Kinh tế số ASEAN như một thị trường chung

Kinh tế số ASEAN như một thị trường chung

KInh tế số asean
07:38 - 08/08/2022
Chuyển đổi số và phát triển kinh tế số đã trở thành lựa chọn chiến lược của nhiều Chính phủ, doanh nghiệp và tổ chức trên thế giới. Trong bối cảnh đó, hầu hết các nước ASEAN với tư cách cả khối đã có những chiến lược về hợp tác phát triển kinh tế số.

TS. Lê Trung Kiên, Nguyễn Trà My - Viện Nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao, Học viện Ngoại giao, gửi tới Mekong ASEAN bài phân tích về vấn đề này với chủ đề: "Kinh tế số ASEAN như một thị trường chung".

Chuyển đổi số có thể được hiểu là việc sử dụng công nghệ số hay ứng dụng số trên cơ sở các dữ liệu số để thay đổi mô hình nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh với mục tiêu là cải thiện và nâng cao hiệu quả hoạt động, tính cạnh tranh của tổ chức, cơ quan hay doanh nghiệp. Chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ trên ba khía cạnh lớn, đó là thay đổi phương thức quản trị quốc gia và trong từng tổ chức, thay đổi về tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất, và tạo ra sự điều chỉnh sâu sắc về quan hệ xã hội.

Hiện nay, giá trị của kinh tế số trên thế giới ước tính khoảng 3.000 tỷ USD, tương đương với 30% giá trị cổ phiếu phổ thông của 500 công ty có vốn hóa thị trường lớn nhất niêm yết trên NYSE hoặc NASDAQ (S&P500), gấp 6 lần thâm hụt thương mại hàng năm của Mỹ và lớn hơn tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Anh. Điều đặc biệt là con số này được tạo ra chỉ sau hơn 20 năm kể từ khi Internet được đưa vào sử dụng.

Câu hỏi chiến lược đặt ra đối với các chính phủ, doanh nghiệp, tổ chức hiện nay không còn là có tiến hành chuyển đổi số hay không, mà là chuyển đổi số, phát triển kinh tế số như thế nào để đạt hiệu quả tối ưu. Trong bối cảnh đó, hầu hết các nước Đông Nam Á cũng như ASEAN với tư cách cả khối đã có những kế hoạch, chiến lược về hợp tác phát triển kinh tế số.

Theo báo cáo của Google, Temasek và Bain&Co, khu vực ASEAN ghi nhận tổng số người dùng Internet vào khoảng 440 triệu người trong năm 2021, chiếm khoảng 75% dân số toàn khu vực (khoảng hơn 661 triệu người).

Những đặc điểm này là động lực để ASEAN trở thành một trong những thị trường với tốc độ tăng trưởng người dùng Internet và các dịch vụ số nhanh nhất thế giới. Số người dùng Internet trong khu vực tăng khoảng 40 triệu mỗi năm trong khoảng thời gian từ năm 2019 tới năm 2021, đồng nghĩa với tốc độ tăng trưởng hằng năm vào khoảng 10-11%, con số ấn tượng so với tăng trưởng 7,4% toàn cầu trong cùng khoảng thời gian. Bên cạnh tăng trưởng về người dùng Internet, nhiều nước ASEAN cũng chứng kiến những thay đổi mạnh mẽ trong các dịch vụ số, điển hình là tỉ lệ người dùng sử dụng các dịch vụ liên quan tới thương mại điện tử tăng trung bình từ 18% tới 19% so với trước Đại dịch Covid-19.

Bên cạnh nguồn lao động trẻ, dồi dào, tiềm năng phát triển kinh tế số còn nằm ở vị trí địa lý của khu vực. Nằm ở vị trí giao thoa giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, gần các nền kinh tế số lớn như Ấn Độ, Trung Quốc, ASEAN đứng trước nhiều cơ hội để tiếp cận công nghệ mới, thị trường mới và đầu tư mới, những yếu tố góp phần hiện thức hoá nền kinh tế số khu vực.

