Chị đã tạo nên thương hiệu Áo dài La Sen Vũ và tập trung khai thác những hình ảnh đậm chất Việt, đặc biệt là những nét đẹp văn hoá, di sản để dệt nên những họa tiết trên tà áo dài, tôn vinh những nét đặc trưng văn hóa của Việt Nam.
Xuất phát từ niềm yêu thích áo dài, say mê với áo dài Việt Nam cùng những giá trị văn hóa truyền thống, chị Lan Anh kể rằng, đam mê lớn nhất của chị là được chính tay tạo ra những tác phẩm nghệ thuật mà ở đó những nét văn hóa dân tộc được giữ vẹn nguyên.
“Từ trước đến nay, tôi rất thích tìm hiểu về nền văn hóa truyền thống cũng như các dòng tranh tập tục dân gian của nước nhà như tranh Đông hồ, Hàng Trống, tập tục cây nêu ngày Tết, hình ảnh gói bánh chưng, đình làng, cảnh sinh hoạt làng quê cho đến hình tượng hoa lá trong tranh điêu khắc dân gian hay tứ linh (long-ly-quy-phượng), họa tiết hoa sen, hoa cúc đậm chất Á đông…”, NTK Vũ Lan Anh chia sẻ.
Chị cho rằng, còn gì đẹp hơn khi những hình ảnh đó lại được xuất hiện ngay trên những bộ trang phục truyền thống của Việt Nam, nơi mà mọi người có thể nhìn thấy rõ nét nhất không chỉ vẻ đẹp của văn hoá mà còn là nét đẹp di sản lâu đời, “nên mọi người có thể thấy các hình ảnh bình dị nhưng vô cùng tươi đẹp, được cách điệu xuất hiện xuyên suốt trong các thiết kế của La Sen Vũ”.
Nói về sản phẩm mà bản thân tâm đắc, chị Lan Anh chia sẻ, mỗi bộ sưu tập được ra mắt, bản thân đều tự hào vì những thành quả đã đạt được. Gần đây nhất, BST” Hoa cúc và mặt trời Đại Việt” La Sen Vũ vừa trình làng trong khuôn khổ chương trình Tuần lễ thời trang Vietnam International Fashion Week 2022 vào ngày 26/11/2022, với hình ảnh hoa cúc làm chủ đạo, kết hợp với những hình ảnh rồng phượng, điểm xuyết thêm những đường nét nhẹ nhàng của hoa văn vốn có đã để lại giá trị nghệ thuật sâu sắc.
“Hoa cúc và mặt trời Đại Việt” là gợi nhớ đến hình ảnh hoa cúc đã được xem là biểu tượng của mặt trời, của sự thịnh vượng trong sự tương đồng văn hóa Việt Nam và các nước châu Á. Hình tượng hoa cúc xuất hiện nhiều trong các tác phẩm điêu khắc trên trống đồng Đông Sơn, trống đồng và đĩa vàng thời Lý, trên đồng tiền cổ, hay như trên mũ hoặc ngai vàng các triều đại vua chúa.
Dù là dùng thủ pháp nghệ thuật nào để tạo nên những chiếc áo dài thì điều cốt lõi mà NTK muốn hướng đến, muốn truyền tải là sự bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống.
Mỗi năm, La Sen Vũ luôn cố gắng “thay đổi diện mạo” một lần để phù hợp với những BST của mùa Xuân. Đặc biệt khi mà nhiều năm trở lại đây, việc mọi người mặc áo dài nhân dịp đầu năm mới, đi chúc Tết, đi Lễ đầu năm ngày càng phổ biến.
Nắm bắt được xu thế đó, NTK Vũ Lan Anh đã liên tục bận rộn cho ra mắt những sản phẩm áo dài đặc biệt với số lượng hạn chế để tôn vinh vẻ đẹp 12 con giáp. Ví như BST” Kim sắc niên hoa” với hình ảnh đặc trưng là con trâu trong tranh Đông Hồ - BST chào đón tết năm Tân Sửu 2021, hình ảnh trâu trong tranh Đông Hồ đã rất quen thuộc nhưng được thổi vào một màu sắc mới, có thiết kế vẽ theo mảng miếng màu sắc hiện đại, có mẫu thiết kế lại là những nét vẽ mềm mại, kết hợp cùng chất liệu tơ mềm bay bổng.
Hay năm 2022, NTK La Sen Vũ lựa chọn những gam màu nóng cho các thiết kế đầu năm như đỏ, nâu đất, hồng, vàng đất. Đây không chỉ là tông màu chính của giấy vẽ trong dòng tranh Kim Hoàng xoay quanh trẻ em, gia súc, những sinh hoạt hằng ngày của người nông dân hay hình ảnh “con trâu là đầu cơ nghiệp” mà chị muốn truyền tải, mà còn là sắc màu tôn vinh không gian ngày Tết ở Việt Nam.
