Ngân sách bền vững, điểm tựa cho phục hồi và tăng trưởng

NGÂN SÁCH Việt nAM
10:25 - 24/01/2023
Ngân sách bền vững, điểm tựa cho phục hồi và tăng trưởng
0:00 / 0:00
0:00
Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội trị giá 347 nghìn tỷ đồng được Quốc hội ban hành trong năm 2022-2023 với cơ cấu nhóm chính sách tài khoá lên đến 291 nghìn tỷ đồng, chiếm 83,9% tổng nguồn vốn.

TS. Võ Trí Thành - Chuyên gia kinh tế, Nguyên phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) từng nhận định rằng, trong các gói, chương trình hỗ trợ, vai trò của chính sách tài khóa là rất quan trọng. Nó không chỉ thể hiện ở phạm vi, cách thức, quy mô hỗ trợ mà còn là "điểm tựa" tốt để phối hợp với chính sách tiền tệ cho mục tiêu phục hồi, phát triển kinh tế.

Chính sách miễn - giảm - giãn thuế, trợ lực giúp kinh tế phục hồi

Theo số liệu của Bộ Tài chính, tính đến ngày 15/12/2022, tổng số tiền đã thực hiện miễn, giảm, gia hạn đến khoảng 193,4 nghìn tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người dân vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển các hoạt động sản xuất kinh doanh.

Cụ thể, số tiền gia hạn khoảng 105,9 nghìn tỷ đồng, trong đó: gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2022 theo Nghị định số 34/2022/NĐ-CP khoảng 96.316 tỷ đồng và gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước theo Nghị định số 32/2022/NĐ-CP khoảng 9.603 tỷ đồng.

Đồng thời, số tiền miễn, giảm khoảng 87,5 nghìn tỷ đồng. Trong đó: Miễn, giảm thuế theo các chính sách thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội khoảng 50,2 nghìn tỷ đồng và giảm thuế bảo vệ môi trường các mặt hàng xăng, dầu, mỡ nhờn theo Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 và Nghị quyết số 20/2022/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khoảng 30,7 nghìn tỷ đồng.

Bộ Tài chính thông tin, đây là năm mà các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân về thuế, phí và lệ phí với quy mô lớn nhất, phạm vi áp dụng rộng nhất trong nhiều năm qua.

Trong bối cảnh doanh nghiệp và người dân đang nỗ lực phục hồi sản xuất, kinh doanh sau dịch Covid-19 dù môi trường quốc tế đang nhiều rủi ro, thách thức, các gói chính sách hỗ trợ theo kế hoạch chung và Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội 2022-2023 mà Quốc hội và Chính phủ đã ban hành từ đầu năm đang dần lan tỏa vào cuộc sống.

Sản xuất công nghiệp phục hồi nhờ dịch bệnh được kiểm soát và các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp được ban hành và triển khai. Nhờ các chính sách kiểm soát dịch bệnh linh hoạt, chính sách tài khóa với giảm, giãn hoãn thuế, tiền thuê đất, ổn định chi phí đầu vào cho doanh nghiệp (như giảm thuế, phí đối với xăng dầu) đã hỗ trợ hoạt động sản xuất - kinh doanh phục hồi tích cực. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2022 tăng 7,8% so với cùng kỳ, cao hơn mức 4,2% của cùng kỳ năm 2021 và dần hướng đến mốc 9,4% của cùng kỳ năm 2019, mức trước đại dịch.

Tiêu dùng trong nước phục hồi nhờ môi trường vĩ mô được duy trì ổn định và các chính sách giảm thuế như giảm thuế GTGT, thuế xuất nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và bảo vệ môi trường…Trong 11 tháng 2022, tổng mức bán lẻ tăng 19,8% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, chính sách tài khoá, thông qua việc giảm thuế phí nhất là đối với mặt hàng xăng dầu, thuế VAT...đã góp phần hỗ trợ kiểm soát giá cả, lạm phát trong bối cảnh đang tăng cao.

Ngân sách bền vững là điểm tựa vững chắc

Để có dư địa triển khai các chính sách miễn, giảm thuế, hỗ trợ người dân, điều kiện tiên quyết là đảm bảo thu ngân sách bền vững, trở thành trụ cột quan trọng để bền vững tài khóa.

Số liệu từ Bộ Tài chính cho thấy, tổng thu ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2022 ước đạt 1.803,6 nghìn tỷ đồng, bằng 127,8% dự toán, tăng 15% so với năm 2021. Trong đó, ngân sách Trung ương đạt 125,8% dự toán; ngân sách địa phương đạt 129,9% dự toán.