Sự sẵn sàng về công nghệ cũng là một trong những lợi thế để ASEAN đạt được mục tiêu trong chuyển đổi số nền kinh tế khu vực. Phần lớn các quốc gia Đông Nam Á tăng bậc về Chỉ số sẵn sàng AI của Chính phủ (Government AI Readiness Index) năm 2021, trong đó Việt Nam tăng 14 bậc so với Chỉ số năm 2020. Đặc biệt, Singapore, một quốc gia có Chiến lược AI quốc gia, giữ vị trí số 2 trong bảng xếp hạng và có điểm số cao nhất trên toàn cầu trong trụ cột Chính phủ.

Các dự báo quốc tế hiện nay đánh giá rất cao tiềm năng phát triển kinh tế số của ASEAN. Theo dự báo của Temasek và Bain&Co, dự kiến tới năm 2030, quy mô kinh tế số của ASEAN đạt 1.000 tỷ USD. Dự kiến thập niên thứ ba của thế kỷ 21 sẽ là “thập kỷ số” của ASEAN.

Trong năm 2021, do tác động của dịch Covid-19, đã có thêm khoảng 60 triệu người tiêu dùng tại ASEAN tham gia nền kinh tế số. Ứng dụng các nền tảng số trở thành động lực cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại ASEAN chống chịu các tác động của đại dịch. Kearny dự báo ASEAN có khả năng trở thành nền kinh tế số lớn thứ 5 thế giới vào năm 2025.

Tiến trình phát triển kinh tế số ở cấp độ khu vực

Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đã thể hiện quyết tâm của khu vực trong xây dựng một thị trường chung thịnh vượng, năng động, có tính cạnh tranh cao. Kế hoạch Tổng thể Xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2025 đặt ra định hướng cho một cộng đồng ASEAN hội nhập kinh tế sâu rộng. Trên cơ sở định hướng này, ASEAN đã thể hiện quyết tâm trong hợp tác phát triển một nền kinh tế số khu vực.

Năm 2019, ASEAN ban hành một số văn bản liên quan như Chương trình Hành động Khung hội nhập số giai đoạn 2019-2025 và Chỉ số hội nhập số ASEAN (ADII) theo đề xuất của Việt Nam năm 2020. Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 38 và lần thứ 39 (2021) khẳng định chuyển đổi số là một xu thế tất yếu đang xảy ra trong khu vực, đặc biệt với tác động của Đại dịch COVID-19.

Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần 53 (2021) đã thông qua Lộ trình Bandar Seri Bagawan về chuyển đổi số, với các cam kết xây dựng nền tảng cho một nền kinh tế số ASEAN với trụ cột chính là Hiệp định khung kinh tế số ASEAN (DEFA). Các quốc gia thành viên đã nhất trí về việc triển khai vào năm 2023 và bắt đầu tiến trình đàm phán vào năm 2025. Được coi là công cụ giúp ASEAN phục hồi và phát triển kinh tế sau Đại dịch Covid-19, DEFA sẽ chuẩn mực hoá quy tắc và chức năng của thương mại số như dòng chảy dữ liệu xuyên biên giới.

Hội nghị Bộ trưởng Kỹ thuật số ASEAN (ADGMIN) được tổ chức lần đầu tiên vào tháng 01/2021 đã thông qua tuyên bố Putrajaya về ASEAN: Một cộng đồng được kết nối số, đồng thời thông qua Kế hoạch Tổng thể về Kỹ thuật số ASEAN 2025 (ADM2025).

Hội nghị cũng hoan nghênh việc Hướng dẫn thực hiện các cơ chế Khung quản lý dữ liệu ASEAN (DMF) và Luồng dữ liệu xuyên biên giới ASEAN (CBDF) - là những sáng kiến trong Khuôn khổ ASEAN về Quản trị dữ liệu Kỹ thuật số, cũng như đạt được nhất trí về việc thành lập Nhóm ứng cứu khẩn cấp máy tính ASEAN (CERT) và Cơ chế trao đổi thông tin của ASEAN CERT. Bên cạnh đó, dự thảo Chiến lược hợp nhất Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (4IR) đã và đang được thảo luận bởi các bên liên quan trong các Hội thảo tham vấn về chiến lược.

Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ hai (2022) một lần nữa khẳng định quyết tâm ASEAN trong hướng tới mục tiêu là nền kinh tế số mang tầm khu vực. Hội nghị thông qua 19 sáng kiến ưu tiên hợp tác kinh tế của Campuchia trong năm Chủ tịch ASEAN 2022, trong đó có định hướng về tăng cường kết nối kỹ thuật số, khoa học và công nghệ.

Tiến trình phát triển kinh tế số ở cấp độ quốc gia

Bên cạnh những nỗ lực chung của ASEAN, hầu hết các quốc gia ở khu vực Đông Nam Á đều có những chiến lược ở cấp quốc gia để phát triển kinh tế số như chiến lược Wawasan Brunei 2035 của Brunei; các mục tiêu quốc gia về kinh tế số của Campuchia tới năm 2023; các kế hoạch, lộ trình phát triển hạ tầng số, thương mại điện tử và doanh nghiệp số của Indonesia; Tầm nhìn Công nghệ thông tin 2030 của Lào; chiến lược “Malaysia số” của Malaysia nhằm đưa kinh tế Malaysia thành nền kinh tế số trong top 20 thế giới; chiến lược số quốc gia của Philippines; kế hoạch của Singapore trở thành một quốc gia thông minh đi đầu thế giới về công nghệ thông tin - truyền thông; Kế hoạch Phát triển kinh tế số và xã hội số của Thái Lan giai đoạn 2014-2034.

Tại Việt Nam, Đảng và Nhà nước ta đã có các chủ trương và kế hoạch chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó nhấn mạnh tới ứng dụng và phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Cụ thể là:

Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhấn mạnh “khai thác triệt để thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4”.

Chính phủ đã thông qua Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 20/5/2021 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW với các nhóm giải pháp, trong đó có nhóm giải pháp về chính sách hội nhập quốc tế, bao gồm hoàn thiện luật pháp, chính sách về đầu tư trực tiếp nước ngoài theo hướng nâng cao tiêu chuẩn công nghệ, khuyến khích hình thức liên doanh và tăng cường liên kết, chuyển giao công nghệ giữa doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài; quản lý chặt chẽ hoạt động của các doanh nghiệp dựa trên nền tảng cung cấp dịch vụ xuyên quốc gia để bảo đảm môi trường kinh doanh bình đẳng trong nước; hoàn thiện các quy định pháp luật về đầu tư mạo hiểm có vốn nước ngoài.

Ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Một trong những giải pháp được nhấn mạnh là kiến tạo thể chế, xây dựng khung pháp lý theo hướng khuyến khích, sẵn sàng chấp nhận sản phẩm, giải pháp, dịch vụ, mô hình kinh doanh số, thúc đẩy phương thức quản lý mới đối với những mối quan hệ mới phát sinh.

Ngày 31/12/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 2289/QĐ-TTg năm 2020 về Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030. Mục tiêu là: “Chủ động tận dụng có hiệu quả các cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; cơ bản làm chủ và ứng dụng rộng rãi công nghệ mới trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội; từng bước sáng tạo được công nghệ mới nhằm thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược và hiện đại hóa đất nước; phát triển mạnh mẽ kinh tế số; phát triển nhanh và bền vững dựa trên khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao; nâng cao chất lượng cuộc sống, phúc lợi và sức khỏe của người dân; bảo đảm vững chắc quốc phòng an ninh bảo vệ môi trường sinh thái; nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế và gắn kết chặt chẽ quá trình ứng dụng Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với công tác bảo vệ an ninh mạng”.

Kinh tế số mang lại các cơ hội to lớn cho các quốc gia vừa và nhỏ ở khu vực Đông Nam Á phát triển vượt bậc, nhưng thách thức bị tụt hậu cũng rất lớn nếu không kịp thời bắt kịp dòng chảy của thời đại.

