Khơi thông ‘mạch máu’ cho vùng kinh tế Đồng bằng Sông Cửu Long

Khơi thông ‘mạch máu’ cho vùng kinh tế Đồng bằng Sông Cửu Long

logistics ĐBSCL
14:13 - 01/04/2022
Các chuyên gia nhận định logistics là “mạch máu” của vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Tuy nhiên, “mạch máu” này đang có nhiều điểm nghẽn cần những cơ chế, chính sách dài hạn khai thông dòng chảy kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp.

Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Đồng bằng Sông Cửu Long là vùng trọng điểm kinh tế, đóng góp khoảng 90% sản lượng gạo, 65% sản lượng thủy sản và 70% sản lượng trái cây xuất khẩu cả nước.

Theo thống kê hàng năm, nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất khẩu của Đồng bằng Sông Cửu Long từ 17 - 18 triệu tấn. Tuy nhiên, 70% lượng hàng này phải chuyển tải về các cảng lớn ở TP HCM và cảng Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu), khiến chi phí vận tải doanh nghiệp phải gánh cao hơn từ 10 - 40%.

Theo nhận định của Ngân hàng thế giới (WB), giao thông đường thủy nội địa của Việt Nam đóng vai trò then chốt nhưng thiếu đầu tư trầm trọng. Ngân sách đầu tư cho đường thủy nội địa giảm từ 2 - 3% tổng ngân sách đầu tư giao thông trong giai đoạn 2011 - 2015 xuống còn 1,2% trong giai đoạn 2016 - 2020.

Do đó, dù Đồng bằng Sông Cửu Long có nhiều lợi thế và tiềm năng to lớn để phát triển giao thông đường thủy với hệ thống sông ngòi chằng chịt (tổng chiều dài gần 28.000 km), nhưng hiện nay vận tải thủy nội địa chỉ đóng vai trò tập kết, thu gom hàng hóa với quy mô còn rất hạn chế.

Chia sẻ với MEKONG ASEAN về hiện trạng logistics khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, vùng này có hệ thống cảng trải dài trên khu vực sông Hậu và sông Tiền với 5 tuyến hành lang đường bộ nối đồng bằng với vùng Đông Nam Bộ và cả nước.

Mạng lưới đường thủy tại đây cũng dài và chất lượng cao hơn so với các vùng trong cả nước với hệ thống sông, kênh dài 28.000km. Trong đó 23.000km sông, kênh có khả năng khai thác vận tải với 2 tuyến đường thủy huyết mạch từ TP HCM đi Kiên Giang, Cà Mau và kênh Quan Chánh Bố cho tàu tải trọng lớn ra vào sông Hậu.

“Tuy mạng lưới sông ngòi dày đặc nhưng hầu hết hệ thống sông ngòi ở Đồng bằng Sông Cửu Long đều hẹp, dẫn đến bất cập là tàu lớn không thể vào được. Bất cập thứ hai đó là không có tàu biển đi thẳng đến các thị trường quốc tế, nên muốn xuất khẩu phải trung chuyển rất nhiều dẫn đến tốn kém về chi phí”, ông Hải chỉ ra những hạn chế.

Trong khi đó, hiện khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long còn thiếu các trung tâm logistics trọng điểm và các hệ thống trung tâm vệ tinh, thiếu bãi container rỗng, hệ thống kho ở các cảng, gây tắc nghẽn chuỗi cung ứng hàng hóa.

Hàng hóa phải vận chuyển qua nhiều địa điểm và đưa lên TP HCM để xuất đi các nơi. Phần lớn hàng hóa xuất nhập khẩu phải trung chuyển qua các cảng Cát Lái ở TP HCM và Cái Mép - Thị Vải của Bà Rịa – Vũng Tàu, gây tốn nhiều thời gian và chi phí, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh hàng hóa trên thị trường.

Ngày 14/2/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 200/QĐ-TTg về việc phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025.

Kế hoạch bao gồm các nhiệm vụ: hoàn thiện chính sách, pháp luật về dịch vụ logistics; hoàn thiện kết cấu hạ tầng logistics; nâng cao năng lực doanh nghiệp và chất lượng dịch vụ; phát triển thị trường dịch vụ logistics; đào tạo, nâng cao nhận thức và chất lượng nguồn nhân lực.

Tuy nhiên sau 5 năm thực hiện, những bất cập, hạn chế của thực trạng logistics trên cả nước nói chung và Đồng bằng Sông Cửu Long nói riêng vẫn còn tồn tại và trở thành bài toán khó cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Điều này đặt ra yêu cầu cần có các cơ chế, chính sách mang tính đột phá và có tầm nhìn dài hạn.

Là một đại diện của Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics (VLA), ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch VLA đã chia sẻ với MEKONG ASEAN về các đề xuất nhằm hướng tới khơi thông “mạch máu” kinh tế cho vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.

Theo ông Khoa, việc đầu tiên cần làm là hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông đồng bộ, đặc biệt là các tuyến cao tốc như Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ kết nối với TP HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu; tuyến cao tốc Bến Lức – Long Thành - Vũng Tàu.

