Trong cuộc phỏng vấn trên Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) công bố cuối tuần trước, Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi tuyên bố rằng cuộc xung đột ngầm kéo dài giữa Israel và Iran đã leo thang thành một số cuộc đối đầu quân sự trực tiếp trong năm qua và có khả năng vượt khỏi tầm kiểm soát nếu không có các biện pháp ngoại giao.
“Chúng tôi đã chuẩn bị đầy đủ cho khả năng Israel sẽ tiếp tục tấn công. Tôi hy vọng Israel sẽ kiềm chế không thực hiện những hành động liều lĩnh như vậy, vì điều đó có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh quy mô lớn,” Ngoại trưởng Araghchi cảnh báo.
Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi. Ảnh: The Cradle |
Ông nói thêm rằng: “Chúng tôi tin rằng lý trí cuối cùng sẽ chiến thắng và ngăn chặn các hành động có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng". Nhà ngoại giao Iran đồng thời nhấn mạnh cam kết của Tehran trong việc hợp tác với các đồng minh khu vực và quốc tế, bao gồm cả Trung Quốc, nhằm hạ nhiệt căng thẳng và theo đuổi các giải pháp hòa bình.
Israel chưa bình luận về tuyên bố của Ngoại trưởng Iran.
Tình hình căng thẳng giữa Israel với Iran và các lực lượng do Tehran hậu thuẫn trong khu vực đã leo thang trong năm 2024. Trong đó, Israel và Iran đã đối đầu nhau trong cuộc tấn công trực diện.
Vào tháng 4/2024, Iran đã phóng hơn 300 UAV và tên lửa trong một cuộc tấn công trực tiếp chưa từng có vào Israel, nhằm trả đũa cuộc không kích của Tel Aviv vào Lãnh sự quán Iran tại Damascus, Syria, khiến hai tướng Iran và một số sĩ quan của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) thiệt mạng.
Tháng 10/2024, Iran đã phóng gần 200 tên lửa đạn đạo vào Israel, nhằm đáp trả cho cái chết của thủ lĩnh chính trị Hamas Ismail Haniyeh, thủ lĩnh tối cao Hezbollah Hassan Nasrallah, tướng Abbas Nilforoshan - phó chỉ huy các hoạt động của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) cùng hàng loạt lãnh đạo khác. Tel Aviv sau đó đã tiến hành không kích quy mô lớn nhắm vào các hệ thống radar và phòng không của Iran.
Theo RT, những diễn biến gần đây tại Trung Đông, bao gồm sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad và sự suy yếu đáng kể của lực lượng Hezbollah, đã làm thay đổi đáng kể cán cân chiến lược trong khu vực. Các quan chức Israel và Mỹ được cho là nhận thấy Tehran ngày càng dễ bị tổn thương, từ đó làm dấy lên các cuộc thảo luận về các hành động quân sự phủ đầu tiềm tàng.
Cuối tháng trước, các nguồn tin của Axios tiết lộ rằng Tổng thống Mỹ Joe Biden được cho là đã triệu tập một cuộc họp cấp cao để thảo luận về khả năng hành động quân sự chống các cơ sở hạt nhân của Iran. Cuộc thảo luận được cho là một phần trong kế hoạch dự phòng cho tình huống Iran tiến gần hơn đến việc phát triển vũ khí hạt nhân trước khi ông Biden rời nhiệm sở vào ngày 20/1/2025.
Trong khi đó, Iran đã nhiều lần phủ nhận việc theo đuổi vũ khí hạt nhân; khẳng định rằng chương trình hạt nhân của nước này chỉ nhằm mục đích hòa bình. Trong một cuộc phỏng vấn khác vào tuần trước, Ngoại trưởng Araghchi đã nhắc lại lập trường của Tehran về năng lượng hạt nhân hòa bình, nhấn mạnh rằng các cuộc đàm phán vẫn có thể diễn ra nếu Iran được đối xử “tôn trọng”.