Cơ hội của ASEAN về kinh tế số

Thứ nhất, phát triển kinh tế số là cơ hội để ASEAN phục hồi kinh tế sau đại dịch, tiến gần hơn tới phát triển bền vững, xây dựng một nền kinh tế trong đó giá trị tri thức, dữ liệu số được coi trọng thay vì chỉ chú trọng tới tài nguyên thiên nhiên. Bên cạnh đó, công nghệ số sẽ tạo ra các động lực mới cho nền kinh tế và doanh nghiệp đổi mới quy trình sản xuất, kinh doanh sang mô hình theo hệ sinh thái, liên kết từ khâu sản xuất, thương mại đến sử dụng... góp phần tăng năng suất lao động.

Chỉ trong vòng khoảng 5 năm từ 2020 đến 2025, dung lượng dữ liệu tạo ra trên toàn cầu được dự báo sẽ đạt ngưỡng 175 zettabytes. Việc sở hữu, tiếp cận và khai thác hiệu quả, bền vững lượng dữ liệu khổng lồ ấy có ý nghĩa lớn với phát triển - các trung tâm dữ liệu vì thế đóng vai trò chủ lực trong thúc đẩy kinh tế số.

ASEAN là một khu vực với nhiều thị trường với tiềm năng trở thành những trung tâm dữ liệu hàng đầu thế giới - như Singapore, Jakarta, Kuala Lumpur và Băng Cốc. Các tác động từ chuyển đổi số lớn hơn gấp nhiều lần các cuộc cách mạng KHCN trước đây (bởi lượng dữ liệu tăng nhanh gấp nhiều lần theo cấp số nhân), do đó quốc gia nào kịp thời chuyển đổi, tranh thủ sẽ có cơ hội tạo đột phá, nhảy vọt về phát triển.

Thứ hai, là cơ hội để ASEAN thu hút nguồn lực cho phát triển cơ sở hạ tầng, công nghệ số và nguồn nhân lực có kỹ năng số cũng như giúp nâng cao năng lực tự chủ của quốc gia trong hội nhập. Trong đó, ASEAN có cơ hội lớn để đi thẳng vào xây dựng hạ tầng số hiện đại thay vì mất chi phí chuyển đổi từ hạ tầng cũ sang hạ tầng mới như các nước phát triển. Đồng thời, ASEAN cũng đứng trước cơ hội xây dựng hệ sinh thái kinh tế số mới dựa trên nền tảng hạ tầng số, cung cấp khả năng tiếp cận tới mọi doanh nghiệp và người dân.

Thứ ba, phát triển kinh tế số mở rộng không gian chiến lược về liên kết kinh tế khu vực trong bối cảnh thương mại và đầu tư chịu nhiều tác động của đại dịch và cạnh tranh địa chiến lược trên thế giới.

Trong số các nước thành viên ASEAN, Singapore là quốc gia đi đầu về đẩy mạnh việc ký kết các hiệp định kinh tế số, bao gồm Hiệp định đối tác kinh tế số với Chile và New Zealand ngày 12/6/2020 và Hiệp định kinh tế số với Australia ngày 6/8/2020 nhằm củng cố hành lang pháp lý cho thương mại điện tử như việc sử dụng hóa đơn điện tử, chứng thư điện tử, chứng minh thư điện tử, bảo vệ dữ liệu cá nhân, hợp tác trong việc xây dựng không gian mạng an toàn, bảo vệ mã nguồn.

Thách thức của ASEAN về kinh tế số

Thứ nhất, là thách thức về xây dựng thể chế, pháp luật phù hợp với CMCN 4.0, hỗ trợ đổi mới sáng tạo, mở rộng không gian điều chỉnh pháp luật trên không gian mạng. Cần có hệ thống pháp luật để quản trị các công nghệ của CMCN 4.0, với nguyên tắc ở đâu có sự hiện diện của người dân, ở đâu có các giao dịch, tương tác của người dân, thì ở đó cần có sự hiện diện của nhà nước để hỗ trợ, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, thực hiện vai trò “trọng tài” giải quyết tranh chấp khi cần thiết.

