Kiểm toán Nhà nước tiếp tục sửa đổi, bổ sung hệ thống chuẩn mực Kiểm toán Nhà nước. Nguồn: KTNN. |
Hoàn thiện quy trình kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước
Từ khi thành lập đến nay, Kiểm toán Nhà nước đã ban hành ba hệ thống chuẩn mực Kiểm toán Nhà nước các năm: năm 1999, năm 2010 và năm 2016. Các hệ thống chuẩn mực Kiểm toán Nhà nước ban hành sau ngày càng hoàn thiện hơn và phù hợp hơn với yêu cầu thực tiễn hoạt động kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước.
Đồng thời, quy định cho cả 3 loại hình kiểm toán là kiểm toán tài chính, kiểm toán tuân thủ và kiểm toán hoạt động.
Hiện nay, trước những yêu cầu mới, Kiểm toán Nhà nước tiếp tục sửa đổi, bổ sung hệ thống chuẩn mực theo hướng cập nhật với hệ thống chuẩn mực kiểm toán do INTOSAI ban hành; tuân thủ Luật Kiểm toán Nhà nước và các luật pháp của Việt Nam có liên quan; phù hợp với thể chế, cơ chế quản lý của Việt Nam, điều kiện, môi trường hoạt động và trình độ phát triển của Kiểm toán Nhà nước.
Trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản được quy định trong hệ thống chuẩn mực, Kiểm toán Nhà nước đã xây dựng và hoàn thiện quy trình kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước. Quy trình kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước quy định trình tự, thủ tục tiến hành các công việc của cuộc kiểm toán do Kiểm toán Nhà nước thực hiện; được xây dựng trên cơ sở quy định của Luật Kiểm toán Nhà nước, Hệ thống chuẩn mực Kiểm toán Nhà nước và thực tiễn hoạt động kiểm toán.
Quy trình kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước là căn cứ để xây dựng các hướng dẫn kiểm toán đối với từng lĩnh vực kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước như: hướng dẫn kiểm toán ngân sách bộ, ngành, cơ quan Trung ương; hướng dẫn kiểm toán ngân sách địa phương; Hướng dẫn kiểm toán dự án đầu tư xây dựng công trình; hướng dẫn kiểm toán chương trình mục tiêu quốc gia của Kiểm toán Nhà nước…
Đối với một số chuẩn mực Kiểm toán Nhà nước mang tính chuyên môn sâu như đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu, thu thập bằng chứng kiểm toán, lấy mẫu kiểm toán, hình thành ý kiến kiểm toán,… Kiểm toán Nhà nước đã cụ thể hóa thành các hướng dẫn cụ thể hơn như: hướng dẫn phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu trong kiểm toán báo cáo quyết toán dự án đầu tư; trong kiểm toán báo cáo tài chính doanh nghiệp; trong kiểm toán báo cáo tài chính ngân hàng…
Bên cạnh đó, các văn bản quy định về tổ chức, hoạt động kiểm toán và kiểm soát hoạt động kiểm toán cũng thường xuyên được cập nhật, hoàn thiện như: quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn kiểm toán; Quy chế Kiểm soát chất lượng kiểm toán; quy định danh mục hồ sơ kiểm toán; chế độ nộp lưu, bảo quản, khai thác và hủy hồ sơ kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước…
Ngoài ra, với vai trò tài liệu hóa hoạt động kiểm toán, hệ thống mẫu biểu hồ sơ kiểm toán cũng được xây dựng và hoàn thiện nhằm tạo sự đồng bộ, thống nhất, chuẩn hóa trong ghi chép, phản ánh diễn biến, nội dung, kết quả kiểm toán, hỗ trợ công tác quản lý, điều hành hoạt động kiểm toán và kiểm soát chất lượng kiểm toán, góp phần chính quy và chuyên nghiệp hoá hoạt động kiểm toán.
