Back to homepage
21/10/2024 08:38
Malaysia mong muốn theo đuổi các khoản đầu tư chất lượng cao với Việt Nam

Malaysia mong muốn theo đuổi các khoản đầu tư chất lượng cao với Việt Nam

Nhận định với Mekong ASEAN về tình hình đầu tư và kinh doanh của các doanh nghiệp Malaysia tại Việt Nam, Đại sứ Malaysia Dato' Tan Yang Thai bày tỏ lạc quan vào tương lai và tiềm năng lớn của mối quan hệ hợp tác song phương.

Mekong ASEAN: Malaysia đang là nhà đầu tư lớn thứ 3 của ASEAN và nằm trong top 10 nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam với gần 800 dự án, Ngài Đại sứ đánh giá như thế nào về hoạt động của các doanh nghiệp Malaysia tại Việt Nam trong năm 2024?

Đại sứ Dato’ Tan Yang Thai: Hoạt động của các doanh nghiệp Malaysia tại Việt Nam trong năm 2024 rất đáng khích lệ, từ đó phản ánh mối quan hệ song phương chặt chẽ và lợi ích chung giữa Malaysia và Việt Nam trong nhiều lĩnh vực. Các doanh nghiệp Malaysia cũng đã thể hiện khả năng phục hồi và thích ứng ấn tượng trong bối cảnh kinh tế Việt Nam cũng như các thách thức kinh tế toàn cầu. Họ đã duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định và tiếp tục đóng góp đáng kể vào nền kinh tế sôi động của Việt Nam.

Các giá trị của Việt Nam như một thị trường năng động đang phát triển với lượng người tiêu dùng lớn, tăng trưởng kinh tế ổn định, lực lượng lao động trẻ và giá cả phải chăng, vị trí chiến lược giữa Đông và Tây cũng như khả năng kết nối với thị trường toàn cầu thông qua 16 Hiệp định Thương mại Tự do (FTA), khiến Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn cho các doanh nghiệp Malaysia.

Với những cải thiện liên tục hướng tới việc thuận lợi hóa thương mại và môi trường kinh doanh trong nước, tôi tin tưởng rằng các tiềm năng và cơ hội tại thị trường Việt Nam sẽ tiếp tục thu hút và giữ chân các doanh nghiệp Malaysia để cùng nhau phát triển và thịnh vượng.

Mekong ASEAN: Xin Đại sứ cho biết các lĩnh vực đầu tư hàng đầu của doanh nghiệp Malaysia tại Việt Nam là gì và lĩnh vực đầu tư có nhiều triển vọng nhất trong tương lai giữa hai nước? Ngài ấn tượng với những doanh nghiệp hoặc dự án nào của Malaysia nổi bật tại thị trường Việt Nam hiện nay?

Đại sứ Dato’ Tan Yang Thai: Kể từ khi Việt Nam tiến hành công cuộc Đổi mới năm 1986, Malaysia là một trong những quốc gia đầu tiên đầu tư tại Việt Nam. Đến nay, các doanh nghiệp Malaysia đã đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác nhau như phát triển bất động sản, dầu khí và năng lượng, sản xuất và dịch vụ tài chính.

Theo số liệu của Cục Thống kê Malaysia (DOSM) năm 2023, các sản phẩm điện và điện tử (E&E) được ghi nhận là mặt hàng được giao dịch nhiều nhất giữa Malaysia và Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu đạt 5,37 tỷ USD và kim ngạch nhập khẩu đạt 2,15 tỷ USD.

Ngoài lĩnh vực E&E, Malaysia cũng nhận thấy cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực quan trọng khác như nông nghiệp, du lịch, giáo dục và chăm sóc sức khỏe. Cả hai nước đều có thế mạnh và tiềm năng bổ sung có thể được khai thác thêm, ví dụ như chuyên môn của Malaysia trong việc thúc đẩy canh tác dầu cọ bền vững với các bên liên quan trong ngành nông nghiệp và công nghiệp của Việt Nam. Hệ thống chăm sóc sức khỏe của Malaysia cũng có thể bổ sung cho nhu cầu ngày càng tăng của Việt Nam về các dịch vụ y tế.

