Chỉ huy phiến quân Abu Mohammed al-Golani phát biểu trước đám đông tại Nhà thờ Hồi giáo Ummayad ở Damascus, sau khi lực lượng đối lập Syria tuyên bố rằng lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad, Syria ngày 8/12/2024. Ảnh: Reuters |
HTS là tên viết tắt của nhóm thánh chiến Hayat Tahrir al Sham, lực lượng đóng vai trò tấn công chủ yếu trong cuộc nổi dậy tại Syria vừa qua với lãnh đạo là ông Abu Mohammed al-Julani, cùng một số nhóm khác bao gồm Mặt trận Quốc gia Giải phóng, Ahrar al-Sham, Jaish al-Izza, Phong trào Nour al-Din al-Zenki, cũng như các phe phái được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn.
Theo hãng tin AFP trích dẫn tuyên bố được đăng trên các kênh Telegram của lực lượng đối lập ngày 9/12, ông Abu Mohammed al-Jolani, người hiện đang sử dụng tên thật là Ahmed al-Sharaa, đã có buổi gặp mặt Thủ tướng Syria Mohammed al-Jalali "để phối hợp chuyển giao quyền lực đảm bảo cung cấp dịch vụ" cho người dân Syria.
Quốc hội Syria trong một tuyên bố cùng ngày khẳng định sự ủng hộ "ý chí của người dân nhằm xây dựng một Syria mới hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn do luật pháp và công lý quản lý". Trong khi đó, đảng cầm quyền Baath cũng cho biết sẽ ủng hộ "giai đoạn chuyển tiếp ở Syria nhằm bảo vệ sự thống nhất của đất nước".
Phản ứng về sự kiện trên, chính phủ Đức và Pháp cho biết mình sẵn sàng hợp tác với những nhà lãnh đạo mới của Syria "trên cơ sở các quyền cơ bản của con người và bảo vệ các nhóm thiểu số về sắc tộc và tôn giáo". Trong khi đó, Thủ tướng Anh Keir Starmer trong bài phát biểu tại Saudi Arabia ngày 9/12 cho biết lực lượng HTS phải từ chối "chủ nghĩa khủng bố và bạo lực" trước khi Anh có thể hợp tác với lực lượng này. HTS vẫn luôn được nước này chỉ định là một tổ chức "khủng bố".
Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken cho biết quốc gia này quyết tâm ngăn chặn lực lượng IS tái lập nơi ẩn náu an toàn ở đó. "Chúng tôi có lợi ích rõ ràng trong việc làm những gì có thể để tránh sự chia cắt Syria, di cư hàng loạt từ Syria và tất nhiên là xuất khẩu chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan," ông Blinken cho biết.
Về phía Nga, Điện Kremlin trong một tuyên bố đưa ra ngày 9/12 cho biết sẽ tiến hành thảo luận về tình trạng các căn cứ quân sự của mình tại Syria với chính quyền mới. Trong khi đó, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết nếu Nga cấp quy chế tị nạn cho Tổng thống Bashar al-Assad và gia đình thì đây sẽ là quyết định do Tổng thống Vladimir Putin đưa ra.
Ông Bashar cùng gia đình được cho là đã rời Syria đến Moscow cùng gia đình và được cấp quyền tị nạn vì lý do nhân đạo, tuy nhiên chính phủ Nga vẫn chưa chính thức xác nhận thông tin này.
Mọi chuyện bắt đầu từ ngày 27/11, một liên minh các lực lượng đối lập ở Syria đã phát động một cuộc tấn công lớn chống lại các lực lượng ủng hộ chính phủ. Cuộc tấn công đầu tiên diễn ra ở tiền tuyến giữa tỉnh Idlib do phe đối lập kiểm soát và tỉnh Aleppo lân cận. Chỉ 3 ngày sau, phe chống chính phủ đã kiểm soát Aleppo, thành phố lớn thứ hai của Syria.
Đến ngày 4/12, quân chính phủ thừa nhận mất Hama, thành phố lớn thứ tư của Syria và có vị trí chiến lược. Ngay sau đó, phiến quân đối lập áp sát Homs, thành phố lớn thứ ba Syria và điểm chốt trên tuyến đường nối giữa thủ đô Damascus với các tỉnh Latakia và Tartus, nơi đặt căn cứ chủ chốt của Nga.
Ngày 7/12, phiến quân đã chiếm toàn bộ tỉnh Daraa, miền nam Syria sau khi đạt thỏa thuận cho phép quân chính phủ rút lui an toàn khỏi thủ phủ Daraa để trở về Damascus.
Rạng sáng 8/12, các tay súng tiến vào Damascus và kiểm soát toàn bộ thủ đô chỉ sau vài giờ. Sau các cuộc đàm phán nội bộ để chuyển giao quyền lực hòa bình với phe chống chính phủ. Tổng thống al-Assad đã từ chức và chạy trốn khỏi đất nước, đánh dấu sự kết thúc hơn 53 năm cầm quyền của gia tộc al-Assad (1971-2024).