“Các cuộc đàm phán với Nga và Ukraine hiện đang diễn ra. Chúng tôi không muốn phức tạp thêm các vấn đề. Đặt thêm gánh nặng mới lên bàn đàm phán trong khi tiến trình vẫn đang diễn ra và ảnh hưởng đến cuộc sống của rất nhiều người Mỹ, người Ukraine, người Nga là điều không khôn ngoan,” ABC News trích lời phát biểu của Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Mỹ Kevin Hassett ngày 6/4 theo giờ địa phương.
Trước đó vào ngày 3/4, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cũng đưa ra lý do khác cho việc không áp thuế lên Nga. Chia sẻ với Reuters, ông Bessent cho biết Washington “không có giao thương đáng kể” với Moscow và “các biện pháp trừng phạt hiện nay đang làm đúng vai trò mà thuế quan có thể đảm nhận”.
![]() |
Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Mỹ Kevin Hassett tại Nhà Trắng ngày 7/3. Ảnh: Getty |
Mỹ và Nga đang có dấu hiệu tan băng nhẹ trong quan hệ ngoại giao kể từ khi Tổng thống Donald Trump trở lại Nhà Trắng vào tháng 1/2025. Trong vài tuần gần đây, Nhà Trắng đã tích cực thúc đẩy đàm phán với Moscow nhằm chấm dứt xung đột ở Ukraine.
Cả hai phía đều mô tả tiến trình là “mang tính xây dựng” và một số quan chức Mỹ đã tiết lộ về khả năng đạt được lệnh ngừng bắn trong tương lai gần. Điện Kremlin cũng nhiều lần tuyên bố sẵn sàng đối thoại hòa bình, miễn là các lợi ích chiến lược và mối quan ngại của Nga được tôn trọng.
Theo RT, trong tuần vừa qua, ông Kirill Dmitriev – đặc phái viên kinh tế của Tổng thống Nga Vladimir Putin kiêm Giám đốc Quỹ Đầu tư Quốc gia Nga – đã đến Washington để dự các cuộc họp kín với giới chức Mỹ và các lãnh đạo doanh nghiệp. Đây là chuyến thăm cấp cao nhất của một đại diện Nga tới Mỹ kể từ khi xung đột tại Ukraine bắt đầu vào năm 2022.
![]() |
Tổng thống Donald Trump tại Nhà Trắng ngày 2/4. Ảnh: Getty |
Vào ngày 2/4 theo giờ Washington, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố các mức thuế đối ứng toàn cầu. Mức tối thiểu 10% được áp dụng từ ngày 5/4 và tối đa 50% từ ngày 9/4. Nga, Belarus, Cuba cùng Triều Tiên không có tên trong danh sách.
Tuy nhiên, Đảo Heard và quần đảo McDonald - một quần đảo cằn cỗi gần Nam Cực, không người ở mà chỉ có chim cánh cụt sinh sống cũng bị áp thuế đối ứng 10%.
“Nếu bạn bỏ qua bất kỳ điều gì trong danh sách, một số quốc gia sẽ tìm cách lợi dụng lỗ hổng. Tổng thống Donald Trump đã áp thuế đối với Trung Quốc vào năm 2018, nhưng sau đó họ bắt đầu đưa hàng hóa qua các quốc gia khác để đến Mỹ. Ý tưởng ở đây là không có quốc gia, vùng lãnh thổ nào bị bỏ sót,” Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick chia sẻ với CBS News ngày 6/4 theo giờ địa phương.