Malaysia mong muốn theo đuổi các khoản đầu tư chất lượng cao với Việt Nam

Hiện nay, các doanh nghiệp nổi bật của Malaysia hoạt động tại thị trường Việt Nam có thể kể đến một số ngân hàng như Public Bank, Maybank, CIMB và Hong Leong Bank. Tính tới hiện tại, Public Bank Việt Nam có 40 chi nhánh và phòng giao dịch trên khắp cả nước và đã phục vụ khách hàng Việt Nam trong hơn 30 năm. Trong khi đó, Maybank có tổng cộng 8 chi nhánh tại Việt Nam.

Ngoài lĩnh vực ngân hàng, các doanh nghiệp Malaysia cũng đang hoạt động hiệu quả ở lĩnh vực bất động sản. Gamuda Land, ParkCity Hanoi và SP Setia là những nhà phát triển bất động sản nổi tiếng của Malaysia đã có mặt tại thị trường bất động sản Việt Nam trong nhiều năm.

Kể từ khi gia nhập thị trường vào năm 2007, Gamuda Land đã đầu tư gần 338 triệu USD cho Gamuda City tại Hoàng Mai, Hà Nội và 114 triệu USD cho Celadon City tại Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh. Tháng 5/2024 vừa qua, công ty đã ra mắt dự án căn hộ cao cấp mới mang tên Eaton Park tại Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh với chi phí chuyển nhượng đất lên tới 315,8 triệu USD, đánh dấu thương vụ thứ 3 liên tiếp trong vòng 2 năm của Gamuda Land tại Việt Nam.

SP Setia đã đầu tư vào Việt Nam từ năm 2007 và đã mở rộng sự hiện diện của mình thông qua một số dự án như Eco Xuân - Lái Thiêu tại Thuận An, Bình Dương, khu đô thị cao cấp Eco Sanctuary và dự án chung cư cao cấp Setia Sky 88 tại TP HCM. Một công ty Malaysia đáng chú ý khác trong lĩnh vực bất động sản là ParkCity Hanoi với một số dự án bao gồm Park Kiara, Nadyne Gardens, Evelyne Gardens và The Mansions. Tính tới hiện tại, ParkCity đã đầu tư hơn 400 triệu USD vào Hà Nội.

Công ty dầu khí quốc gia của Malaysia là PETRONAS cũng hiện diện tại thị trường Việt Nam từ những năm 1990 và liên tục thể hiện sự quan tâm trong các hoạt động thượng nguồn (tìm kiếm, thăm dò và khai thác), hạ nguồn (lọc, hóa dầu) cũng như các dự án năng lượng tái tạo tiềm năng với đối tác Việt Nam. Trong lĩnh vực năng lượng, Nhà máy điện Duyên Hải 2 của Janakuasa (JAKS Resource) đã đi vào hoạt động và cung cấp khoảng 7,5 tỷ kWh điện cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hàng năm.

Trong lĩnh vực sản xuất, các dự án đáng chú ý là các cơ sở sản xuất bột mỳ Vimaflour và Mekong Flour tại Quảng Ninh và Bà Rịa - Vũng Tàu.

​​​​​​Mekong ASEAN: Theo Ngài Đại sứ, các doanh nghiệp Malaysia có những lợi thế và khó khăn nào khi đầu tư vào Việt Nam? Từ bài học của Malaysia, Việt Nam có thể làm gì để cải thiện môi trường đầu tư để tiếp tục là một điểm đến hấp dẫn?

