IMF: Việt Nam sẽ tăng trưởng gấp 2 lần mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu

Hợp Tác IMF
17:53 - 20/05/2023
Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva. Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva. Ảnh: TTXVN
0:00 / 0:00
0:00
Ngày 20/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thực hiện hàng loạt cuộc tiếp xúc song phương, như gặp Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế, bà Kristalina Georgieva, Tổng Thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế Mathias Cormann và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.

IMF: Việt Nam là "ngôi sao sáng trên bầu trời kinh tế thế giới"

Bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G7 tại Nhật Bản, ngày 20/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gặp Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva.

Thủ tướng cảm ơn sự hỗ trợ và tư vấn của IMF đối với việc điều hành chính sách kinh tế vĩ mô của Chính phủ Việt Nam, góp phần xây dựng các khuôn khổ chính sách phù hợp với xu thế toàn cầu, hỗ trợ Việt Nam tiếp cận các quỹ đầu tư.

Trước những thay đổi nhanh chóng của thế giới, Thủ tướng mong muốn hai bên thúc đẩy hợp tác hiệu quả hơn và đề nghị IMF tiếp tục tư vấn chính sách cho Chính phủ Việt Nam về điều hành kinh tế, hoàn thiện các công cụ, chính sách tài khóa, tiền tệ, tái cơ cấu tài chính - ngân hàng.

Thủ tướng chia sẻ sự thành công của Việt Nam trên các lĩnh vực, trong đó thị trường tài chính ổn định; thương hiệu quốc gia được nâng lên, đạt 431 tỷ USD năm 2022, với tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới, Việt Nam cũng tăng 12 bậc trong Báo cáo Hạnh phúc thế giới 2023.

Thủ tướng khẳng định sự phát triển kinh tế của Việt Nam có yếu tố nội lực và ngoại lực. Thủ tướng cũng trao đổi thẳng thắn các vấn đề hai bên quan tâm, gợi mở những vấn đề mới trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục khó khăn.

Về phần mình, Tổng giám đốc IMF Kristalina Georgieva gọi Việt Nam là "ngôi sao sáng trên bầu trời kinh tế thế giới", với kinh tế duy trì ổn định, tốc độ tăng trưởng khả quan trong bối cảnh kinh tế toàn cầu biến động mạnh và nhiều rủi ro, chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19.

Bà Kristalina Georgieva đánh giá cao chính sách điều hành kinh tế - xã hội của Việt Nam, việc sớm kiểm soát dịch Covid-19, mở cửa nền kinh tế. Bà cho rằng việc thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả của Chính phủ rất phù hợp, giúp Việt Nam duy trì đà tăng trưởng trong bối cảnh khó khăn vừa qua.

Tổng giám đốc IMF dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng gấp 2 lần mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu và IMF mong muốn sẽ tư vấn lãi suất, chính sách tiền tệ, nâng cao năng lực tự chủ của kinh tế Việt Nam ứng phó với khủng hoảng.

Bà Kristalina Georgieva khẳng định IMF và cá nhân bà ủng hộ mạnh mẽ và sẽ đồng hành cùng Việt Nam trong tiến trình phát triển của Việt Nam.

OECD cam kết sẽ trao đổi, hợp tác, hỗ trợ Việt Nam phục hồi, phát triển kinh tế

Tại cuộc tiếp ông Mathias Cormann, Tổng Thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và OECD, cảm ơn sự hỗ trợ kỹ thuật, tư vấn chính sách của OECD cho Việt Nam.

Thủ tướng tiếp ông Mathias Cormann, Tổng Thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). Ảnh: VGP

Thủ tướng tiếp ông Mathias Cormann, Tổng Thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). Ảnh: VGP

Thủ tướng đề nghị hai bên tiếp tục thúc đẩy hợp tác, trước mắt chuẩn bị tốt cho Hội nghị Bộ trưởng Chương trình Đông Nam Á năm 2023 và đề nghị OECD tạo điều kiện cho nhiều cán bộ điều phối Việt Nam làm việc tại Ban Thư ký.

Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam là nước đang phát triển, là nền kinh tế đang chuyển đổi, độ mở kinh tế lớn, khả năng chống chịu với các cú sốc bên ngoài còn hạn chế và mong OECD hỗ trợ chia sẻ nghiên cứu, cách tiếp cận trong những vấn đề mới, nhất là thuế tối thiểu toàn cầu, an ninh năng lượng, kinh tế tri thức, kinh tế tuần hoàn…

Tổng Thư ký OECD cảm ơn những đóng góp tích cực và vai trò chủ chốt của Việt Nam trong Chương trình Đông Nam Á trên cương vị đồng Chủ tịch Chương trình, đặc biệt là tổ chức thành công Hội nghị Bộ trưởng Chương trình Đông Nam Á tháng 10/2022 tại Hà Nội.

