Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hội đàm Chủ tịch Hạ viện Vương quốc Bỉ Eliane Tillieux tháng 9/2021. |
Đây là hoạt động đối ngoại cấp cao có ý nghĩa quan trọng nhân dịp hai bên kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 5 năm Đối tác Chiến lược về nông nghiệp.
Việt Nam và Vương quốc Bỉ thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1973. Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác tốt đẹp giữa hai nước đang tiếp tục phát triển tích cực. Hai bên duy trì trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao ngay cả trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm chính thức Bỉ vào tháng 9/2021; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm chính thức Bỉ vào tháng 12/2022 và Bộ trưởng - Thủ hiến Wallonie-Bruxelles thăm chính thức Việt Nam tháng 10/2022.
Việt Nam và Bỉ đã thiết lập và tiến hành 4 kỳ tham vấn chính trị luân phiên cấp Thứ trưởng Bộ Ngoại giao từ năm 2013 tới nay và nhiều cơ chế hợp tác về ngoại giao, kinh tế và với các vùng và cộng đồng của Bỉ. Hai nước cũng hợp tác hiệu quả tại các diễn đàn đa phương như Liên hợp quốc, Tổ chức pháp ngữ, ASEM, ASEAN, hợp tác tiểu vùng sông Mê Công và cùng là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023- 2025.
Về kinh tế, Chính phủ hai nước trao đổi hợp tác thông qua Ủy ban hỗn hợp về Hợp tác kinh tế được thiết lập từ năm 2011. Bỉ hiện là đối tác thương mại lớn thứ 6 của Việt Nam trong EU. Trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, kim ngạch thương mại song phương luôn duy trì tốc độ tăng trưởng từ 6- 10%/năm và sụt giảm 10% năm 2020. Tới năm 2022, thương mại hai chiều đạt 4,730 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Bỉ đạt hơn 3,9 tỷ USD.
Về đầu tư FDI, tính đến tháng 3/2023, Bỉ có 89 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt 1,1 tỷ USD , đứng thứ 23/139 quốc gia và vùng lãnh thổ, đứng thứ 6/24 quốc gia thành viên EU đang đầu tư tại Việt Nam. Việt Nam có 4 dự án đầu tư tại Bỉ với giá trị 12,6 triệu USD trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo.
Về hợp tác phát triển, Bỉ đã hỗ trợ 300 triệu USD viện trợ phát triển cho Việt Nam, tập trung vào các lĩnh vực nước sạch, xử lý rác thải, tăng cường thể chế, nông nghiệp và phát triển nông thôn, y tế, giáo dục, góp phần giúp Việt nam trong quá trình phát triển kinh tế- xã hội. Sau năm 2018, Bỉ tiếp tục hợp tác theo hướng phát triển thông qua gói tín dụng ưu đãi của Chính phủ Bỉ.
Chủ tịch Thượng viện Vương quốc Bỉ Stéphanie D’Hose. |
Trong lĩnh vực nông nghiệp, Bỉ là thị trường hàng nông sản đứng thứ 4/28 nước EU của Việt nam, nhất là thủy sản và cà phê. Hiện nay hai bên đang hợp tác kỹ thuật giữa các trường, viện nghiên cứu nông nghiệp; phát triển hệ thống hậu cần đường thủy phục vụ xuất khẩu nông sản từ Việt Nam sang châu Âu; công nghệ khử mặn, kinh tế nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp thông minh; thúc đẩy triển khai chuỗi logistics lạnh thông minh, hợp tác phát triển ngành cacao, an toàn thực phẩm…
Trong các lĩnh vực khác, hai bên có cơ chế Ủy ban hỗn hợp về hợp tác khoa học- công nghệ (định kỳ 3 năm/lần) và đã tổ chức 6 kỳ họp; các hiệp định hợp tác về văn hóa và giao thông. Hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng- an ninh và giáo dục và đào tạo được tăng cường. Cộng đồng Việt Nam tại Bỉ có khoảng 13.000 người với 12 hội đoàn người Việt.
Quan hệ nghị viện giữa Việt Nam và Vương quốc Bỉ được triển khai ở các cấp độ, với Nghị viện liên bang, Nghị viện các vùng và cộng đồng; đạt nhiều kết quả tích cực thông qua các chuyến thăm cấp cao, gặp gỡ, tiếp xúc giữa các nghị sĩ và phối hợp trên các diễn đàn nghị viện đa phương (IPU, APF, ASEP).
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Chủ tịch Thượng viện Vương quốc Bỉ Stéphanie D’Hose sẽ có các cuộc chào xã giao, hội đàm, hội kiến với các nhà lãnh đạo Việt Nam. Hai bên dự kiến sẽ tập trung trao đổi các biện pháp nhằm tăng cường hợp tác toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, cả ở cấp liên bang, cấp vùng và cộng đồng, trên cả kênh Đảng, Chính phủ, Quốc hội và giao lưu nhân dân.
Cùng với đó, hai bên cũng bàn thảo các biện pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tiếp cận thị trường Bỉ và EU; tăng cường hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực Bỉ có thế mạnh. Đồng thời trao đổi các nội dung để sớm hoàn tất quá trình phê chuẩn EVIPA, qua đó tạo động lực thúc đẩy quan hệ đầu tư trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Bỉ đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.