Đại sứ Dato’ Tan Yang Thai: Trong những thập kỷ qua, Việt Nam đã nhận được nhiều sự chú ý của các nhà đầu tư nước ngoài và nổi lên như một điểm đến đầu tư hấp dẫn nhờ vị trí chiến lược, tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, chính sách thân thiện với các nhà đầu tư và nỗ lực cải cách liên tục của chính phủ. Đối với các doanh nghiệp Malaysia, các yếu tố như vị trí địa lý gần giúp giảm thời gian và chi phí vận chuyển cũng như sự tương đồng về văn hóa và mối liên hệ văn hóa/lịch sử chung giữa hai nước là những yếu tố khiến Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn.

Malaysia mong muốn theo đuổi các khoản đầu tư chất lượng cao với Việt Nam

Tuy nhiên, một trong những thách thức là rào cản ngôn ngữ. Các nhà đầu tư của chúng tôi cũng gặp khó khăn trong môi trường quản lý phức tạp của Việt Nam cùng việc thực thi luật pháp và đôi khi là một số quy định không nhất quán.

Việt Nam đã đạt được những bước tiến đáng kể trong phát triển cơ sở hạ tầng, nhưng vẫn còn những khoảng cách cần được thu hẹp để hỗ trợ tăng trưởng và phát triển kinh tế. Ngành giao thông vận tải, bao gồm đường bộ, đường sắt và sân bay, vẫn phải đối mặt với các vấn đề về tắc nghẽn và kết nối, đặc biệt là ở các thành phố lớn như TP HCM và Hà Nội. Cơ sở hạ tầng năng lượng cũng cần đầu tư đáng kể để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng.

Một vấn đề đáng quan tâm khác là thời hạn hiệu lực của giấy phép lao động chỉ giới hạn trong 2 năm. Việc này có thể là một trở ngại trong việc thu hút và giữ chân các chuyên gia nước ngoài có tay nghề cao cho các dự án/khoản đầu tư dài hạn. Nguồn lao động có tay nghề cao và nhu cầu đầu tư thêm vào đào tạo và phát triển lực lượng lao động cũng là một trong những mối quan tâm chính của các nhà đầu tư song song với việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Việt Nam nên áp dụng khuôn khổ pháp lý hợp lý hơn và thúc đẩy môi trường kinh doanh thân thiện bằng cách thiết lập các quy định rõ ràng và nhất quán, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng như giảm thiểu các rào cản hành chính.

Bằng cách đơn giản hóa các thủ tục đăng ký và phê duyệt, Việt Nam có thể tạo ra một môi trường hấp dẫn hơn cho các nhà đầu tư. Việc tăng cường tính minh bạch trong các quy trình quản lý còn có thể xây dựng lòng tin và sự tin tưởng giữa các nhà đầu tư trong và ngoài nước, khuyến khích dòng vốn chảy vào nhiều hơn.

Mekong ASEAN: Trong 8 tháng đầu năm 2024, Đại sứ quán Malaysia tại Việt Nam đã có những hoạt động gì để thúc đẩy quan hệ đầu tư Malaysia - Việt Nam? Đại sứ quán sẽ triển khai những kế hoạch nào để tăng cường hơn nữa mối quan hệ này trong thời gian còn lại của năm 2024 và trong tương lai gần?

Đại sứ Dato’ Tan Yang Thai: Đại sứ quán Malaysia tại Việt Nam đã tích cực thúc đẩy quan hệ đầu tư giữa hai nước thông qua việc tiếp xúc với các bên liên quan tại Việt Nam. Năm nay, tôi đã có cơ hội đến thăm một số tỉnh ở miền Trung và miền Nam Việt Nam bao gồm Đà Nẵng, Huế, TP HCM và Cần Thơ và trực tiếp tiếp xúc với các nhà lãnh đạo tỉnh cũng như các phòng thương mại và doanh nghiệp để tìm hiểu về môi trường đầu tư cũng như tìm kiếm tiềm năng hợp tác trong các lĩnh vực cùng quan tâm.

Một trong những điểm nhấn chính trong năm nay còn nằm ở Kỳ họp lần thứ 4 Ủy ban hỗn hợp Thương mại Việt Nam – Malaysia (JTC) ngày 9/7/2024. Cuộc họp do Bộ trưởng Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Malaysia Tengku Datuk Seri Utama Zafrul Tengku Abdul Aziz và Bộ trưởng Công thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên đồng chủ trì.

