Chuỗi dược phẩm là động lực tăng trưởng doanh thu cho FPT Retail. |
Tổng doanh thu của FRT chỉ giảm nhẹ 0,4% so với cùng kỳ, đạt 7.753 tỷ đồng. Trong đó, chuỗi FPTShop đóng góp 4.513 tỷ đồng, giảm 20%. Bù lại, doanh thu chuỗi Long Châu đạt mức 3.284 tỷ đồng, tăng 52% so với quý 1/2022.
Mặc dù doanh thu bán hàng chỉ giảm nhẹ nhưng doanh thu tài chính của FRT trong quý 1 lại giảm mạnh 68% xuống mức 16,5 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí tài chính tăng 59% lên 86 tỷ đồng. Chi phí bán hàng cũng tăng 25% lên mức 913 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 30% về 205 tỷ đồng.
Mặc dù có thêm hơn 4 tỷ đồng lợi nhuận khác nhưng kết quả, FPT Retail chỉ lãi vỏn vẹn hơn 2 tỷ đồng, giảm 99% so với kết quả thực hiện quý 1/2022.
Năm 2023, FPT Retail đặt kế hoạch tổng doanh thu đạt 34.000 tỷ đồng, bằng 113% so với thực hiện trong năm 2022 và lợi nhuận trước thuế mục tiêu đạt 240 tỷ đồng, bằng 49% cùng kỳ. Như vậy, kết thúc quý 1, công ty mới chỉ hoàn thành 0,9% kế hoạch lợi nhuận năm.
Theo FPT Retail, chuỗi FPTShop liên tục chịu ảnh hưởng xấu từ áp lực giảm cầu. Ngoài ra, sự cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường bán lẻ khiến công ty phải đưa ra nhiều chính sách giảm giá, khuyến mại nhằm kích cầu cho các sản phẩm điện tử, đặc biệt là sản phẩm Apple. Ngược lại, Long Châu duy trì tốt tốc độ mở rộng chuỗi cửa hàng cũng như hiệu quả hoạt động nên doanh thu tăng trưởng mạnh.
Chuỗi dược phẩm của FRT vẫn duy trì tốt tốc độ mở rộng chuỗi cửa hàng cũng như hiệu quả hoạt động trên từng cửa hàng trong giai đoạn đầu năm nay. Đến cuối tháng 3, toàn chuỗi đã đạt 1.056 nhà thuốc với 119 địa điểm được mở mới so với đầu năm.
Với số lượng hiện tại, Long Châu đang là hệ thống nhà thuốc lớn nhất cả nước, xếp trên Pharmacity và chuỗi An Khang (của Thế giới Di động). Long Châu đặt mục tiêu mở mới ít nhất 400 nhà thuốc trong năm nay để nâng tổng số lượng cửa hàng lên 1.400-1.500 điểm.
Tại ĐHĐCĐ thường niên tổ chức giữa tháng 4 vừa qua, Chủ tịch HĐQT FPT Retail Nguyễn Bạch Điệp cho biết, chuỗi Long Châu có mục tiêu rõ ràng là đạt điểm hòa vốn sau 6 tháng hoạt động. Do giá bán thấp hơn các chuỗi khác nên chuỗi dược phẩm này cần đạt doanh số 550-600triệu/tháng/cửa hàng mới bắt đầu có lãi.
Tại thời điểm 31/3/2023, tổng tài sản của FRT đạt 9.440 tỷ đồng, giảm hơn 1.000 tỷ đồng so với đầu năm. Tiền mặt và tiền gửi giảm hơn một nửa còn hơn 900 tỷ đồng. Hàng tồn kho ở mức 6.303 tỷ đồng, không có nhiều biến động so với đầu năm.
Nợ phải trả cũng giảm hơn 1.000 tỷ đồng xuống mức 7.389 tỷ đồng. Khoản giảm đáng kể là phải trả người bán ngắn hạn, từ 2.307 tỷ đồng xuống 1.938 tỷ đồng; vay nợ ngắn hạn, từ 5.363 tỷ đồng xuống 4.898 tỷ đồng. Trong kỳ, công ty phải trả 85 tỷ đồng lãi vay, tăng 85% so với quý 1/2022.