
“Sẽ có một cuộc thảo luận dài về nhiều vấn đề liên quan đến cách thức thích hợp để đưa Nga trở lại hệ thống quốc tế,” Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cho biết trong cuộc phỏng vấn với Fox News ngày 26/3, theo RT. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng “còn quá sớm để thảo luận về các điều khoản của một thỏa thuận trước khi chúng ta có được thỏa thuận”.
Lãnh đạo Bộ Tài chính Mỹ nhận định: “Tôi nghĩ mọi thứ đều có thể xảy ra. Việc tăng hay giảm lệnh trừng phạt sẽ được quyết định bởi động thái tiếp theo của giới lãnh đạo Nga. Và tôi nghĩ Tổng thống Donald Trump sẽ không ngần ngại tăng lệnh trừng phạt nếu điều đó mang lại cho ông lợi thế đàm phán”.
![]() |
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải). Ảnh: AP |
Bình luận của Bộ trưởng Tài chính Mỹ được đưa ra trong bối cảnh các quan chức cấp cao của Washington và Moscow đã nhất trí khôi phục thỏa thuận Biển Đen sau 12 giờ đàm phán tại Riyadh, Arab Saudi hôm 24/3. Nhà Trắng cho biết hai nước “đã nhất trí đảm bảo an toàn hàng hải, loại bỏ việc sử dụng vũ lực và ngăn chặn việc sử dụng tàu thương mại cho mục đích quân sự tại Biển Đen”.
Cũng trong thông báo của Nhà Trắng, Washington cam kết “hỗ trợ khôi phục quyền tiếp cận thị trường toàn cầu của Moscow đối với xuất khẩu nông sản và phân bón, giảm chi phí bảo hiểm hàng hải và tăng cường khả năng tiếp cận các cảng cũng như hệ thống thanh toán cho các giao dịch này”.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 25/3 đã xác nhận rằng chính quyền của ông đang cân nhắc dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt đối với Moscow. “Có khoảng 5-6 điều kiện. Chúng tôi đang xem xét tất cả chúng,” ông Trump nói.
Trong cuộc đàm phán về ngừng bắn ở Biển Đen, Moscow đã đặt ra yêu cầu Ngân hàng Nông nghiệp (Rosselkhozbank) và các tổ chức khác về hoạt động bán thực phẩm và phân bón được kết nối lại với hệ thống thanh toán quốc tế.
Kể từ khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã loại các ngân hàng lớn của Nga ra khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT như một phần của chiến dịch trừng phạt quy mô lớn. Việc kết nối lại Rosselkhozbank với SWIFT từng là một phần trong Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen do Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian vào tháng 7/ 2022. Đến tháng 7/2023, Nga từ chối gia hạn thỏa thuận với lý do phương Tây không thực hiện được nghĩa vụ của mình như đã cam kết.
Trong một tuyên bố ngày 26/3, người phát ngôn của Ủy ban châu Âu (EC) Anitta Hipper cho biết khối này sẽ không sửa đổi hoặc dỡ bỏ lệnh trừng phạt cho đến khi Nga rút toàn bộ lực lượng một cách “vô điều kiện” ra khỏi "toàn bộ lãnh thổ Ukraine".
Tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu rằng các lệnh trừng phạt của phương Tây không phải là biện pháp tạm thời mà là công cụ dài hạn để gây sức ép chiến lược lên Moscow và các nước này sẽ luôn tìm cách làm suy yếu Nga.
Theo ông Putin, có tổng cộng 28.595 lệnh trừng phạt đã được áp dụng đối với các cá nhân và tổ chức của Nga trong những năm gần đây và con số này nhiều hơn tổng số lệnh trừng phạt áp dụng đối với tất cả các quốc gia khác cộng lại. Song, ông cho rằng điều này chỉ khiến Nga càng thêm củng cố nền kinh tế quốc gia bằng cách khuyến khích sự tự lực.