RT đưa tin, trong cuộc phỏng vấn với nhà báo Mỹ Tucker Carlson được công bố ngày 5/12, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết Tổng thống Vladimir Putin thường bị cáo buộc là từ chối đàm phán với Ukraine. Nhưng theo ông Lavrov, vào 2 năm trước, chính Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã ban sách lệnh cấm mọi cuộc đàm phán với Nga.
“Trước hết, tại sao bạn không nói với ông Zelensky hủy bỏ lệnh đó một cách công khai? Đây sẽ là một tín hiệu cho thấy ông ấy muốn đàm phán,” ông Lavrov nói.
Khi được hỏi về các điều kiện mà Nga sẽ đồng ý để chấm dứt chiến sự, Ngoại trưởng Lavrov đã nhắc tới bài phát biểu của Tổng thống Putin hồi tháng 6. Trong đó, ông Putin đã nêu rõ lập trường của Moscow, bao gồm việc Ukraine sẽ phải rút quân khỏi các vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát, đảm bảo quyền của người dân nói tiếng Nga và trở thành một quốc gia trung lập, không có vũ khí hạt nhân.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov trong cuộc phỏng vấn với nhà báo Mỹ Tucker Carlson. Ảnh: BNG Nga |
“Nguyên tắc chính là quy chế phi khối của Ukraine. Không gia nhập NATO. Chắc chắn rồi. Không có căn cứ quân sự, không tổ chức các cuộc tập trận quân sự nào trên lãnh thổ Ukraine mà có sự tham gia của quân đội nước ngoài,” Ngoại trưởng Nga nêu rõ.
Ông cũng nhấn mạnh rằng, Moscow sẽ không chấp nhận bất kỳ thỏa thuận nào mà Kiev có thể tiếp tục phân biệt đối xử với ngôn ngữ, phương tiện truyền thông, văn hóa và tôn giáo của Nga. “Chúng tôi không chơi trò hai mặt. Những gì Tổng thống Putin tuyên bố là mục tiêu trong hoạt động của chúng tôi. Điều đó công bằng, hoàn toàn phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc. Trước hết là các quyền: quyền ngôn ngữ, quyền của nhóm thiểu số, quyền của nhóm thiểu số quốc gia, quyền tôn giáo,” ông Lavrov nói thêm.
Nhà ngoại giao cấp cao Nga cũng nhấn mạnh các mục tiêu của Mocsow “hoàn toàn phù hợp” với các nguyên tắc của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) mà Mỹ cũng là thành viên. Trong đó, OSCE đã nhiều lần tuyên bố rằng không nước nào được mở rộng an ninh của mình bằng cách gây tổn hại đến nước khác và không tổ chức nào trong phạm vi của mình có thể tuyên bố thống trị.
"NATO đã làm điều ngược lại. Vì vậy, chúng tôi có tính hợp pháp trong lập trường của mình. Không thể có NATO hiện diện ở ngay trước cửa ngõ của chúng tôi vì OSCE đã nhất trí rằng điều này không nên xảy ra nếu gây tổn hại cho chúng tôi,” Ngoại trưởng Lavrov nói.
Ukraine chưa bình luận về các tuyên bố của Ngoại trưởng Nga.
Kể từ khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022, nhiều nước trên thế giới đã nỗ lực kêu gọi các bên ngồi vào bàn đàm phán hòa bình. Trong cuộc đàm phán tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) vào tháng 3/2022, phái đoàn Nga và Ukraine đã đưa ra một văn bản thỏa thuận, bao gồm đề xuất Ukraine sẽ từ bỏ mục tiêu gia nhập NATO, chấp nhận giới hạn về lực lượng vũ trang của mình, để đổi lấy các đảm bảo an ninh quốc tế, bao gồm cả từ Nga. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán đã bị đóng băng kể từ tháng 4/2022.
Tháng 10/2022, Nga tuyên bố sáp nhập 4 vùng lãnh thổ của Ukraine gồm Donetsk, Lugansk, Zaporizhzhia và Kherson sau các cuộc trưng cầu dân ý. Tuy nhiên, Kiev và phương Tây tuyên bố không công nhận kết quả này, cũng như không công nhận chủ quyền của Moscow đối với bán đảo Crimea đã sáp nhập vào Nga năm 2014. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng ký sắc lệnh cấm mọi cuộc đàm phán với các lãnh đạo hiện tại của Nga.