“Qua đó làm giảm thiểu thời gian vận chuyển giữa Đồng bằng Sông Cửu Long với hai khu vực cảng xuất nhập khẩu hàng hóa chính. Đấy là phương án có thể thực hiện luôn để giải quyết khó khăn trước mắt. Tuy nhiên về lâu dài cần sớm nghiên cứu phát triển tuyến đường sắt kết nối”, ông Khoa đề xuất.

Đề xuất thứ hai của Phó Chủ tịch VLA là phát triển đồng bộ các phương thức vận chuyển hàng hóa, đặc biệt là hàng nông thủy sản xuất khẩu, bằng đường thủy nội địa và đường biển nhằm khuyến khích các giải pháp tiết giảm chi phí logistics cho khu vực.

Để giải quyết thực trạng thiếu các trung tâm logistics trọng điểm, ông Khoa cho rằng, cần có cơ chế phát triển trung tâm logistics Cần Thơ cho hàng hóa cả khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.

Bên cạnh đó, việc ứng dụng khoa học công nghệ về thu hoạch, bảo quản sau thu hoạch, ứng biến với từng thị trường cũng là một giải pháp quan trọng được ông Khoa nhắc tới. “Đây sẽ là một trong những điều kiện để Việt Nam tận dụng được lợi thế về thị trường mới và ưu đãi thuế quan từ các Hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA và RCEP mang lại, từ đó giảm thiểu hàng hóa xuất khẩu hoa quả tiểu ngạch”, ông Khoa nhấn mạnh.

Cùng ý kiến với đại diện VLA, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Trần Thanh Hải cho rằng, để logistics vùng Đồng bằng Sông Cửu Long phát triển bền vững và bài bản, cần kết nối tốt mạng lưới đường bộ, đường thủy với các cảng biển tại TP HCM và khu vực Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu).

“Bên cạnh hạ tầng giao thông, hạ tầng về kho bãi cũng cần được chú trọng. Ngành hàng xuất khẩu chính của khu vực này là nông thủy sản nên cần có các kho lạnh để bảo quản”, ông Hải nhấn mạnh.

Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cũng đưa ra các lưu ý về phía các cơ quan quản lý, cần hoàn thiện các thủ tục hành chính, đưa ra các thể chế chính sách giúp lưu thông hàng hóa trong khu vực này trở nên dễ dàng hơn.

Một trong những nhân tố quan trọng để khai thông các điểm nghẽn logistics vùng Đồng bằng Sông Cửu Long dưới góc nhìn của VLA, ông Đào Trọng Khoa cho rằng cần có sự hợp tác giữa các doanh nghiệp liên quan nhằm tạo dựng dây chuyền, nhất là hệ thống dây chuyền lạnh đủ tiêu chuẩn bảo quản, đóng gói, quy trình sơ chế, xử lý. Qua đó, hạn chế tỷ lệ hao hụt hàng hóa trái cây, nông sản, thủy sản sau thu hoạch, hiện nay từ 30% - 35%, bảo đảm chất lượng hàng hóa xuất khẩu.

Đồng thời, ông Khoa cũng nêu ra yêu cầu cần triển khai và phát triển nguồn nhân lực chuỗi cung ứng và logistics chất lượng cao tại khu vực này để đáp ứng kịp thời nhu cầu hiện tại và trong tương lai.

Phát triển các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đủ mạnh, nhất là các doanh nghiệp liên kết hiệu quả với thị trường quốc tế và có sự liên kết lại với nhau thành lập Hiệp hội logistics vùng Đồng bằng Sông Cửu Long với trung tâm là Cần Thơ.

Doanh nghiệp và nguồn nhân lực cũng là hai yếu tố được ông Trần Thanh Hải khẳng định tầm quan trọng khi thực hiện khai thông ‘mạch máu’ cho vùng kinh tế Đồng bằng Sông Cửu Long.

Để phát triển logistics bền vững cần phải có những doanh nghiệp dẫn dắt về chiến lược và phương thức hoạt động. Tuy nhiên, ông Hải nhìn nhận vùng Đồng bằng Sông Cửu Long hiện có rất ít các doanh nghiệp hoạt động logistics và chưa có doanh nghiệp lớn về lĩnh vực này.

“Ngoài ra, một nhân tố quan trọng không kém để có thể phát triển mạng lưới logistics khu vực này là nguồn nhân lực chất lượng cao có thể giúp đỡ các doanh nghiệp, tạo ra động lực phát triển logistics toàn vùng”, ông Hải nhấn mạnh.

TS. Trần Hữu Hiệp, chuyên gia kinh tế vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, cho rằng: "Logistics được ví như là mạch máu của vùng kinh tế. Việc xây dựng, phát triển chuỗi cung ứng và dịch vụ logistics tại Đồng bằng Sông Cửu Long trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu là rất cần thiết, nhằm kết nối vận chuyển hàng hóa từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ nhanh nhất, chi phí thấp hơn. Các trung tâm logistics hoạt động tốt sẽ giảm thiểu chi phí đầu vào nhằm tăng giá trị hàng hóa đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của vùng Đồng bằng Sông Cửu Long".

Đọc tiếp