Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: AP |
"Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga đã chỉ ra rằng bất kỳ quốc gia nào bắt giữ Tổng thống Vladimir Putin đều sẽ là tuyên chiến. Tôi không nghĩ đất nước chúng tôi muốn tuyên chiến với Nga", bà Khumbudzo Ntshavheni, Bộ trưởng Văn phòng tổng thống Nam Phi Ntshavheni nói, đề cập đến tuyên bố của ông Dmitry Medvedev hồi tháng 3, theo RT.
Vào thời điểm đó, ông Medvedev nói rằng nếu Tổng thống Putin bị bắt bởi một quốc gia nào thì Nga sẽ coi đó là lời tuyên chiến. Khi Thủ tướng Đức Olaf Scholz công khai tuyên bố sẽ thực thi lệnh bắt ông Putin, ông Medvedev cảnh báo Moscow sẽ dùng mọi phương tiện sẵn có để nhắm vào "Quốc hội, Văn phòng Thủ tướng Đức" nếu xảy ra tình huống như vậy.
Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) ngày 17/3 đã ban hành trát bắt giữ Tổng thống Nga Vladimir Putin và Ủy viên Tổng thống về Quyền Trẻ em tại Nga Lvova-Belova, với cáo buộc có liên quan đến việc "trục xuất bất hợp pháp" trẻ em Ukraine từ các khu vực của Ukraine sang Nga.
Theo lý thuyết, ICC yêu cầu 123 thành viên, trong đó có Nam Phi, cần bắt giữ Tổng thống Nga và giao nộp ông đến Den Haag để xét xử nếu ông đặt chân lên lãnh thổ của các nước này. Nam Phi đã ký kết Quy chế Rome vào năm 2002 nên có nghĩa vụ thi hành các lệnh bắt giữ của ICC dưới tư cách một thành viên.
Trong khi đó, Nga kịch liệt phản đối quyết định của ICC đối với nhà lãnh đạo Putin. Moscow tuyên bố không là thành viên của ICC và không công nhận quyền thực thi pháp lý của tòa án này, cũng như coi tất cả các tuyên bố chính thức của cơ quan trên là không có giá trị và không có hiệu lực về mặt pháp lý.
Nam Phi sẽ là nơi tổ chức hội nghị thượng đỉnh BRICS 2023, trong đó các nhà lãnh đạo các nền kinh tế mới nổi lớn nhất thế giới bao gồm Nga, Brazil, Ấn Độ, Trung Quốc... sẽ gặp nhau và thảo luận.
Trái bắt giữ của ICC khiến Nam Phi rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan vì họ vừa là thành viên của cơ quan này, vừa có mối quan hệ đối tác thân thiết với Nga từ thời Liên Xô.
Gần đây, Bộ Ngoại giao Nam Phi đã thông báo cấp quyền miễn trừ ngoại giao cho tất cả lãnh đạo tham dự thượng đỉnh BRICS vào tháng 8. Động thái này đồng nghĩa rằng Tổng thống Nga Putin có thể tới Johannesburg mà không lo ngại bị bắt giữ.
Hiện chưa rõ ông Putin có tham dự trực tiếp thượng đỉnh BRICS hay không. Ngày 30/5, khi được hỏi về vấn đề này, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết: "Nga rất coi trọng việc phát triển khối BRICS. Và Nga sẽ tham gia hội nghị thượng đỉnh này ở cấp độ phù hợp”.