Bên cạnh đó, các nước ASEAN vẫn có sự khác biệt về thể chế, chính sách kinh tế số của các quốc gia thành viên. Cụ thể, Singapore hay Malaysia đã thông qua luật bảo vệ dữ liệu cá nhân, trong khi đó vẫn còn một số quốc gia thành viên vẫn đang trong tiến trình xây dựng các khuôn khổ pháp lý này.

Thứ hai, năng lực phát triển kinh tế số tại ASEAN chưa đồng đều cả về sự sẵn sàng về công nghệ, hạ tầng và chất lượng nguồn nhân lực. Khả năng tiếp cận khác nhau của các cộng đồng dân cư đối với kinh tế số tạo ra rủi ro về mất công bằng xã hội số gây ra bởi sự khác biệt trong trình độ kiến thức và tiếp nhận kiến thức số. Sự chênh lệch trong trình độ và khả năng tiếp nhận kiến thức số tồn tại giữa các quốc gia thành viên - với tỉ lệ người dùng Internet ở Singapore, Malaysia, Brunei là trên 70% trong khi con số này ở Lào và Campuchia là dưới 20%.

Hơn nữa, chênh lệch không chỉ tồn tại giữa các quốc gia thành viên mà hiện hữu giữa các doanh nghiệp và các cộng đồng dân cư. Do đó, các nước ASEAN đứng trước thách thức gia tăng bất bình đẳng và phân hoá xã hội trong không gian số, và tạo ra những kiểu ‘nghèo' mới - ‘nghèo’ vì thiếu tiếp cận với kiến thức, với những công nghệ mới.

Thứ ba, là thách thức giữa duy trì môi trường không gian mạng mở để phát triển kinh tế số với bảo đảm an ninh quốc gia. Nguy cơ an ninh mạng đối với các quốc gia ngày càng tăng, với thiệt hại năm 2021 từ tấn công mạng lên tới hơn 4% GDP toàn cầu.

Ngoài ra là thách thức về quản lý hoạt động của khu vực tư nhân trong không gian mạng.Việc một số ít tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới đóng vai trò chính về hạ tầng, nền tảng số, dữ liệu. Xử lý mối quan hệ giữa chính phủ và các tập đoàn công nghệ lớn là bài toán nan giải với nhiều nước, trong đó có các nước ASEAN.

Thứ nhất, các quốc gia thành viên ASEAN cần hợp tác sâu rộng và chủ động hơn nữa để đào tạo lại và nâng cao trình độ cho nguồn nhân lực, đảm bảo người lao động sẽ sẵn sàng cho những mô hình công việc mới. ASEAN cần tăng cường hợp tác trong chia sẻ thông tin, trong cung cấp chuyên môn kĩ thuật phục vụ cho đào tạo nhân lực và thúc đẩy đối thoại về hoạch định chính sách để đảm bảo chuyển đối số nói chung và chuyển đối số trong kinh tế nói riêng sẽ không làm tổn hại tới những bước tiến vượt bậc đã đạt được trong giảm nghèo.

Thứ hai, cần đảm bảo sự hoà hợp giữa hệ thống và thiết bị công nghệ sử dụng bởi các quốc gia thành viên ASEAN. Để đảm bảo cả an ninh mạng ở mỗi quốc gia cũng như kết nối liền mạch trên các nền tảng khác nhau, ưu tiên hàng đầu là bảo đảm sự tương thích và không bị phân mảnh giữa các hệ thống công nghệ của các nước thành viên ASEAN.

Thứ ba, trên cơ sở các mối đe dọa an ninh mạng ngày càng tinh vi, phức tạp và cũng bởi tính chất xuyên biên giới của những rủi ro này, cần có cách ứng phó chung để đảm bảo một không gian mạng mở, an toàn, ổn định, dễ dàng tiếp cận và có sức chống chọi, đặt nền tảng cho một nền kinh tế số ASEAN.

Thứ tư, cần đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, bao gồm hợp tác trong giáo dục - đào tạo, trong xây dựng thành phố thông minh, đô thị thông minh, và đặc biệt trong giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống như an ninh lương thực, an ninh nguồn nước và dịch bệnh.

Đọc tiếp