Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova. Ảnh: TASS |
“Theo như tôi thấy, Giáo hoàng đang kêu gọi phương Tây nên gác lại tham vọng và thừa nhận điều đó là sai lầm,” hãng thông tấn ANSA của Italy ngày 11/3 dẫn tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova, theo Reuters.
Bà Zakharova cho rằng phương Tây đã sử dụng Ukraine như một công cụ cho tham vọng nhằm làm suy yếu Nga. Bà nói thêm rằng tình hình tại Ukraine “đang đi vào ngõ cụt”. Trong khi đó, Moscow “chưa từng từ chối các cuộc đàm phán”, bà Zakharova nhấn mạnh.
Bình luận của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga được đưa ra sau khi Giáo hoàng Francis nói trong cuộc phỏng vấn với đài truyền hình Thụy Sĩ Radio Télévision Suisse (RTS) được công bố hôm 10/3, rằng Kiev nên “can đảm giương cờ trắng” và đàm phán với Nga để chấm dứt cuộc xung đột đã bước sang năm thứ 3.
Giáo hoàng Francis. Ảnh: Vatican Media |
Theo Reuters, dường như đây là lần đầu tiên Giáo hoàng Francis sử dụng những cụm từ “cờ trắng” hay “thất bại” khi bình luận về cuộc chiến tại Ukraine, mặc dù trước đây ông đã từng nói về sự cần thiết phải đàm phán.
Người phát ngôn Vatican Matteo Bruni giải thích, Giáo hoàng Francis đã sử dụng cụm từ “cờ trắng” của phóng viên nhằm thể hiện mong muốn các bên “chấm dứt sự thù địch và đạt được thỏa thuận ngừng bắn thông qua dũng khí đàm phán”.
Tuy nhiên, tuyên bố của Giáo hoàng đã vấp phải sự phản đối từ giới chức Ukraine. Trong bài đăng trên mạng xã hội X ngày 10/3, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba tuyên bố: “Quốc kỳ của chúng tôi có màu vàng và xanh. Đây là lá cờ mà chúng tôi sẽ luôn sống, chết và chiến thắng. Chúng tôi sẽ không bao giờ giương bất kỳ lá cờ nào khác”.
Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba. Ảnh: Getty Images |
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky không đề cập trực tiếp đến Giáo hoàng Francis hay những bình luận của ông, nhưng đã nói về “sự hòa giải ảo” của các nhân vật tôn giáo.
Kể từ khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022, đã có nhiều nỗ lực đàm phán và xúc tiến hòa bình được đề xuất. Trong đó, Belarus và Thổ Nhĩ Kỳ đã tổ chức các cuộc đàm phán giữa phái đoàn Nga và Ukraine vào mùa xuân năm 2022.
Tuy nhiên, các cuộc đàm phán hòa bình đã đổ vỡ kể từ tháng 4/2022, sau khi cả hai bên đều cáo buộc nhau đưa ra những yêu cầu phi thực tế. Tổng thống Nga Vladimir Putin sau đó cho biết phái đoàn Ukraine ban đầu đã đồng ý với một số điều khoản của Nga trong cuộc đàm phán ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) vào tháng 3/2022, nhưng sau đó đột ngột từ bỏ thỏa thuận.
Ông David Arakhamia - nhà đàm phán hàng đầu của Ukraine tại cuộc đàm phán ở Istanbul, tiết lộ rằng cựu Thủ tướng Anh Boris Johnson đã tới Kiev và thuyết phục Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky rút khỏi đàm phán. Tuy nhiên, ông Johnson phủ nhận vai trò trong việc này.
Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hợp Quốc cũng làm trung gian cho một thỏa thuận ngũ cốc giữa Moscow và Kiev vào mùa hè năm 2022, gọi là Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen. Nước này cũng nhiều lần kêu gọi Nga và Ukraine nối lại các cuộc đàm phán hòa bình và tuyên bố sẵn sàng trở thành người hòa giải.
Vào tháng 10/2022, sau khi Nga tiến hành sáp nhập 4 vùng lãnh thổ của Ukraine gồm Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia, Tổng thống Ukraine Zelensky ký sắc lệnh loại trừ mọi khả năng đàm phán với Tổng thống Nga Putin. Ông cũng đã công bố “Công thức hòa bình 10 điểm” của Ukraine, trong đó yêu cầu quân đội Nga phải rút khỏi lãnh thổ Ukraine, từ bỏ 4 vùng tuyên bố sáp nhập, cũng như bán đảo Crimea (được sáp nhập vào Nga từ năm 2014).
Tuy nhiên, Nga đã bác bỏ kế hoạch hòa bình này, nhấn mạnh rằng những đề xuất từ Ukraine cần tính đến "tình hình thực tế" của liên quan đến lãnh thổ Nga (bao gồm các vùng được sáp nhập). Mặt khác, Moscow đã nhiều lần khẳng định sẵn sàng giải quyết xung đột thông qua đàm phán hòa bình, trong khi Kiev không có thái độ tương tự.
Trong cuộc họp báo ngày 3/3 ở Antalya, Thổ Nhĩ Kỳ, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov khẳng định Moscow không từ bỏ ý tưởng đàm phán hòa bình với Kiev nhưng nhận thấy Ukraine và các nước phương Tây không có mong muốn thực sự về điều này.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cảnh báo nếu Nga và Ukraine quay trở lại bàn đàm phán thì các cuộc đàm phán sẽ không giống như trước, vì Kiev sẽ phải chấp nhận “thực tế mới” về lãnh thổ.
Hôm 8/3, Tổng thống Ukraine Zelensky cho biết Nga sẽ không được mời tham dự hội nghị thượng đỉnh hòa bình đầu tiên được tổ chức tại Thụy Sỹ trong những tháng tới, nhưng một đại diện của Moscow có thể được mời tham dự cuộc họp tiếp theo sau khi lộ trình hòa bình đã được thống nhất với các đồng minh của Kiev.