Đáng chú ý, có 10 khoản thu vượt dự toán, trong đó thu từ nhà, đất đạt 154,5%; thu từ hoạt động xổ số kiến thiết đạt 118,2% và các khoản thu trực tiếp từ hoạt động sản xuất - kinh doanh ở 3 khu vực kinh tế. Thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước đạt 114,3% dự toán, tăng 7,4% so với năm trước; thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 117,6% dự toán, tăng 11,5%; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 121,5% dự toán, tăng 5,9%.

Thu NSNN năm 2022 vượt dự toán chủ yếu do hoạt động kinh tế tiếp tục duy trì đà phục hồi và tăng trưởng khả quan với tăng trưởng GDP đạt 8,02%. Bên cạnh đó, giá dầu và một số hàng hóa, nguyên liệu đầu vào tăng cao đã góp phần tăng thu từ dầu thô và từ hoạt động xuất nhập khẩu.

Không thể phủ nhận, việc duy trì hoạt động thu ngân sách bền vững, dồi dào vừa giúp bù đắp phần ngân sách hỗ trợ, tạo dư địa thực hiện chính sách tài khoá, vừa giúp ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, nhìn vào cơ cấu thu ngân sách, vẫn còn điểm đáng lưu tâm. Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho biết, tổng số thu cân đối ngân sách Nhà nước vượt dự toán khá cao, tăng 14,3% so với dự toán, tăng 2,9% so với ước thực hiện năm 2021. Trong đó, cả ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương đều vượt dự toán.

"Song, cơ cấu tăng thu ngân sách Nhà nước vẫn chưa vững chắc, tỷ trọng tăng thu từ đất, từ thuế thu nhập cá nhân, vẫn còn rất lớn. Thu từ khu vực sản xuất kinh doanh chỉ bằng 1/3 tổng nguồn thu. Thu ngân sách địa phương không đồng đều giữa các địa phương, nhiều địa phương ước không đạt dự toán; tồn tại bất cập trong phân cấp nguồn thu giữa trung ương và địa phương", Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nhìn nhận.

Nói thêm về nguồn thu từ đất đai, theo Bộ Tài chính, năm 2013 tổng thu tiền sử dụng đất và tiền thuê đất vào ngân sách Nhà nước, trong đó có thu từ hoạt động đấu giá đất, của 63 tỉnh thành trên cả nước đạt gần 63,7 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 7,8% tổng thu ngân sách cả nước. Đến năm 2018, con số này đã lên tới gần 218,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 16,58% tổng thu ngân sách Nhà nước. Như vậy sau 5 năm, nguồn thu từ đất đai trên cả nước đã tăng khoảng 3-4 lần và tỷ lệ thu từ đất đai trong tổng thu NSNN cũng tăng hơn 2 lần.

Trong 3 năm gần đây, dù chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng số thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, đấu giá đất vào ngân sách vẫn tăng qua các năm. Cụ thể, số thu ngân sách từ đất đai năm 2019 đạt khoảng 232,7 nghìn tỷ đồng, năm 2020 đạt 254,8 nghìn tỷ đồng, năm 2021 đạt hơn 172 nghìn tỷ đồng.

Tỷ lệ nguồn thu đất đai trong tổng thu ngân sách Nhà nước 3 năm trên lần lượt là 16,49%, 16,85%, và giảm xuống 15% vào năm 2021 khi thị trường bất động sản bắt đầu trì trệ.

Chia sẻ với Mekong ASEAN, Đại biểu Phan Đức Hiếu - Đoàn ĐBQH Tỉnh Thái Bình, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, nhiều địa phương đang nỗ lực đa dạng nguồn thu nhưng cũng cần tránh tâm lý tăng giá bất động sản để tăng thu. Phải nhìn nhận, giá đất cao bất thường không phải là điều đáng mừng, nó là nhược điểm của thị trường cần phải khắc phục.

Ngân sách bền vững, điểm tựa cho phục hồi và tăng trưởng ảnh 3

Cần phải cân bằng được tiền thu trực tiếp từ đất và giá trị gia tăng trên đất. Nếu chỉ tập trung vào thu từ cho thuê đất hay giao đất vô hình chung sẽ tạo gánh nặng cho chi phí đầu vào cho hoạt động sản xuất kinh doanh, cản trở cơ hội kinh doanh, không tạo được giá trị gia tăng - nguồn thu ổn định lâu dài từ thuế, lao động, sản xuất kinh doanh. Trong khi, tạo điều kiện để doanh nghiệp kinh doanh, tạo ra nguồn thu, giá trị gia tăng trên đất mới là mục đích lâu dài hướng đến.