Đối với năm 2023, vẫn là những cách tạo hoa văn màu sắc đã sử dụng trước đó như hình ảnh graffiti (nghệ thuật thị giác), mosaic (nghệ thuật màu sắc) trừu tượng nhưng sẽ được làm với một thủ pháp khác, tạo điểm nhấn khác biệt. NTK Vũ Lan Anh cho biết, hình ảnh loài mèo cũng có rất nhiều tài liệu khai thác mang tính truyền thống như hình ảnh mèo trong tranh Đông hồ “ Đám cưới chuột”, hay mèo trong những câu ca dao “ Con mèo mà trèo cây cau”...Đó là những yếu tố để khai thác nguồn cảm hứng khi thiết kế và tạo nên hiệu ứng độc đáo khác lạ.
Bên cạnh biểu tượng con giáp của năm, trong năm nay, La Sen Vũ cũng đưa hình ảnh cây nêu ngày Tết vào tà áo dài của mình. Cây nêu bên cạnh ý nghĩa là xua đuổi tà ma thì còn mang ý nghĩa cầu mong một năm mới suôn sẻ, mùa màng tươi tốt, quốc thái dân an.
Miss Global Vietnam 2022 Đoàn Lê Hồng Trang trong tà áo dài in hình cây nêu ngày Tết nằm trong BST mới nhất của NTK Vũ Lan Anh |
Nói thêm về nguồn cảm hứng cũng như quá trình thực hiện BST, NTK La Sen Vũ bày tỏ, với La Sen Vũ, không có giới hạn nào tạo nên khuôn khổ khô cứng trong thiết kế.
“Tôi không giới hạn mình về chất liệu, về màu sắc, hay họa tiết, tôi dùng tất cả những yếu tố đó để hòa quyện vào nhau tạo nên một chất riêng. Để khi người khác nhìn thấy một mẫu thiết kế thì nhận ra ngay đó là của La Sen Vũ, chất của La Sen Vũ”.
Với con đường sáng tạo nghệ thuật lâu dài, La Sen Vũ vẫn ấp ủ những dự định khác phát triển hơn trong tương lai. Mặc dù có tìm đến những cách khai thác mới mẻ hơn, những cách thể hiện khác độc đáo hơn thì đến cuối cùng, La Sen Vũ vẫn hướng đến giá trị cốt lõi - giá trị truyền thống trong những thiết kế của mình.
NTK Vũ Lan Anh trong tà áo dài thiết kế theo con giáp năm 2023 - Tết Quý Mão |
Đa dạng hóa thiết kế, đôi khi khiến cho những thiết kế của La Sen Vũ phải tìm được nét riêng, thật đặc sắc thì mới tạo được dấu ấn, điểm nhấn riêng mà không bị trùng lặp với bất cứ NTK nào khác. "Tôi nghĩ đó là một thách thức trong sáng tạo thiết kế. Bản thân phải luôn trăn trở khi mình làm một chủ đề mà người khác đã làm rồi, mình phải đi theo hướng đặc biệt khác chứ không giống bất cứ một NTK nào đã làm trước đó", chị Lan Anh chia sẻ.
Ngay cả trong chính những thiết kế của La Sen Vũ, những hình ảnh hoa văn truyền thống được dùng lại nhiều lần, nhưng phải làm sao để mỗi thiết kế lại phải tìm cách thể hiện màu sắc khác nhau để không bị nhàm chán, đó chính là cái khó và cũng là thử thách mà mỗi nhà thiết kế đều muốn vượt qua.
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, chiếc áo dài truyền thống của dân tộc Việt Nam từ trước đến nay đã trải qua rất nhiều thời kì phát triển, ở mỗi thời kì đều có một nét đặc trưng riêng biệt. Có thể kể đến áo giao lĩnh (xuất hiện vào khoảng năm 1774); áo dài tứ thân (thế kỷ 17); áo dài ngũ thân (thời Vua Gia Long); áo dài Lemur cải biến từ áo ngũ thân do họa sĩ Cát Tường sáng tạo vào năm 1939; áo dài Raglan, xuất hiện vào năm 1960. Và kể từ năm 1970 tới nay, áo dài được nhiều lần cách tân, ngày một đẹp hơn.
Trong dòng chảy thời gian, tà áo dài truyền thống được người Việt bảo tồn, phát huy qua nhiều thời kỳ để trao truyền lại cho thế hệ nối tiếp và trong tiềm thức của mỗi người, áo dài chính là niềm tự hào không chỉ với người Việt Nam mà còn với cả bạn bè quốc tế.