TASS đưa tin, phát biểu trong cuộc họp báo ngày 21/9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tuyên bố: “Hội nghị thượng đỉnh hòa bình lần thứ hai tiếp tục theo đuổi mục tiêu là thúc đẩy ‘công thức của ông Zelensky’ – vốn hoàn toàn không khả thi như một cơ sở không khoan nhượng để giải quyết xung đột hay để đạt được sự ủng hộ của phần lớn thế giới, mà là nhân danh nó để đưa ra tối hậu thư khiến Nga đầu hàng”.
Bình luận của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga được đưa ra sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 20/9 đã thúc giục phương Tây ủng hộ Kiev nhiều nhất có thể trong việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh hòa bình lần thứ hai vào tháng 11, nhằm chấm dứt hoàn toàn cuộc xung đột vào năm nay.
Nhà lãnh đạo Ukraine trước đó cũng nói rằng ông muốn đại diện Nga "tham gia bàn đàm phán", vì hầu hết cộng đồng quốc tế đều ủng hộ ý tưởng này. Vào cuối tháng trước, ông Zelensky cũng gợi ý rằng Ấn Độ - quốc gia tự định vị mình là một quốc gia trung lập, có thể tổ chức hội nghị thượng đỉnh.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova. Ảnh: TASS |
Tuy nhiên, bà Maria Zakharova khẳng định các đại diện của Nga chưa từng tham gia và sẽ không tham gia bất kỳ hội nghị thượng đỉnh nào như vậy. Bà cho rằng sẽ không thể đạt được một giải pháp công bằng và lâu dài cho cuộc xung đột ở Ukraine “nếu không có Nga và không tính đến lợi ích của Nga”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga đồng thời tuyên bố Moscow sẽ không đàm phán với Kiev, vì quân đội Ukraine đã thực hiện cuộc tấn công vào tỉnh biên giới Kursk và đang kêu gọi cho phép sử dụng vũ khí tầm xa của NATO để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.
Mặt khác, quan chức này cũng nhấn mạnh rằng Nga không bác bỏ ý tưởng về các giải pháp chính trị và ngoại giao cho cuộc khủng hoảng hiện nay. “Chúng tôi sẵn sàng thảo luận về các đề xuất thực sự nghiêm túc, có tính đến tình hình ‘trên thực địa’, thực tế địa chính trị mới nổi và các đề xuất liên quan do Tổng thống Vladimir Putin đưa ra vào tháng 6,” bà Zakharova cho hay.
Tổng thống Nga Putin khi đó cho biết Nga sẵn sàng ngay lập tức mở các cuộc đàm phán hòa bình với Ukraine, nếu Kiev rút lực lượng khỏi các vùng lãnh thổ mới của Moscow – những vùng cần được quốc tế công nhận; Ukraine cam kết giữ nguyên trạng thái trung lập, chính thức không gia nhập NATO hoặc tìm cách sở hữu vũ khí hạt nhân và cuối cùng là việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga.
Tuy nhiên, cả Ukraine và phương Tây đều đã bác bỏ đề xuất này.
Hội nghị thượng đỉnh hòa bình về Ukraine lần thứ nhất đã được tổ chức tại Thụy Sĩ từ ngày 15-16/6, xoay quanh 3 điểm chính trong “công thức hòa bình 10 điểm” do Tổng thống Ukraine đề xuất nhằm chấm dứt xung đột với Nga. Moscow không được mời tham dự sự kiện này. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khi đó bình luận rằng hội nghị do Thụy Sĩ tổ chức đã mang lại kết quả không đáng kể và cho thấy sự vô ích của việc tổ chức các cuộc đàm phán mà không có Nga.
Nga cảnh báo nếu Ukraine được phép tấn công bằng tên lửa tầm xa Điện Kremlin tuyên bố bất kỳ quyết định nào của phương Tây nhằm cho phép Ukraine tấn công lãnh thổ Nga bằng tên lửa tầm xa sẽ là động thái làm sâu thêm sự tham gia trực tiếp của Mỹ và châu Âu trong cuộc chiến với Moscow. |
NATO kêu gọi các thành viên tự quyết định cho Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg quyên bố rằng các thành viên NATO có thể tự đưa ra quyết định về việc có cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa để tấn công vào lãnh thổ Nga hay không. |
Tổng thống Zelensky: ‘Kế hoạch chiến thắng của Ukraine đã sẵn sàng’ Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết “kế hoạch chiến thắng” của ông, nhằm mang lại hòa bình cho Ukraine và tránh “đóng băng xung đột” hiện đã hoàn tất sau nhiều cuộc tham vấn. |