Theo RT, tuyên bố trên được Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đưa ra tại cuộc họp cấp bộ trưởng tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vào ngày 16/7. Trong đó, ông Lavrov nhấn mạnh rằng việc việc chấm dứt tình trạng bế tắc giữa Nga và Ukraine nên đi kèm với việc “loại bỏ mối đe dọa” mà phương Tây gây ra đối với an ninh của Nga.
“Bất kỳ giải pháp chính trị và ngoại giao nào [cho cuộc xung đột Ukraine] cũng phải đi kèm với các bước cụ thể nhằm loại bỏ các mối đe dọa đối với Liên bang Nga,” ông Lavrov nói. “Cần phải giải quyết tận gốc rễ cuộc khủng hoảng bùng phát ở châu Âu một lần và mãi mãi”.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, ngày 16/7. Ảnh: Sputnik |
Ngoại trưởng Nga cho biết Moscow và phương Tây cần có “sự đảm bảo và thỏa thuận” lẫn nhau, cũng như cần tính đến “những thực tế địa chiến lược mới trên lục địa Á – Âu”. Ông cho rằng một “kiến trúc toàn lục địa mới về an ninh thực sự bình đẳng và không thể chia cắt” đang được hình thành trên lục địa này.
“Sự cân bằng quyền lực toàn cầu và khu vực cũng cần được khôi phục, cùng với việc khắc phục những bất công trong nền kinh tế thế giới,” ông Lavrov nói. “Một thế giới đa cực không nên có bất kỳ sự độc quyền nào trong quy định tài chính hoặc tiền tệ, thương mại hoặc công nghệ”.
Nhà ngoại giao Nga kêu gọi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nên được cải tổ để phản ánh “sức nặng thực sự” của các trung tâm tăng trưởng và phát triển phi phương Tây.
Cũng trong cuộc họp, Ngoại trưởng Sergey Lavrov lưu ý rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đã từng nêu các điều kiện cho một “hòa bình bền vững” giữa Nga và Ukraine.
Vào tháng 6, Tổng thống Putin đã phác thảo các điều khoản của Moscow để khởi xướng lệnh ngừng bắn, nhấn mạnh rằng Moscow muốn chấm dứt toàn diện và dứt điểm cuộc xung đột với Ukraine thay vì ngừng bắn tạm thời.
Trong đó, Nga sẵn sàng ngay lập tức mở các cuộc đàm phán hòa bình với Ukraine nếu Kiev rút lực lượng khỏi các vùng lãnh thổ mới sáp nhập của Moscow; Ukraine cam kết giữ nguyên trạng thái trung lập, chính thức không gia nhập NATO hoặc tìm cách sở hữu vũ khí hạt nhân và cuối cùng là việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga. Tuy nhiên, cả Ukraine và phương Tây đều đã bác bỏ đề xuất này.
Theo RT, Nga đã nhiều lần chỉ trích việc Mỹ và các đồng minh gây ra nhiều cuộc khủng hoảng trong thập kỷ gần đây. Vào tháng 6, Tổng thống Nga Putin đã nói rằng thế giới đã bỏ lỡ cơ hội tạo ra một trật tự quốc tế tốt đẹp hơn, công bằng hơn và an toàn hơn vào những năm 1990.
Ông cho rằng Mỹ và các đồng minh phương Tây khác tin rằng họ đã “chiến thắng trong Chiến tranh Lạnh và từ chối tôn trọng lợi ích của những nước khác”. “Cách tiếp cận đó thể hiện rõ trong chính sách giải quyết xung đột của NATO. Họ buộc tội tất cả các bên mà họ không thích và phá hủy,” ông Putin tuyên bố.
Theo Tổng thống Nga, cách tiếp cận như vậy đã chứng tỏ là một thảm họa. Ông cũng phủ nhận rằng Nga là mối đe dọa chính đối với châu Âu, đồng thời cho rằng mối nguy hiểm lớn nhất đối với các quốc gia châu Âu đến từ sự phụ thuộc quá lớn vào Mỹ.