Theo RT, phát biểu trong cuộc họp báo tại Đức ngày 11/2, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth cho biết: “Tại nhóm liên lạc Ukraine và Hội nghị Bộ trưởng NATO, chúng tôi sẽ có cuộc nói chuyện thẳng thắn với các đối tác”.
Ông Hegseth nhấn mạnh châu Âu cần phải “đầu tư nhiều hơn vào khả năng phòng thủ cá nhân và tập thể”, đồng thời nói thêm rằng Washington muốn các quốc gia NATO chi hơn 2% GDP cho quốc phòng. “Chúng tôi tin rằng con số đó cần phải cao hơn. Tổng thống Trump đã nói là 5%,” ông cho hay.
![]() |
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth. Ảnh: AP |
Khi được hỏi liệu Mỹ có cân nhắc việc gửi quân tới Ukraine để theo dõi các chuyến hàng vũ khí hay không, người đứng đầu Lầu Năm Góc khẳng định: “Chúng tôi sẽ không gửi quân đội Mỹ tới Ukraine”. Ông Hegseth nói thêm rằng Washington hiện không có kế hoạch cắt giảm quân số đang đồn trú ở nước ngoài, nhưng sẽ xem xét lại việc triển khai quân theo tầm nhìn chiến lược của Tổng thống Donald Trump
Cũng tại họp báo, ông Hegseth bày tỏ kỳ vọng sẽ có một thỏa thuận hòa bình nhanh chóng được thiết lập ở Ukraine như Tổng thống Trump cam kết thực hiện.
Theo tuyên bố ngày 7/2 của Lầu Năm Góc, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth dự kiến sẽ tham dự Nhóm liên lạc quốc phòng Ukraine (UDCG), còn được gọi là hội nghị nhóm Ramstein vào ngày 12/2, nằm trong lịch trình chuyến công du tới Đức, Bỉ và Ba Lan. Tại hội nghị, Bộ trưởng Hegseth đặt mục tiêu “tái khẳng định cam kết của Tổng thống Donald Trump về việc chấm dứt chiến sự ở Ukraine bằng biện pháp ngoại giao càng sớm càng tốt”.
Theo tờ Washington Post, ông Hegseth có thể sẽ không công bố gói viện trợ vũ khí mới cho Ukraine – vốn là hoạt động thường xuyên dưới thời chính quyền Tổng thống Joe Biden.
Kể từ khi nhậm chức vào tháng 1/2025, Tổng thống Donald Trump đã chuyển sang chính sách "Nước Mỹ trên hết", đình chỉ hầu hết viện trợ nước ngoài của Mỹ, bao gồm cả viện trợ cho Ukraine. Ông cũng cảnh báo áp thuế đối với các quốc gia đồng minh chủ chốt, cáo buộc họ có hành vi thương mại không công bằng.
Người đứng đầu Nhà Trắng tuyên bố sẽ nhanh chóng chấm dứt cuộc xung đột Nga – Ukraine. Trong đó, ông đã đe dọa sẽ áp đặt các lệnh trừng phạt cứng rắn hơn với Nga nếu nước này từ chối đàm phán.
Bloomberg hôm 10/2 đưa tin, ông Keith Kellogg - đặc phái viên của Tổng thống Donald Trump, dự kiến sẽ đánh giá thiện chí của các đồng minh EU và NATO của Washington trong việc triển khai “lực lượng ở Ukraine để đảm bảo bất kỳ giải pháp hòa bình nào cũng được giữ vững”.
Tuy nhiên, Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vassily Nebenzia đã cảnh báo rằng Nga sẽ coi bất kỳ lực lượng quân sự nước ngoài nào triển khai tới Ukraine mà không có sự ủy quyền của Liên Hợp Quốc là mục tiêu quân sự hợp pháp.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cũng từng tuyên bố Moscow “chắc chắn không hài lòng” với các đề xuất hoãn tư cách thành viên NATO của Kiev và triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình của phương Tây tại Ukraine. Ông nhấn mạnh hòa bình giữa hai bên chỉ có thể đạt được thông qua “các thỏa thuận đáng tin cậy, ràng buộc về mặt pháp lý” giải quyết tận gốc nguyên nhân của cuộc xung đột và bao gồm các cơ chế ngăn ngừa các vi phạm trong tương lai.