Ukrainska Pravda đưa tin, ngày 3/12, Bộ Ngoại giao Ukraine đã ra một tuyên bố dưới dạng văn bản lập trường chính trị, trong đó đề cập đến kỷ niệm 30 năm ngày ký kết Bản ghi nhớ Budapest (1994-2024). Theo Bản ghi nhớ, Ukraine từ bỏ kho vũ khí hạt nhân thời Liên Xô để đổi lấy sự đảm bảo an ninh từ Nga và phương Tây.
Bộ Ngoại giao Ukraine gọi Bản ghi nhớ này là “bước tiến quan trọng trong việc tăng cường giải trừ vũ khí hạt nhân toàn cầu, trở thành tấm gương cho các quốc gia khác từ bỏ vũ khí hạt nhân”. Tuy nhiên, cơ quan này cũng đồng thời chỉ trích rằng đây là “biểu tượng của sự thiển cận trong việc ra quyết định về an ninh chiến lược”.
“Với kinh nghiệm cay đắng của Bản ghi nhớ Budapest, chúng tôi sẽ không chấp nhận bất kỳ giải pháp thay thế nào cho tư cách thành viên đầy đủ của Ukraine trong NATO,” Bộ Ngoại giao Ukraine nhấn mạnh, đồng thời thúc giục các đối tác NATO gửi lời mời gia nhập liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu trong cuộc họp Ngoại trưởng tại Brussels.
Ngoại trưởng Ukraine Andrii Sybiha và Tổng thư ký NATO Mark Rutte tham dự cuộc họp các Ngoại trưởng NATO, Brussels, Bỉ, ngày 3/12. Ảnh: Reuters |
Cũng trong tuyên bố, Ukraine kêu gọi “Mỹ, Anh, các bên ký kết Bản ghi nhớ Budapest, Pháp và Trung Quốc đã tham gia bản ghi nhớ này và tất cả các quốc gia thành viên Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân” ủng hộ về mặt chính trị cho lời mời Kiev gia nhập NATO ngay bây giờ.
Cùng ngày, khi tới NATO, Ngoại trưởng Ukraine Andrii Sybiha đã mang theo bản sao Bản ghi nhớ Budapest. “Tài liệu này đã thất bại trong việc bảo đảm an ninh cho Ukraine và khu vực xuyên Đại Tây Dương. Chúng ta phải tránh lặp lại sai lầm này,” ông Sybiha nói.
Chia sẻ với báo giới, Tổng thư ký NATO Mark Rutte tuyên bố rằng NATO đang “xây dựng cầu nối” để Ukraine trở thành thành viên của liên minh, nhưng vấn đề cấp thiết hiện nay là cung cấp thêm vũ khí quân sự cho Kiev để đối phó với quân đội Nga.
Ông Rutte cho biết cuộc họp Ngoại trưởng NATO sẽ tập trung vào việc đảm bảo Ukraine có vị thế tốt nhất khi nước này quyết định ngồi vào bàn đàm phán. Ông cũng hoan nghênh các gói viện trợ quân sự mới từ Mỹ, Đức, Thụy Điển, Estonia, Lithuania và Na Uy, bao gồm khoản viện trợ vũ khí mới giá 725 triệu USD của Mỹ công bố hồi đầu tuần.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhấn mạnh rằng các nước NATO có “quyết tâm chung” trong việc làm mọi thứ cần thiết cho Ukraine để nước này có thể tự bảo vệ mình và tìm ra giải pháp công bằng và lâu dài trong cuộc xung đột với Nga.
Tuy nhiên, sau cuộc họp tại Brussels, Ngoại trưởng Lithuania Gabrielius Landsbergis nói với các phóng viên rằng “không có tiến triển nào” về vấn đề tư cách thành viên của Kiev. Ngoại trưởng Czech Jan Lipavsky cho biết Praha nằm trong nhóm coi lời mời là “bước đi cần thiết”, nhưng nói thêm rằng: “Tôi không nghĩ rằng có sự đồng thuận về vấn đề đó”.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto tuyên bố rằng Budapest vẫn phản đối việc Kiev gia nhập NATO. “Quốc gia đó đang trong tình trạng chiến tranh và một quốc gia đang trong tình trạng chiến tranh không thể đóng góp vào an ninh của liên minh,” ông nhấn mạnh.
Về phía Nga, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 3/12 cho biết cho biết Moscow coi khả năng Kiev trở thành thành viên đầy đủ của NATO là không thể chấp nhận được vì điều này sẽ gây ra mối đe dọa an ninh.
"Một động thái tiềm tàng như vậy tất nhiên là không thể chấp nhận được. Vì nó là mối đe dọa đối với chúng tôi. Điều này cũng không loại bỏ nguyên nhân gốc rễ của xung đột, buộc chúng tôi phải phát động chiến dịch quân sự đặc biệt," ông Peskov nhấn mạnh.
Theo Reuters, một số nhà phân tích và nhà ngoại giao cho rằng Ukraine có thể nhận được sự bảo đảm an ninh từ từng quốc gia phương Tây thay vì từ toàn bộ NATO. Trên thực tế, việc đưa ra lời mời kết nạp thành viên sẽ mất nhiều tuần thậm chí là nhiều tháng để đạt được sự đồng thuận từ 32 thành viên của khối về quyết định này.
Ukraine đã đưa mục tiêu gia nhập NATO thành mục tiêu chiến lược vào năm 2019. Đây là một lằn ranh đỏ đối với Nga – quốc gia đã bày tỏ lo ngại về sự mở rộng dần dần của khối quân sự này về phía biên giới của mình trong nhiều năm qua. Tháng 9/2022, Kiev chính thức nộp đơn xin gia nhập NATO sau khi bốn khu vực của nước này trưng cầu dân ý sáp nhập vào Nga. Tổng thống Nga Vladimir Putin từng tuyên bố rằng tham vọng gia nhập NATO của Ukraine là lý do chính đằng sau cuộc xung đột hiện nay.
Đại sứ Nga: 'Ukraine gia nhập NATO là không thể chấp nhận được' Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vassily Nebenzia tuyên bố việc Ukraine gia nhập NATO dưới bất kỳ hình thức nào đều không thể chấp nhận được đối với Mocsow và không thể là một phần trong bất kỳ kế hoạch hòa bình nào nhằm chấm dứt xung đột. |
NATO và Ukraine sẽ họp khẩn về tên lửa mới của Nga Các nước NATO và Ukraine sẽ tổ chức các cuộc đàm phán khẩn cấp vào tuần tới tại Brussels (Bỉ) về việc Nga bắn tên lửa tầm trung siêu vượt âm vào Ukraine. |
Ukraine để ngỏ việc ngừng bắn với Nga nếu được gia nhập NATO Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky lần đầu tiên tuyên bố Ukraine có thể đồng ý thỏa thuận ngừng bắn với Nga nếu vùng lãnh thổ do Kiev kiểm soát “nằm dưới sự bảo hộ của NATO”. |
Quan chức Mỹ: Ukraine phải tự quyết định về kịch bản nhượng bộ lãnh thổ Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết Ukraine sẽ phải tự quyết định việc có nhượng bộ lãnh thổ với Nga để chấm dứt cuộc xung đột hay không. |