JTC lần thứ 4 đã tập trung vào một số mục tiêu chính nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế Malaysia - Việt Nam bao gồm hợp tác ngành công nghiệp Halal, trong đó Malaysia sẽ hỗ trợ Việt Nam về các tiêu chuẩn Halal, đánh giá tuân thủ và công nhận cũng như hợp tác phát triển nền kinh tế xanh trong lĩnh vực xe điện (EV) giữa Viện Ô tô, Robot và IoT Malaysia (MARii) và các đối tác tiềm năng từ khu vực công và tư nhân của Việt Nam. Cuộc họp cũng thảo luận về lĩnh vực năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng gió ngoài khơi và trên bờ.

Bộ trưởng Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Malaysia cũng dẫn đầu Đoàn công tác Thương mại và Đầu tư đến Hà Nội và TP HCM từ ngày 8 đến ngày 10/7/2024 cùng các đại diện cấp cao từ Bộ Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Malaysia (MITI), Cơ quan Xúc tiến Thương mại Malaysia (MATRADE) và Cơ quan Phát triển Đầu tư Malaysia (MIDA).

Đoàn công tác đã thành công trong việc đạt được các thương vụ trị giá 770 triệu USD với 14 công ty Việt Nam trong các lĩnh vực như điện và điện tử, dầu cọ, hóa chất và hóa dầu, sắt thép, thực phẩm và đồ uống cũng như hàng tiêu dùng nhanh. Các cam kết xuất khẩu cũng đã được nhiều đại diện Việt Nam đưa ra trong khuôn khổ các cuộc họp thuộc chuyến công tác.

Một thành tựu đáng chú ý khác trong năm nay là Triển lãm Halal Quốc tế Malaysia (MIHAS) lần thứ 20 từ ngày 17 đến 20/9 tại Kuala Lumpur, Malaysia. Đại sứ quán thông qua MATRADE Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội đã tạo điều kiện cho 8 doanh nghiệp Việt Nam tham gia, tạo ra doanh số tiềm năng 17,6 triệu USD.

Malaysia mong muốn theo đuổi các khoản đầu tư chất lượng cao với Việt Nam

Mekong ASEAN: Trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đang thay đổi, ASEAN đang trở thành một trong những khu vực đang thu hút FDI mạnh nhất, theo Ngài, Việt Nam và Malaysia có thể làm gì để tận dụng xu hướng này và tối đa hóa lợi ích?

Đại sứ Dato’ Tan Yang Thai: Sự dịch chuyển FDI sang Đông Nam Á nhấn mạnh tầm quan trọng chiến lược của các quốc gia trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Năm ngoái, Malaysia đã công bố Kế hoạch Tổng thể Công nghiệp Mới (NIMP) 2030, nhằm mục đích cải cách các ngành sản xuất và dịch vụ liên quan theo hướng phức tạp hơn về kinh tế, tiến bộ công nghệ, bền vững, toàn diện và hội nhập sâu hơn vào vào chuỗi giá trị toàn cầu.

NIMP 2030 tập trung vào việc thúc đẩy các ngành có giá trị cao như điện và điện tử, hóa chất đặc biệt, hàng không vũ trụ, dược phẩm và thiết bị y tế. Ngoài ra, chúng tôi cũng đang nhắm mục tiêu vào các lĩnh vực như vật liệu tiên tiến, xe điện (EV), năng lượng tái tạo (RE) và thu giữ, sử dụng và lưu trữ carbon (CCUS).