Tiếp tục hoàn thiện các văn bản liên quan
Trong 30 năm xây dựng và phát triển, hệ thống các văn bản chuyên môn nghiệp vụ của Kiểm toán Nhà nước đã không ngừng được hoàn thiện một cách toàn diện và từng bước chuyên nghiệp phù hợp với trình độ phát triển của Kiểm toán Nhà nước cũng như chuẩn mực và thông lệ quốc tế; góp phần cùng với Luật Kiểm toán Nhà nước tạo nên sự thống nhất và đồng bộ của khuôn khổ pháp lý cho tổ chức và hoạt động của Kiểm toán Nhà nước.
Nâng cao chất lượng kiểm toán và đạo đức công vụ Kiểm toán Nhà nước. Nguồn: KTNN. |
Mặc dù vậy, trong nhiều thời điểm các văn bản hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ, các văn bản quản lý, kiểm soát chất lượng kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước còn chưa được cập nhật kịp thời, rà soát thường xuyên khi có sự thay đổi của các quy định trong Luật Kiểm toán Nhà nước và các luật liên quan.
Đồng thời, quá trình áp dụng vào thực tiễn hoạt động của Kiểm toán Nhà nước còn có những vướng mắc, bất cập nhất định cần tiếp tục phải được nghiên cứu, sửa đổi cho phù hợp.
Trước đó, ngày 3/4/2023, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn đã ký quyết định số 346 thành lập Ban Chỉ đạo sửa đổi, bổ sung Hệ thống chuẩn mực Kiểm toán Nhà nước và quyết định số 347 thành lập Tổ soạn thảo sửa đổi, bổ sung Hệ thống chuẩn mực Kiểm toán Nhà nước.
Theo kế hoạch, Tổ soạn thảo sẽ hoàn thiện Hệ thống chuẩn mực Kiểm toán Nhà nước sửa đổi, bổ sung trình Tổng Kiểm toán Nhà nước ký ban hành trong tháng 6/2024 nhân dịp chào mừng 30 năm thành lập Kiểm toán Nhà nước (11/7/1994-11/7/2024).
Đến nay, Tổ soạn thảo đã hoàn thiện Dự thảo lần một Hệ thống chuẩn mực Kiểm toán Nhà nước sửa đổi, bổ sung, trình Ban Chỉ đạo cho ý kiến và đăng trên cổng thông tin của Kiểm toán Nhà nước để lấy ý kiến góp ý trong và ngoài ngành.
Theo GS TS Đoàn Xuân Tiên, Nguyên Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo sửa đổi, bổ sung Hệ thống Chuẩn mực Kiểm toán Nhà nước năm 2024, trước hết, phải khẳng định rằng, Hệ thống Chuẩn mực Kiểm toán Nhà nước không chỉ đóng vai trò là kim chỉ nam cho tổ chức, hoạt động của Kiểm toán Nhà nước, mà đặc biệt giá trị về mặt pháp lý, là văn bản quy phạm pháp luật cho hoạt động kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước.
Đồng thời, đây cũng là điều kiện đảm bảo tính chuyên nghiệp hoạt động kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước, là điều kiện để đảm bảo các vấn đề có tính nền tảng triết lý kiểm toán công.
"Đây là cơ sở pháp lý cũng như các quy định có tính nguyên tắc và chuẩn chỉ, mực thước, mang tính bắt buộc đối với tổ chức, hoạt động Kiểm toán Nhà nước, kiểm toán viên Nhà nước và các đối tượng liên quan. Đồng thời, hệ thống chuẩn mực cũng đóng vai trò rất quan trọng trong vấn đề về phát triển bền vững cũng như nâng cao uy tín và độ tin cậy của Kiểm toán Nhà nước," GS TS Đoàn Xuân Tiên khẳng định.
Việc sửa đổi Hệ thống Chuẩn mực Kiểm toán Nhà nước lần này có ý nghĩa rất quan trọng đối với vấn đề phát triển bền vững về tổ chức, hoạt động cũng như nâng cao vị thế, uy tín của Kiểm toán Nhà nước trong thời gian tới.