnh hưởng nhất định đến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Về cơ bản, việc sản xuất theo quy định của Thỏa thuận xanh sẽ tạo ra các sản phẩm thân thiện với môi trường. Nếu hàng hóa Việt Nam đáp ứng được các yêu cầu này thì có khả năng tăng trưởng tốt trong tương lai tại EU và các thị trường khác.

Việc sản xuất theo Thỏa thuận xanh sẽ yêu cầu các doanh nghiệp phải chuyển đổi phần nào phương thức sản xuất, áp dụng nhiều khoa học hơn và đương nhiên sẽ gia tăng chi phí sản xuất của doanh nghiệp.

EU cũng đang thiết lập các chương trình hỗ trợ, đặc biệt là nhắm vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ, để chuyển đổi sang việc tuân thủ các quy định mới về Thỏa thuận Xanh của EU. Các công cụ và cơ chế tốt hơn sẽ được đưa ra để cung cấp thông tin về sản phẩm của doanh nghiệp và cải thiện các hoạt động chế biến, sản xuất.

Nhiều chính sách và biện pháp của EGD được xây dựng dựa trên các quy định hiện có mà doanh nghiệp có thể đã tuân thủ nếu doanh nghiệp hiện đang xuất khẩu sang Châu Âu. Tính bền vững trong các quy trình công nghiệp không chỉ giúp doanh nghiệp có cơ hội kinh doanh tại châu Âu mà còn có thể mang lại lợi thế cạnh tranh trên trường quốc tế.

EGD là một tập hợp các sáng kiến chính sách do Ủy ban châu Âu đưa ra nhằm giảm phát thải khí nhà kính và giảm thiểu việc sử dụng tài nguyên trong khi vẫn đạt được tăng trưởng kinh tế. Điều này đồng nghĩa với việc các sản phẩm để bán được tại thị trường EU phải đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững cao hơn.

Mekong ASEAN: “Thẻ vàng IUU" đã ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển của doanh nghiệp thủy sản Việt Nam tại EU, thưa ông?

Ông Trần Ngọc Quân: Về cơ bản, IUU chỉ áp dụng cho các sản phẩm đánh bắt ngoài khơi và thẻ vàng IUU mang ý nghĩa cảnh báo. Tuy nhiên, bị thẻ vàng IUU sẽ khiến doanh nghiệp nhập khẩu của EU suy nghĩ nhiều hơn trước khi đặt hàng vì các doanh nghiệp EU thường đặt các đơn hàng dài hạn và họ không chắc triển vọng tương lai thế nào nên cũng do dự khi đặt số lượng lớn với thời gian dài.

Cuối năm 2022, đoàn chuyên gia EU đã vào đánh giá tình hình thực hiện các quy định liên quan đến EU. Mặc dù vẫn còn một số thiếu sót, nhưng các chuyên gia EU đều nhận định Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc quản lý đánh bắt ngoài khơi. Theo tôi, nếu chúng ta vẫn giữ quyết tâm như thời gian qua thì khả năng dỡ thẻ vàng là cao, hoặc ít nhất không bị chuyển sang thẻ đỏ.

EU là một trong các thị trường xuất khẩu thủy sản lớn của Việt Nam. Từ năm 1999 đến năm 2017, kim ngạch xuất khẩu thủy sản từ Việt Nam sang EU đã tăng từ 90 triệu USD lên 1,5 tỷ USD. Tuy nhiên, kể từ tháng 10/2017 đến nay, Ủy ban châu Âu (EC) đã áp thẻ vàng IUU đối với Việt Nam. Sau khi dính thẻ vàng IUU, xuất khẩu thủy sản sang thị trường này bị suy giảm, đến năm 2021 chỉ còn đạt hơn 1 tỷ USD.

Mekong ASEAN: Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

Đọc tiếp