Ảnh minh họa |
Cổ phiếu lập đỉnh mới vào những ngày cuối năm là BMP của CTCP Nhựa Bình Minh. Từ vùng giá 52.000 đồng hồi đầu năm, mã đóng cửa phiên 29/12 ở mốc 104.000 đồng, tương ứng tăng gấp đôi giá trị. Cổ phiếu doanh nghiệp nhựa bứt phá mạnh kể từ cuối tháng 3, khi doanh nghiệp hé lộ kế hoạch kinh doanh lạc quan và mức chia cổ tức hậu hĩnh.
Thực tế, tình hình kinh doanh của BPM “như diều gặp gió” bất chấp khó khăn chung của nền kinh tế. 9 tháng đầu năm 2023, doanh thu thuần của công ty đạt 3.703 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ năm ngoái; tuy nhiên lợi nhuận sau thuế đạt 784 tỷ đồng (tăng 75%) nhờ biên lợi nhuận cải thiện. Đây cũng là kỷ lục mới về lợi nhuận của Nhựa Bình Minh.
Năm 2022, Nhựa Bình Minh dành gần như toàn bộ lợi nhuận để chia cổ tức tỷ lệ 84%. Đầu tháng 12 vừa qua, doanh nghiệp tạm ứng cổ tức đợt 1/2023 với tỷ lệ lên đến 65%. Từ năm 2012 đến nay, chưa năm nào Nhựa Bình Minh “quên” chia cổ tức bằng tiền.
BMP hiện chịu sự chi phối của The Nawaplastic Industries – thành viên của Tập đoàn SCG (Thái Lan) khi nắm hơn 45 triệu cổ phiếu, tương ứng 55% vốn của doanh nghiệp nhựa. Nhà đầu tư nước ngoài đang lãi đậm với khoản đầu tư vào BMP khi giá cổ phiếu lên cao và thường xuyên nhận cổ tức hậu hĩnh.
Cổ phiếu GMD của CTCP Gemadept cũng giao dịch ở vùng đỉnh lịch sử 70.000 đồng trong những phiên cuối cùng năm 2023. So với đầu năm, mã cho hiệu suất đầu tư 56%. Vốn hóa thị trường của Gemadept chạm mốc hơn 21.000 tỷ đồng.
Đà bứt phá của GMD trong những tháng cuối năm một phần do tác động của thông tin gián đoạn giao thương ở Biển Đỏ - tuyến hàng hải nhộn nhịp bậc nhất thế giới. Sự kiện này được các chuyên gia trong lĩnh vực dự báo có thể đẩy giá dầu và giá cước vận tải biển logistics tăng cao trong ngắn hạn, từ đó tạo tâm lý tích cực lên các cổ phiếu thuộc nhóm vận tải biển.
Gemadept cũng là doanh nghiệp đạt kết quả kinh doanh bứt phá trong năm qua. Lợi nhuận trước thuế luỹ kế 9 tháng đầu năm đạt 2.890 tỷ đồng, gấp 2,7 lần cùng kỳ 2022. Kết quả được hỗ trợ khi công ty ghi nhận khoản tiền từ việc bán Cảng Nam Hải Đình Vũ. Với kết quả này, GMD đã gần cán đích lợi nhuận cả năm.
Hai cổ phiếu “họ FPT” là FPT của Tập đoàn FPT và FRT của FPT Retail đều lập đỉnh lịch sử trong năm 2023. FPT đạt mức giá cao nhất gần 98.000 đồng/cp vào hồi đầu tháng 9, kết năm ở mức 96.100 đồng/cp, tương ứng tăng 43% so với đầu năm. Trong khi đó, FRT đóng cửa năm 2023 ở mức giá 107.000 đồng/cp, cao nhất trong lịch sử niêm yết, tăng 81% so với đầu năm.
