"Em muốn về thăm Tam Cốc quê anh
Ngô Đồng chảy ngọt lành trong câu hát
Mùa lúa chín phơi sắc vàng nặng hạt
Sóng ngân nga khao khát vỗ đôi bờ..."
Đến hẹn lại lên, hàng năm cứ vào mùa lúa chín trên dòng sông Ngô đồng Tam Cốc (Ninh Bình) vào hội mùa vàng, du khách bốn phương lại nô nức đổ về nơi đây chiêm ngưỡng vẻ đẹp thơ mộng, hữu tình.
Tuần du lịch Ninh Bình là sự kiện thường niên được tổ chức từ năm 2018, vào đúng thời điểm những cánh đồng lúa chín vàng bên dòng sông Ngô Đồng.
Năm nay, với chủ đề "Sắc vàng Tam Cốc - Tràng An", Tuần Du lịch Ninh Bình 2023 được long trọng khai mạc vào sáng 27/5 đến 4/6 tại Khu du lịch Tam Cốc – Bích Động, nơi được mệnh danh là "Nam thiên đệ nhị động" với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật ấn tượng. Sự kiện này nhằm bảo tồn, tôn vinh, phát huy giá trị thiên nhiên và văn hóa, quảng bá hình ảnh đất và người Ninh Bình đến với bạn bè trong nước và quốc tế.
Điểm nhấn trong sự kiện của năm nay là bức tranh "Lý ngư vọng nguyệt" hay còn có tên gọi là tranh cá chép chơi trăng trên cánh đồng lúa rộng hơn 9500m2. Bức tranh "lý ngư vọng nguyệt" thể hiện khát vọng, sự nỗ lực và ý chí kiên cường vượt lên mọi khó khăn để vươn tới thành công. Đặc biệt, hình ảnh cá chép còn là biểu tượng của sự may mắn, những điều tốt đẹp".
Bức tranh không chỉ mang đậm màu sắc dân gian, văn hóa của người Việt mà còn tôn vinh các giá trị của hoạt động nông nghiệp thông qua hình ảnh cây lúa và thể hiện ước mơ về một năm quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Trên dòng sông Ngô Đồng, những chiếc thuyền của những người nông dân bản địa, du khách được đi trong sắc vàng lung linh của lúa, thoảng hương thơm lúa đồng như thảm lụa vàng rực rỡ. Hai bên là các dãy núi đá muôn hình vạn khối, màu xanh sắc lá tràn đầy nhựa sống của thảm thực vật trên các sườn núi cao, nét mềm mại, uyển chuyển, uốn lượn của dòng sông Ngô Đồng như dải lụa xanh biếc vắt qua cánh đồng lúa vàng, luồn qua Hang Cả - Hang Hai - Hang Ba vươn tới Đền Suối Tiên, đã tạo nên bức tranh tuyệt mỹ làm say đắm lòng người. |
Du khách đến Tam Cốc sẽ được ngồi trên những chiếc thuyền nan, lướt nhẹ trên dòng sông Ngô Đồng trong không gian yên bình, chỉ có tiếng chim lảnh lót, tiếng mái chèo khua nhẹ hoà cùng những giọt nước rơi trên vách đá như cách giữ nhịp thời gian. Sự an yên nơi đây ôm ấp bao tấp nập, bộn bề ngoài kia, để du khách đắm chìm trong những khoảng lặng của riêng mình, chiêm nghiệm về thời gian, lặng nhớ về lịch sử. |
Khai mạc Tuần du lịch Ninh Bình 2023 "Sắc vàng Tam Cốc", du khách được hòa mình vào không khí lễ hội rước Rồng trên sông Ngô Đồng, vừa ngắm cảnh đẹp Tam Cốc, thưởng thức các làn điệu dân ca nổi tiếng của Việt Nam. |
Với người dân nơi đây, rước Rồng không chỉ là một nghi thức mà còn là một tín ngưỡng, không chỉ thể hiện mong cầu của người dân cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt mà còn là dịp để nhớ về triều đại vàng son đánh dấu một thời dân tộc oai hùng - " Cồ Việt Quốc Đương Tống Khai Bảo-Hoa Lư Đô Thị Hán Trường An ". |
Mỗi năm một lần, ít ai biết người dân nơi đây tỉ mỉ và chỉn chu với từng nghi thức của Lễ hội đến nhường nào. Từng bộ trang phục đều được đo đếm thủ công, từng điệu múa đều được miệt mài tập luyện, không phải đôi ngày, đôi tuần mà có lẻ phải mất đôi ba tháng. Điều đặc biệt, nghi lễ nơi đây có sự góp mặt của mọi người dân, già-trẻ, gái-trái đều sốt sắng và như một niềm vinh dự khi được hòa vào đoàn thuyền trên sông ngân nga câu hò dân tộc. |
Có lẽ cũng ít ai biết, Tam Cốc là nơi ghi dấu ấn lịch sử từ thời Trần trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên- Mông xâm lược lần thứ 2 (1285), là địa thể hiểm trở về mặt quân sự do địa hình nằm gần kề với vùng đồng bằng, lại giáp với con đường Thiên Lý thời xưa. Với những dãy núi non hiểm trở, những thung lũng hẹp, sâu thuận lợi cho việc chủ động phòng thủ và tiến công tiêu diệt kẻ thù. Cũng tại nhiều khu vực của Tam Cốc đã từng là chỗ dựa vững chắc cho quân và dân ta trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1946-1954). |
Thế nhưng, hiểm trở thời chiến bao nhiêu, lại yên ả thời bình bấy nhiêu. Thế "ỷ sơn, diện thủy" ôm ấp lấy nếp sinh hoạt vùng quê nhỏ. Có lẽ bởi thế mà chẳng ai đến Ninh Bình lại không nhớ, không thương. Nhớ cảnh, thương người, vương vấn sự nhẹ nhàng, hiếu khách của những con người chân quê, hiền hậu... |