RT đưa tin, phát biểu với các phóng viên ngày 24/1, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cho biết Nhà Trắng phải áp dụng cách tiếp cận thực tế để giải quyết xung đột và tốc độ của bất kỳ quá trình nào như vậy vẫn “khó có thể dự đoán được”.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov. Ảnh: Sputnik |
“Trước hết, tôi muốn hiểu phía Mỹ sẽ tiến tới một giải pháp cho xung đột dựa trên cơ sở nào. Nếu họ chỉ dựa trên các tín hiệu mà chúng ta đã nghe trong những ngày gần đây, điều đó sẽ không hiệu quả trong vòng 100 ngày tới hay thậm chí lâu hơn. Nếu chính sách của họ có nhiều tính thực tế hơn trong, thì có lẽ một quá trình nhất định sẽ bắt đầu và tốc độ của nó cũng khó có thể dự đoán được,” ông Ryabkov cho biết.
Bình luận của nhà ngoại giao Nga được đưa ra sau khi tờ Wall Street Journal gần đây đưa tin, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã giao nhiệm vụ cho ông Keith Kellogg – Đặc phái viên về Ukraine, về việc chấm dứt cuộc xung đột Nga - Ukraine trong 100 ngày.
Ông Donald Trump – người đã bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống Mỹ thứ hai vào đầu tuần này, đã nhiều lần tuyên bố trong chiến dịch tranh cử rằng ông sẽ chấm dứt chiến sự tại Ukraine trong vòng 24 giờ nếu trở lại nắm quyền. Tuy nhiên, vài tuần trước lễ nhậm chức, ông Trump đã điều chỉnh mốc thời gian và nói rằng ông dự kiến sẽ đàm phán hòa bình trong vòng 6 tháng.
Ngày 23/1, Tổng thống Trump nói với các phóng viên rằng ông sẵn sàng gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin sớm nhất có thể để đàm phán chấm dứt xung đột Ukraine. Cùng ngày, trong bài phát biểu trực tuyến tại Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos, Thụy Sĩ, ông Trump đã công bố kế hoạch yêu cầu Arab Saudi và Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) hạ giá dầu toàn cầu để làm suy yếu nguồn thu của Nga, từ đó góp phần chấm dứt xung đột.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp nhau bên lề hội nghị G20 ở Hamburg, Đức, tháng 7/2017. Ảnh: AP |
Trong một cuộc phỏng vấn với Fox News được công bố một ngày trước đó, tân Tổng thống Mỹ cũng cảnh báo sẽ áp đặt thêm các lệnh trừng phạt và áp thuế đối với Nga, nếu Moscow không nhanh chóng giải quyết xung đột.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov sau đó đã bác bỏ các “tối hậu thư” của Washington, cho rằng những chiến thuật này là “không có gì mới”. Mặt khác, ông Peskov khẳng định Nga vẫn cởi mở với "cuộc đối thoại bình đẳng và tôn trọng" với Mỹ; đồng thời nói thêm rằng, trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump đã tham gia vào cuộc trao đổi kiểu này với Tổng thống Vladimir Putin. Theo người phát ngôn, Tổng thống Putin đã sẵn sàng đối thoại với người đồng cấp Mỹ, đồng thời nói thêm rằng Moscow đang “chờ đợi tín hiệu” từ Washington.
Trước đó, theo truyền thông Mỹ, nhóm của ông Trump đang để ý đến một kế hoạch hòa bình cho Ukraine, bao gồm khả năng tạo ra lệnh ngừng bắn dọc theo các tuyến đầu hiện tại trên chiến trường và việc tạo ra một khu vực phi quân sự trên 1.200km do lực lượng gìn giữ hòa bình châu Âu tuần tra. Ngoài ra, lộ trình này được cho là bao gồm việc trì hoãn nguyện vọng gia nhập NATO của Ukraine trong ít nhất 20 năm.
Tuy nhiên, cả Nga và Ukraine đều đã loại trừ khả năng đóng băng xung đột. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã nhiều lần khẳng định rằng “công thức hòa bình” 10 điểm của ông là con đường khả thi duy nhất dẫn đến “hòa bình công bằng” với Nga.
Về phía Nga, Ngoại trưởng Sergey Lavrov từng tuyên bố Moscow “chắc chắn không hài lòng” với các đề xuất hoãn tư cách thành viên NATO của Kiev và triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình của phương Tây tại Ukraine. Ông nhấn mạnh hòa bình giữa hai bên chỉ có thể đạt được thông qua “các thỏa thuận đáng tin cậy, ràng buộc về mặt pháp lý” giải quyết tận gốc nguyên nhân của cuộc xung đột và bao gồm các cơ chế ngăn ngừa các vi phạm trong tương lai.