Ông Phan Đức Hiếu, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội

Gốc rễ của chính sách tài khoá

Năm 2023, Quốc hội thông qua Nghị quyết dự toán ngân sách Nhà nước với tổng số thu ngân sách là 1.620.744 tỷ đồng; tổng số chi ngân sách là 2.076.244 tỷ đồng; mức bội chi ngân sách Nhà nước, bội chi ngân sách trung ương và bội chi ngân sách địa phương là 455.500 tỷ đồng; và tổng mức vay của ngân sách Nhà nước là 648.213 tỷ đồng.

Theo đó, tổng thu theo dự toán năm 2023 cao hơn tổng thu ước tính 1.614.100 tỷ đồng của năm 2022, nhưng với tốc độ tăng rất thấp, chưa được 0,41%. Theo Bộ Tài chính, trong bối cảnh có nhiều biến động, Chính phủ đã thảo luận kỹ và đưa ra mức dự toán thu như báo cáo trình Quốc hội. Đây là cách điều hành chủ động, chắc chắn, khả thi. Bởi nếu đưa dự toán cao hơn để phù hợp với tăng trưởng kinh tế mà không đạt, chúng ta sẽ loay hoay trong bài toán rất khó khăn về cân đối ngân sách.

Trong khi đó, tổng chi ngân sách 2023 dự kiến đạt 2,08 triệu tỷ đồng, tăng 16,3%, mức tăng khá cao so với thực hiện năm 2022. Đáng chú ý, xu hướng thay đổi cơ cấu chi tiêu theo hướng phù hợp hơn khi giảm tỷ trọng chi thường xuyên. Chi thường xuyên chiếm 56,5% tổng chi NSNN, tăng 5,4% so với dự toán năm 2022.

Điểm nổi bật năm 2023 là dự kiến cho chi đầu tư phát triển chiếm 35% tổng chi NSNN, tăng 2,4 điểm phần trăm và tăng 38,1% về giá trị so với dự toán năm 2022.

Việc một ngân khoản lớn được dành cho đầu tư phát triển cho thấy quyết tâm tập trung nguồn lực thúc đẩy sự thông suốt trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, thông suốt trong di chuyển lao động, dòng tiền, tạo lập nền tảng phục hồi nhanh và bắt đầu vào nhịp tăng tốc của quỹ đạo tăng trưởng mới của nền kinh tế.

Đặc biệt, khi dư địa chính sách tiền tệ gần như cạn kiệt, lãi suất đang ở mức rất cao, lạm phát năm tới dự báo vẫn tăng…là thời điểm nền kinh tế mong chờ vào “chiếc phao” tài khoá. Vậy, đâu là gốc rễ của chính sách tài khoá?

Trong một toạ đàm về Thuế cuối năm 2022, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, trong quá trình phát triển, chính sách về tài khóa rất quan trọng. Tuy nhiên, nói đến chính sách tài khoá, Việt Nam bàn nhiều đến thu thuế, thực tế, chi ngân sách hiệu quả mới là gốc rễ của chính sách này.

Ngân sách bền vững, điểm tựa cho phục hồi và tăng trưởng ảnh 4

Nếu chưa thiết lập chi hiệu quả và sử dụng nguồn thu ngân sách hiệu quả thì chưa nên tăng thu, thậm chí phải giảm mạnh thu để buộc phải chi tiêu hiệu quả. Chính sách tài khóa nên theo hướng nghịch chu kỳ, tăng thu ngân sách để dành chi những lúc khó khăn, thì dĩ nhiên, khi doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn, phải chi mạnh mẽ, phải đẩy vốn ra ngoài nền kinh tế thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.

TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)

Việt Nam xếp thứ 2 từ dưới lên về mức độ nộp thuế của doanh nghiệp, chỉ sau Malaysia. "Đây là điều rất đáng suy nghĩ vì làm triệt tiêu động lực kinh doanh của doanh nghiệp, suy giảm tích lũy về nguồn lực của họ cho đầu tư phát triển", ông Cung trăn trở.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Tòa nhà FLC Landmark Tower tại đường Lê Đức Thọ, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội. Ảnh: Minh Phong

FLC tiếp tục bị cưỡng chế thuế

CTCP Tập đoàn FLC (UPCoM: FLC) ngày 23/2 công bố các quyết định của Cục thuế TP Hà Nội về việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản.