Binh sĩ Mỹ lắp ráp bến tàu nổi ngoài khơi Gaza ở Biển Địa Trung Hải vào ngày 26/4/2024. Ảnh: Quân đội Mỹ |
Theo hãng tin Reuters dẫn lời Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan trả lời các phóng viên ngày 11/7, ông cho biết: “Tôi dự đoán rằng trong thời gian tương đối ngắn tới, chúng tôi sẽ kết thúc các hoạt động của bến tàu”. Ông cho biết bến tàu đã giúp đưa thực phẩm cần thiết và viện trợ nhân đạo khẩn cấp đến Gaza, nhưng giờ đây đã có thêm nguồn cung cấp vào dải đất này qua đường bộ. Ông khẳng định: “Vấn đề thực sự hiện nay không phải là đưa viện trợ vào Gaza mà là viện trợ tới khắp khu vực Gaza một cách hiệu quả”.
Trong cùng ngày, người phát ngôn Lầu Năm Góc, Thiếu tướng Không quân Patrick Ryder cũng đưa ra tuyên bố tương tự. Ông cho biết: "Bến tàu luôn được coi là một giải pháp tạm thời để tạo điều kiện cho dòng viện trợ bổ sung vào Gaza trong thời kỳ viện trợ nhân đạo khẩn cấp. Tuy nhiên, bến tàu sẽ sớm ngừng hoạt động và các thông tin chi tiết hơn về quy trình và thời gian sẽ được công bố trong những ngày tới”.
Về phía Liên Hợp Quốc, người phát ngôn tổ chức này là ông Stephane Dujarric nói với các phóng viên: "Chúng tôi hoan nghênh bến tàu như một nguồn tài nguyên bổ sung trong khi nó hoạt động. Chúng tôi sẽ tiếp tục thúc đẩy những gì chúng tôi thực sự cần, đó là chuyển viện trợ bằng đường bộ quy mô lớn tới Gaza".
Liên Hợp Quốc từ lâu đã nhận định việc giao hàng bằng đường biển không thể thay thế cho quy mô của vận chuyển đường bộ, đặc biệt là khi khu vực Gaza đứng trước nguy cơ nạn đói cao. Một báo cáo của Liên Hợp Quốc cho biết 96% dân số Gaza không được đảm bảo về lương thực và cứ 5 người Palestine thì có một người, tương đương khoảng 495.000 người, phải đối mặt với nạn đói trong bối cảnh xung đột kéo dài 9 tháng.
Kể từ khi bắt đầu hoạt động hồi tháng 5, bến tàu nổi dài 370m này đã giúp mang khoảng 8.100 tấn hàng viện trợ tới Gaza. Tuy nhiên, nó đã phải tạm dừng nhiều lần vì thời tiết xấu. Ngoài ra, việc vận chuyển cũng bị cản trở bởi các mối đe dọa an ninh khiến các cơ quan viện trợ phải ngừng phân phối thực phẩm và các vật tư khác vào Gaza.
Từ sau cuộc tấn công của quân đội Israel ngày 8/6 nhằm giải thoát 4 con tin nhưng khiến nhiều người Palestine khác thiệt mạng, Liên Hợp Quốc đã đình chỉ tất cả các hoạt động giao hàng của Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) từ bến tàu. Nguyên nhân được đưa ra là do lo ngại quân đội Israel sử dụng khu vực gần bến tàu để đưa các con tin ra ngoài bằng trực thăng.
Việc đình chỉ khiến hàng viện trợ chất đống ở khu vực bến tàu. Tuy nhiên ngày 29/6, Liên Hợp Quốc cho biết việc vận chuyển hàng viện trợ tồn trọng để tránh bị hư hỏng đã được thực hiện và Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết một lượng đáng kể viện trợ đã được chuyển đi.
Trước đó vào tháng 3/2024, Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố kế hoạch xây bến tàu nhằm hỗ trợ việc vận chuyển hàng nhân đạo vào Gaza. Quân đội Mỹ ước tính dự án này tiêu tốn hơn 200 triệu USD, với sự tham gia của khoảng 1.000 quân nhân.