FPT được đánh giá là một trong những cổ phiếu an toàn trong bối cảnh thị trường đầy biến động. Với vị thế doanh nghiệp công nghệ thông tin đầu ngành, tập đoàn ghi nhận sự tăng trưởng hai chữ số suốt gần 4 năm trở lại đây. 11 tháng đầu năm 2023, tập đoàn đạt doanh thu 47.201 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 8.545 tỷ đồng, tăng lần lượt 20,3% và 19,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế cho cổ đông công ty mẹ đạt 6.027 tỷ đồng, tăng 19%. Đặc biệt, FPT công bố đã đạt mục tiêu doanh thu hơn 1 tỷ USD từ thị trường nước ngoài.
Ngược lại, cổ phiếu FRT thu hút giới kinh doanh dù ghi nhận kết quả kinh doanh của FPT Retail không mấy khả quan. 9 tháng đầu năm, doanh nghiệp đạt 23.160 tỷ doanh thu thuần, tăng 7% so với cùng kỳ. Tuy nhiên do giá vốn bán hàng và chi phí cao, công ty lỗ sau thuế gần 226 tỷ đồng, so với cùng kỳ lãi hơn 301 tỷ đồng.
Điểm sáng của FPT Retail tới từ chuỗi nhà thuốc Long Châu. Đây là yếu tố “gánh team” cho kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này và cũng là mảng được kỳ vọng là sức bật cho trong tương lai. Trong quý 3/2023, doanh thu chuỗi Long Châu tiếp tục vượt mặt FPT Shop, đóng góp 4.189 tỷ, tăng 64% so với cùng kỳ năm ngoái. Chuỗi vẫn duy trì được mức doanh thu trung bình/nhà thuốc/tháng ở mức gần 1,1 tỷ đồng.
Ngoài ra, một trong những nguyên nhân giúp cổ phiếu FRT tăng mạnh trong năm nay phải kể đến việc khối ngoại gần đây đang liên tục mua vào cổ phiếu này. Từ giữa tháng 9 đến nay, Dragon Capital đã liên tục mua cổ phiếu FRT. Tính từ cuối tháng 9 đến cuối tháng 12, nhóm quỹ ngoại đã gom vào hơn 4 triệu cổ phiếu FRT.
Cổ phiếu FRT đóng cửa năm 2023 ở mức giá cao nhất trong lịch sử niêm yết. |
Tại nhóm chứng khoán, BSI của Chứng khoán BIDV là đại diện duy nhất góp mặt trong danh sách lập đỉnh năm 2023, ở vùng giá 47.000 đồng/cp. So với hồi đầu năm, mã đã tăng tới 193%.
BSI miệt mài “leo dốc” trong bối cảnh công ty đạt kết quả kinh doanh vượt trội trong quý 3/2023. Cụ thể, công ty chứng khoán mang về 386 tỷ đồng doanh thu hoạt động, tăng 52% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế đạt 123 tỷ đồng, gấp 6,5 lần.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, BSI ghi nhận 990 tỷ đồng doanh thu, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước; lãi sau thuế 344 tỷ đồng, gấp 3,6 lần.
Nhóm ngân hàng mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực nhưng vẫn có nhiều mã lập đỉnh trong năm 2023, như VCB của Ngân hàng Vietcombank (lập đỉnh 93.000 đồng/cp vào hồi tháng 7), SSB của Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (lập đỉnh 30.000 đồng/cp vào đầu tháng 8), BID của Ngân hàng BIDV (lập đỉnh 43.400 đồng/cp vào cuối tháng 12), NAB của Ngân hàng TMCP Nam Á (lập đỉnh 15.500 đồng vào giữa tháng 12)...
Ngoài các mã đáng chú ý trên, rất nhiều cổ phiếu ở nhóm nhỏ cũng lập đỉnh trong năm 2023, có thể kể đến như SLS của Mía đường Sơn La, DVP của Cảng Đình Vũ, DHT của Dược phẩm Hà Tây, DBD của Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định, TSB của Ắc quy Tia Sáng...