Malaysia và Việt Nam có thể khám phá các mối quan hệ hợp tác chiến lược trong các lĩnh vực đầy triển vọng này để phục vụ toàn bộ khu vực. Malaysia mong muốn theo đuổi các khoản đầu tư chất lượng cao, hướng đến công nghệ tiên tiến với Việt Nam. Tôi cho rằng quan hệ đối tác chặt chẽ với Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam sẽ giúp cả hai nước cùng nhau phát triển mạnh mẽ hơn, đặc biệt là đối với các ngành công nghiệp mới nổi và phát huy thế mạnh tự nhiên của mỗi quốc gia chúng ta.

Mekong ASEAN: Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ!

Lần đầu tiên sau 3 năm không phát sinh trái phiếu bị chậm trả

Lần đầu tiên sau 3 năm không phát sinh trái phiếu bị chậm trả

OCB huy động thành công lô trái phiếu thứ 2 trong tháng 10

OCB huy động thành công lô trái phiếu thứ 2 trong tháng 10

Hoa Sen rời

Hoa Sen rời 'cuộc đua' sản xuất đi tìm cơ hội mới

Lợi nhuận Hoá chất Đức Giang

Lợi nhuận Hoá chất Đức Giang 'đi lùi', 70% tài sản là tiền

Video cảnh cứu hộ các nạn nhân trong vụ sập cầu chờ phà ở Mỹ

Video cảnh cứu hộ các nạn nhân trong vụ sập cầu chờ phà ở Mỹ

Qualcomm ra mắt chip di động nhanh nhất thế giới

Qualcomm ra mắt chip di động nhanh nhất thế giới 'đấu' với A18 Pro của Apple

Lợi nhuận quý 3/2024 của PNJ rơi xuống đáy

Lợi nhuận quý 3/2024 của PNJ rơi xuống đáy

Sắp diễn ra Hội nghị quốc tế về điện gió ngoài khơi và lưu trữ năng lượng VOOWESS 2024

Sắp diễn ra Hội nghị quốc tế về điện gió ngoài khơi và lưu trữ năng lượng VOOWESS 2024

Tổng thống Nga gặp nhiều nhà lãnh đạo bên lề thượng đỉnh BRICS

Tổng thống Nga gặp nhiều nhà lãnh đạo bên lề thượng đỉnh BRICS

Đại biểu nêu giải pháp cho vấn nạn quảng cáo tràn lan thuốc kém chất lượng

Đại biểu nêu giải pháp cho vấn nạn quảng cáo tràn lan thuốc kém chất lượng

Đề xuất chưa tăng lương trong năm 2025

Đề xuất chưa tăng lương trong năm 2025

Biên lợi nhuận gộp giảm mạnh, Nam Long báo lỗ quý 3 hơn 40 tỷ đồng

Biên lợi nhuận gộp giảm mạnh, Nam Long báo lỗ quý 3 hơn 40 tỷ đồng

Máy bay dân sự bị bắn rơi ở Sudan do nhầm lẫn

Máy bay dân sự bị bắn rơi ở Sudan do nhầm lẫn

Proparco nâng mức tài trợ cho HDBank lên 100 triệu USD

Proparco nâng mức tài trợ cho HDBank lên 100 triệu USD

Thu chi minh bạch với tính năng quỹ nhóm của HDBank

Thu chi minh bạch với tính năng quỹ nhóm của HDBank

SeABank lãi trước thuế 4.508 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm

SeABank lãi trước thuế 4.508 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm

28 dự án đầu tư công ở Hải Dương chuẩn bị đầu tư hơn 8.000 tỷ đồng

28 dự án đầu tư công ở Hải Dương chuẩn bị đầu tư hơn 8.000 tỷ đồng

Luật Dược sửa đổi: Quản lý hiệu quả hơn các chuỗi nhà thuốc

Luật Dược sửa đổi: Quản lý hiệu quả hơn các chuỗi nhà thuốc

Trung Quốc trở thành thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam

Trung Quốc trở thành thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam

Hậu Giang chấp thuận nhà đầu tư khu đô thị hơn 2.025 tỷ đồng tại TP Ngã Bảy

Hậu Giang chấp thuận nhà đầu tư khu đô thị hơn 2.025 tỷ đồng tại TP Ngã Bảy