Bên trái là NGC 2937, một thiên hà hình elip trông giống như một quả trứng nhỏ màu xanh và được đặt biệt danh là Egg. Bên phải là NGC 2936, một thiên hà xoắn ốc méo mó có biệt danh là Penguin. Ảnh: NASA |
Trong một tuyên bố ngày 12/7, bà Jane Rigby – nhà khoa học cấp cao của NASA phụ trách dự án nghiên cứu này, cho biết: "Chúng tôi thấy hai thiên hà, mỗi thiên hà tập hợp hàng tỷ ngôi sao, đang trong quá trình hợp nhất. Đây là cách phổ biến mà các thiên hà giống như dải Ngân Hà của chúng ta hình thành theo thời gian và phát triển từ các thiên hà nhỏ - giống như những thiên hà mà kính viễn vọng James Webb đã tìm thấy trong thời gian ngắn sau Big Bang”.
Các thiên hà Penguin và Egg hợp nhất với nhau được gọi chung với cái tên là Arp 142. Trong hình ảnh được NASA cung cấp, chúng được kết nối với nhau bởi một đám mây là sự kết hợp của các ngôi sao và khí trong quá trình hợp nhất chuyển động chậm của chúng.
Thiên hà Penguin, được đặt tên vì hình dạng của nó nhìn từ kính viễn vọng giống với chim cánh cụt với một khu vực giống như mỏ chim, vốn được gọi chính thức với cái tên NGC 2936.
NGC 2936 là một thiên hà hình xoắn ốc nhưng hiện nay đã trở nên hơi méo đi. Trong khi đó, thiên hà Quả Trứng, còn được đặt tên theo hình dạng của nó, có tên chính thức là NGC 2937. Đây là một thiên hà nhỏ gọn có hình elip. Cùng với nhau, vẻ ngoài hai thiên hà này gợi nhớ đến hình ảnh một chú chim cánh cụt đang canh giữ quả trứng của nó.
Hãng tin Reuters trích dẫn thông báo chính thức của NASA cho biết hai thiên hà này bắt đầu tương tác với quỹ đạo của nhau từ 25 đến 75 triệu năm trước và được dự đoán sẽ hoàn thành việc hợp nhất trong khoảng vài trăm triệu năm tính từ hiện tại.
Hai thiên hà Penguin và Egg nằm cách Trái đất 326 triệu năm ánh sáng trong chòm sao Hydra. Một năm ánh sáng là quãng đường ánh sáng đi được trong một năm, tương đương 9,5 nghìn tỷ km.
Reuters dẫn lời ông Mark Clampin, giám đốc bộ phận vật lý thiên văn tại trụ sở NASA cho biết: “Sứ mệnh này đã cho phép chúng tôi nhìn lại những thiên hà xa xôi nhất từng được quan sát và hiểu về vũ trụ sơ khai theo một cách mới. Ví dụ, với kính viễn vọng Webb, chúng tôi phát hiện ra rằng những thiên hà sơ khai này nặng hơn và sáng hơn chúng tôi mong đợi, đặt ra câu hỏi: Làm thế nào chúng lại lớn nhanh đến vậy?”
Webb được thiết kế để có độ nhạy cao hơn kính viễn vọng không gian Hubble tiền nhiệm của nó – hiện vẫn đang tiếp tục công việc của mình. Webb quan sát vũ trụ chủ yếu ở vùng hồng ngoại, trong khi Hubble quan sát vũ trụ chủ yếu ở bước sóng quang học và tia cực tím.
"Webb là kính thiên văn lớn nhất, mạnh nhất từng được đưa vào không gian. Nó chuyên thu ánh sáng hồng ngoại - những bước sóng ánh sáng dài hơn mắt chúng ta có thể nhìn thấy. Với độ nhạy đáng kinh ngạc của nó đối với những bước sóng đó, chúng ta có thể nhìn lại thời kỳ đầu vũ trụ theo cách mà các sứ mệnh trước đây không thể làm được, nhìn xuyên qua bụi và khí vào trung tâm của quá trình hình thành sao và kiểm tra thành phần của bầu khí quyển ngoại hành tinh,” ông Clampin nói.
Nhìn về phía trước, ông nhận định: "Các cuộc điều tra thú vị nhất của Webb sẽ là những điều mà chúng tôi thậm chí còn chưa nghĩ đến”.
Kể từ khi được ra mắt vào năm 2021 và bắt đầu thu thập dữ liệu một năm sau đó, kính viễn vọng không gian James Webb đã định hình lại sự hiểu biết về vũ trụ sơ khai thông qua những bức ảnh tuyệt đẹp về vũ trụ được gửi về Trái Đất. Kính viễn vọng này đã quan sát thấy các thiên hà chứa đầy các ngôi sao hình thành trong vòng vài trăm triệu năm sau sự kiện Big Bang đánh dấu sự khởi đầu của vũ trụ khoảng 13,8 tỷ năm trước.
Việc phát hiện ra các thiên hà này giúp cung cấp cho các nhà khoa học cái nhìn sâu sắc về các lĩnh vực như thành phần của các hành tinh ngoài hệ mặt trời của chúng ta, được gọi là ngoại hành tinh và bản chất của các khu vực hình thành sao trong vũ trụ.
Hai thiên hà Penguin và Egg tương tác với nhau. Ảnh: NASA |