Sáng 9/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật Việc làm (sửa đổi).
Khắc phục những tồn tại, hạn chế
Trình bày tờ trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, việc đề xuất xây dựng dự án Luật Việc làm (sửa đổi) là nhằm bảo đảm quyền làm việc, phát triển nguồn nhân lực theo quy định của Hiến pháp năm 2013; chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước về phát triển nguồn nhân lực, giải quyết việc làm, thị trường lao động, cải cách chính sách bảo hiểm thất nghiệp.
Bộ trưởng Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung. Ảnh: CTTĐT Quốc hội |
Đồng thời, dự án Luật bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, nhất là đối với các Luật mới được sửa đổi, bổ sung (Bộ luật Lao động 2019, Luật Cư trú 2020, Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020, Luật Bảo hiểm xã hội 2024…).
Cùng với đó, khắc phục những tồn tại, hạn chế về quy định của Luật Việc làm; đáp ứng yêu cầu về nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực việc làm, kịp thời ứng phó, thích ứng trong bối cảnh già hóa dân số, cách mạng công nghiệp 4.0, giải quyết các vấn đề liên quan việc làm bền vững, quản lý nguồn lao động.
Dự án Luật sửa đổi có 9 chương, 94 điều, giảm 36 điều so với dự thảo Luật kèm Tờ trình số 410/TTr-CP.
Mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, dự thảo Luật mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp, bao gồm người lao động có giao kết hợp đồng lao động xác định thời hạn từ một tháng trở lên (hiện nay từ 3 tháng trở lên); người làm việc không trọn thời gian, có tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất, đảm bảo thống nhất với Luật Bảo hiểm xã hội 2024.
Dự thảo Luật cũng quy định về việc sửa đổi mức đóng bảo hiểm thất nghiệp. Trong đó, người lao động đóng tối đa bằng 1% tiền lương tháng; người sử dụng lao động đóng tối đa bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và do ngân sách Trung ương bảo đảm…
Một điểm đáng lưu ý là quy định người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật; đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc không đúng quy định của Luật Viên chức sẽ không được hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Cụ thể, những trường hợp sẽ không được hưởng trợ cấp thất nghiệp gồm: người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật theo quy định Bộ luật Lao động; người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc không đúng quy định của Luật Viên chức; người lao động bị sa thải theo pháp luật về lao động hoặc bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc theo pháp luật về viên chức; người lao động hưởng lương hưu; người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu nhưng chưa hưởng lương hưu khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
Đề nghị đánh giá tác động của các quy định mới
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh. Ảnh: CTTĐT Quốc hội |
Thẩm tra dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Ủy ban Xã hội cơ bản nhất trí với sự cần thiết, mục tiêu và các quan điểm chỉ đạo xây dựng Dự án Luật Việc làm (sửa đổi) đã nêu tại tờ trình.
Tuy nhiên, thực hiện đổi mới tư duy trong công tác xây dựng pháp luật, Ủy ban đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát các quy định của dự thảo Luật chỉ quy định trong Luật những nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội, không luật hóa quy định thuộc thẩm quyền của Chính phủ, bộ, ngành.
Về nội dung bảo hiểm thất nghiệp, Chủ nhiệm Ủy ban cho biết Ủy ban Xã hội nhận thấy, việc mở rộng đối tượng như dự luật không phải là giải pháp duy nhất để đạt mục tiêu đến năm 2030 có khoảng 45% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp như xác định tại nghị quyết 28 về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, mà cần nhiều giải pháp đồng bộ như các giải pháp về truyền thông, thanh tra, kiểm tra...
Bên cạnh đó, một số quy định liên quan đến bảo hiểm thất nghiệp cần được cân nhắc, tính toán, làm rõ thêm như quy định về mức đóng bảo hiểm thất nghiệp tối đa 1% tiền lương tháng và quy định người lao động bị sa thải hoặc bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc không được hưởng trợ cấp thất nghiệp,
Do vậy, Ủy ban Xã hội đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục bổ sung đánh giá tác động của các quy định mới và có các giải pháp bảo đảm tính khả thi, khắc phục các hạn chế hiện nay trong tổ chức thực hiện.
Từ ngày 1/7, những đối tượng nào được tăng tiền lương lên 10 triệu đồng? Từ ngày 1/7 tới, sẽ có 2 đối tượng là viên chức giữ chức vụ lãnh đạo và viên chức không giữ chức danh lãnh đạo, sẽ được tăng tiền lương lên 10 triệu đồng. |
Dự kiến mức lương thấp nhất của công chức không dưới 5 triệu đồng Bộ Nội vụ đề xuất khi cải cách tiền lương, những người có mức lương thấp nhất cũng không thấp hơn 5 triệu đồng. |
Yếu tố hỗ trợ thị trường lao động phục hồi nửa cuối năm 2024 Với dữ liệu vĩ mô tích cực trong tháng 6, các chuyên gia từ VietCap kỳ vọng đà phục hồi hiện tại của hoạt động thương mại và sản xuất sẽ tiếp tục hỗ trợ thị trường lao động trong nửa cuối năm 2024. |
Người bị thu hồi đất được hỗ trợ đào tạo nghề, đi làm việc ở nước ngoài Người có đất thu hồi sẽ được hưởng 4 chính sách hỗ trợ: Đào tạo nghề; giải quyết việc làm trong nước; đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. |