Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov. Ảnh: TASS |
Ngày 15/7 khi tiến hành cuộc họp báo đầu tiên kể từ chuyến thăm Washington, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết Ukraine và những đồng minh ủng hộ nước này có ý định tổ chức “hội nghị thượng đỉnh hòa bình” lần thứ hai vào tháng 11, khi cuộc bầu cử Tổng thống ở Mỹ diễn ra.
Ông lưu ý rằng sẽ có 3 cuộc họp riêng biệt diễn ra trong khuôn khổ hội nghị, chủ yếu tập trung vào an ninh năng lượng, tự do hàng hải và trao đổi tù nhân, từ đó mở đường cho một hội nghị cấp cao khác. Đặc biệt, ông Zelensky còn nhấn mạnh: “Tôi tin rằng các đại diện của Nga nên có mặt tại hội nghị thượng đỉnh hòa bình lần thứ hai”.
Phản ứng lại tuyên bố trên, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 16/7 khi trả lời kênh truyền hình Zvevda của Nga, cho biết các mục tiêu và chương trình nghị sự của một sự kiện như vậy "không rõ ràng”.
Ông cũng đánh giá sự kiện đầu tiên diễn ra ở Thụy Sĩ hồi tháng 6 vừa qua – sự kiện mà Nga không được mời tham dự - “hoàn toàn không phải là một hội nghị thượng đỉnh hòa bình”. Do đó, ông khẳng định Nga trước tiên “cần phải hiểu ý của ông Zelensky là gì”.
Trong khi đó về phía Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Galuzin, ông từng đưa ra tuyên bố ngày 11/7 rằng Moscow không có kế hoạch tham dự bất kỳ hội nghị thượng đỉnh mới nào về Ukraine nhằm thúc đẩy cái mà ông gọi là “công thức ngõ cụt và giống như tối hậu thư” của Kiev.
Trước đây, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cũng từng gọi hội nghị thượng đỉnh do Thụy Sĩ đăng cai là một “thất bại”. Theo RT dẫn lời bà, gần một nửa số phái đoàn được mời - bao gồm cả Trung Quốc - đã không có mặt tham dự. Bà cũng bổ sung rằng cuộc họp đã thất bại trong việc thiết lập bối cảnh cho các cuộc đàm phán về một nền hòa bình bền vững.
Trung Quốc hôm 31/5 cho biết họ “khó tham dự” hội nghị thượng đỉnh hòa bình về Ukraine, nhấn mạnh rằng sự kiện này chưa đáp ứng các điều kiện mà Bắc Kinh đã nêu ra, trong đó yêu cầu sự tham gia của Nga.
Hội nghị trên bắt đầu từ ngày 15/6 và kéo dài 2 ngày, các nhà lãnh đạo cũng như quan chức từ hơn 90 quốc gia trên thế giới tập trung tại Thụy Sĩ để thảo luận về cuộc xung đột lớn nhất ở châu u kể từ Thế chiến 2. Sự kiện này xoay quanh “công thức hòa bình” của ông Zelensky bao gồm việc chấm dứt chiến sự, khôi phục toàn vẹn lãnh thổ Ukraine, Nga rút quân khỏi lãnh thổ của Kiev và khôi phục biên giới trước xung đột với Nga - những điều khoản mà phía Nga đã từng tuyên bố là “xa rời thực tế”.
Sau 2 ngày nhóm họp, chỉ có 80 quốc gia ký tuyên bố chung, trong đó khẳng định Hiến chương Liên Hợp Quốc và "sự tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền đóng vai trò cơ sở để đạt được hòa bình toàn diện, công bằng và lâu dài ở Ukraine". Văn kiện cũng kêu gọi "tất cả các bên" đối thoại để chấm dứt xung đột.
Tuy nhiên, tuyên bố chung đã không nhận được sự chấp thuận từ một số quốc gia tham dự bao gồm Ấn Độ, Arab Saudi, Nam Phi và Brazil – các quốc gia tham dự hội nghị nhưng không ký tuyên bố chung.