Ông Mathias Cormann bày tỏ ấn tượng trước vai trò quốc tế của Việt Nam với việc Việt Nam được mời tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng cũng như tham dự Hội nghị Hội đồng Bộ trưởng OECD tháng 6/2023 sắp tới.

Tổng Thư ký OECD cam kết sẽ tiếp tục thúc đẩy trao đổi, hợp tác với Việt Nam, hỗ trợ Việt Nam phục hồi, phát triển kinh tế, đặc biệt trong các lĩnh vực Việt Nam quan tâm gồm xây dựng chính sách đầu tư thích ứng với thuế tối thiểu toàn cầu, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn…

Tổng Thư ký Mathias Cormann mong Việt Nam tham gia sáng kiến Diễn đàn các phương pháp giảm carbon (IFCMA) để đóng góp xây dựng cách tiếp cận chuẩn, tổng thể về việc giảm thiểu carbon ở cấp độ toàn cầu.

Việt Nam - Ấn Độ chia sẻ nhiều lợi ích chiến lược tương đồng

Tại cuộc hội kiến Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, hai nhà lãnh đạo khẳng định coi trọng mối quan hệ hữu nghị truyền thống, gắn bó lâu đời giữa hai nước.

Hai Thủ tướng cũng trao đổi các biện pháp nhằm hiện thực hóa tầm nhìn về phát triển quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của trao đổi, tiếp xúc cấp cao và hợp tác thực chất, hiệu quả trên các lĩnh vực.

Thủ tướng Phạm Minh Chính hội kiến Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Ảnh: VGP

Thủ tướng Phạm Minh Chính hội kiến Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Ảnh: VGP

Thủ tướng Phạm Minh Chính chúc mừng các thành tựu của Ấn Độ dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Narendra Modi, đặc biệt là kinh tế tăng trưởng ấn tượng, khoa học công nghệ phát triển lên trình độ cao; vai trò và vị thế của Ấn Độ ngày càng được coi trọng tại khu vực và trên thế giới.

Khẳng định Việt Nam - Ấn Độ chia sẻ nhiều lợi ích chiến lược tương đồng, Thủ tướng đề nghị hai bên tiếp tục tăng cường hợp tác nhiều mặt, trong đó ưu tiên thúc đẩy quan hệ chính trị, ngoại giao, hợp tác trong các lĩnh vực hai bên có nhu cầu như thương mại - đầu tư, dịch vụ, tài chính - ngân hàng, du lịch, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tăng cường phối hợp ứng phó với các thách thức chung trong bối cảnh thế giới có nhiều khủng hoảng.

Thủ tướng Narendra Modi khẳng định Việt Nam là một trong những đối tác chiến lược quan trọng hàng đầu trong Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, chính sách "Hành động hướng Đông" của Ấn Độ.

Đồng thời, ông Narendra Modi cũng cảm ơn Việt Nam đã tham dự Diễn đàn phương Nam để cùng tăng cường vai trò, tiếng nói của các nước đang phát triển; cho rằng quan hệ thương mại song phương thời gian qua phát triển rất tích cực với kim ngạch đạt gần 15 tỷ USD trong năm 2022.

Về phương hướng thời gian tới, cùng chia sẻ nhận định rằng hợp tác kinh tế - thương mại tiếp tục là một trụ cột quan trọng trong quan hệ song phương, hai nhà lãnh đạo đã trao đổi một số biện pháp, định hướng cụ thể nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp mỗi nước tiếp cận thị trường và đầu tư kinh doanh, khai thác tiềm năng và quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai nước.

Hai bên nhất trí tiếp tục thúc đẩy, phát huy các cơ chế tham vấn, đối thoại, mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực hai bên có lợi thế bổ sung cho nhau, phối hợp chặt chẽ, chia sẻ lập trường quan điểm trong các vấn đề quốc tế, khu vực cùng quan tâm, tại các diễn đàn quốc tế và khu vực, nhất là tại Liên Hợp Quốc cũng như tại các cơ chế do ASEAN dẫn dắt và trong khuôn khổ hợp tác Mekong - Sông Hằng.

Hai Thủ tướng đồng thời khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không, nêu cao luật pháp quốc tế, kêu gọi các bên thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982; tạo điều kiện để giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình.

Tin liên quan

Đọc tiếp