Người dân Palestine đưa một thi thể ra khỏi đống đổ nát của một tòa nhà sau cuộc không kích của quân đội Israel ở Beit Lahiya, phía bắc Dải Gaza, ngày 29/10/2024. Ảnh: AFP |
Theo Al Jazeera trích dẫn Bộ Y tế Gaza, quân đội Israel ngày 29/10 tiếp tục ném bom vào các tòa nhà dân cư tại Beit Lahiya, phía bắc Gaza, trong đó bao gồm một số ngôi nhà thuộc sở hữu của gia đình Al Louh, khiến ít nhất 19 người thiệt mạng.
Quân đội nước này trước đó cũng ném bom vào một tòa nhà 5 tầng thuộc sở hữu của gia đình Abu Nasr ở Beit Lahiya, khiến ít nhất 93 người thiệt mạng và làm bị thương hàng chục người khác. Bộ Y tế Gaza cho biết có ít nhất 25 trẻ em trong số những nạn nhân thiệt mạng trong vụ tấn công này.
Đoạn phim về cuộc tấn công của quân đội Israel vào tòa nhà của gia đình Abu Nasr vào sáng sớm ngày 29/10 do Al Jazeera thu được cho thấy hình ảnh một người đàn ông Palestine bị mắc kẹt dưới bê tông và nhiều thanh thép trong khi những người khác cố gắng phá vỡ các bức tường bằng rìu để tiến hành giải cứu. Bên ngoài tòa nhà, một số thi thể được quấn trong chăn nằm la liệt trên mặt đất.
Cuộc tấn công trên không và trên bộ ngày càng leo thang của Israel vào Beit Lahiya diễn ra khi cuộc bao vây phía bắc Gaza của nước này đã bước sang ngày thứ 26. Trước đây, chính phủ Israel từng nhiều lần tuyên bố cuộc tấn công vào miền bắc Gaza được phát động nhằm ngăn chặn các chiến binh Hamas tập hợp lại ở phía bắc lãnh thổ.
Cuộc tấn công này đã vấp phải thái độ phản đối mạnh mẽ từ nhiều chính phủ cũng như tổ chức quốc tế. Cơ quan nhân đạo của Liên Hợp Quốc (OCHA) lên án vụ tấn công vào nhà của gia đình Abu Nasr là một trong 7 "vụ thương vong hàng loạt" ở Gaza chỉ trong tuần qua.
Văn phòng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (OHCHR) cũng bày tỏ sự "kinh hoàng" trước vụ đánh bom, đồng thời mô tả đây là một trong những vụ tấn công đơn lẻ gây chết người nghiêm trọng nhất ở Gaza trong gần 3 tháng trở lại đây. Tại Geneva, phát ngôn viên của OHCHR Jeremy Laurence đã kêu gọi một cuộc điều tra nhanh chóng, minh bạch và chi tiết.
Tại Washington, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller cũng bày tỏ sự lo ngại khi cho biết đây là “một vụ việc kinh hoàng với hậu quả kinh hoàng”. Ông cho biết chính phủ Mỹ đã liên hệ với chính phủ Israel để hỏi xem chuyện gì đã xảy ra.
Đặc phái viên hòa bình Trung Đông của Liên Hợp Quốc Tor Wennesland cũng lên án vụ tấn công vào tòa nhà của gia đình Abu Nasr. Ông cho biết: "Cuộc tấn công kinh hoàng này là một trong một loạt các vụ thương vong hàng loạt gần đây, cùng với một chiến dịch di dời lớn, ở phía bắc Gaza làm dấy lên những lo ngại nghiêm trọng về việc vi phạm luật nhân đạo quốc tế”.
Ông cũng “lên án mạnh mẽ việc giết hại và làm bị thương dân thường trên diện rộng ở Gaza, cũng như tình trạng di dời vô tận của người dân ở Gaza". Về phái Israel, quân đội nước này chỉ cho biết đang "xem xét các báo cáo về cuộc không kích".
Xung đột tại Dải Gaza nổ ra từ ngày 7/10/2023 sau khi các chiến binh Hamas tấn công vào miền nam Israel, khiến khoảng 1.200 người, chủ yếu là thường dân, thiệt mạng và bắt cóc khoảng 250 người khác. Tính tới hiện tại, khoảng 100 con tin vẫn ở lại Gaza, với khoảng 1/3 trong số đó được cho là đã thiệt mạng.
Theo Bộ Y tế Gaza, cuộc tấn công trả đũa của Israel đã khiến hơn 42.000 người Palestine thiệt mạng. Bộ này không phân biệt giữa thường dân và chiến binh, nhưng cho biết hơn một nửa số người thiệt mạng là phụ nữ và trẻ em. Các cuộc tấn công còn tàn phá phần lớn Gaza và khiến khoảng 90% dân số gồm 2,3 triệu người của dải đất này phải di dời.
Theo Lực lượng Phòng vệ Dân sự Palestine, hiện còn hơn 100.000 người vẫn bị mắc kẹt ở phía bắc Gaza mà không thể tiếp cận thức ăn và nước uống trong khi lực lượng cứu hộ không thể tiếp cận do cuộc các cuộc bao vây và tấn công liên tục của Israel.