Australia và Việt Nam khởi động dự án hợp tác giám sát chất lượng nước bằng hệ thống công nghệ AquaWatch hỗ trợ ngành nuôi trồng thủy sản. Ảnh: CSIRO |
Thông qua việc cải thiện phương pháp quản lý chất lượng nguồn nước, dự án kỳ vọng sẽ cung cấp dữ liệu và dự báo thời gian thực giúp người dân nuôi tôm tại An Lão (Hải Phòng) bảo vệ đàn tôm.
Hệ thống công nghệ AquaWatch được thiết kế và xây dựng để giám sát chất lượng nước bằng dữ liệu thời gian thực và phân tích dự đoán. Hệ thống sẽ sử dụng mạng lưới các vệ tinh quan sát trái đất và cảm biến nước trên mặt đất để giám sát chất lượng nguồn nước tại chỗ và ven biển.
Dữ liệu từ cả cảm biến nước tại chỗ và cảm biến trên vệ tinh sau đó sẽ được tích hợp tại một trung tâm dữ liệu, nơi khả năng phân tích dữ liệu và mô hình dự đoán của CSIRO có thể cung cấp dự báo những vấn đề của nguồn nước trước vài ngày.
Tiến sĩ Alex Held, Giám đốc chương trình AquaWatch Australia cho biết: “Hệ thống này giúp người dân nuôi tôm dự đoán được các thách thức như hiện tượng tảo nở hoa và mất cân bằng dinh dưỡng. Hệ thống có thể phát hiện những thay đổi nhỏ trong màu sắc nước, dấu hiệu cho thấy các vấn đề về chất lượng nước như tảo nở hoa, hiện tượng quá tải bùn đất trong đầm, và ô nhiễm xả thải từ đầm tôm”.
Theo Giám đốc chương trình AquaWatch Australia, ngành nuôi trồng thủy sản của Việt Nam đóng góp đáng kể vào nền kinh tế quốc gia, nhưng các vấn đề về chất lượng nước có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho người nông dân. AquaWatch mang đến dữ liệu đáng tin cậy và kịp thời để giúp họ đưa ra quyết định nhằm giảm thiểu các rủi ro này.
Tiến sĩ Nguyễn Duy Duy, nhà khoa học AquaWatch tại CSIRO. |
TS. Nguyễn Duy Duy, nhà khoa học AquaWatch tại CSIRO, cho biết hệ thống thử nghiệm mang tính tiên phong này giúp Việt Nam tiếp cận với một hệ thống giám sát nước tích hợp và hiện đại, kết hợp dữ liệu vệ tinh, đo lường từ cảm biến trên bề mặt và trong cột nước, và dự báo dựa trên mô hình học máy AI.
“Thí điểm tại Hải Phòng đóng vai trò quan trọng trong việc hiệu chỉnh công nghệ phù hợp với điều kiện địa phương và đặt nền móng cho việc mở rộng AquaWatch sang các hệ thống nguồn nước khác tại Việt Nam.
Với các bản cập nhật và dự báo chất lượng nước thường xuyên, người nuôi tôm có thể quản lý tốt hơn lịch trình cho ăn, điều chỉnh mực nước, thay nước, hiệu chỉnh các chỉ số chất lượng nước, và ứng phó với các sự kiện cực đoan như tảo nở hoa. Điều này có thể dẫn đến các vụ mùa hiệu quả hơn và giảm tác động đến môi trường”, TS. Duy nói.
Các chuyên gia, nhà nghiên cứu Việt Nam dự án AquaWatch thử nghiệm thiết bị tại đầm tôm An Lão, Hải Phòng. |
Đầm tôm thí điểm được lựa chọn ở Hải Phòng là sự hợp tác giữa CSIRO, Trường Đại học Mỏ - Địa chất Hà Nội và Trung tâm Quy hoạch và điều tra tài nguyên nước quốc gia Việt Nam (NAWAPI). Đây là địa điểm đầu tiên ở Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung thử nghiệm AquaWatch cho ngành nuôi trồng thủy sản trong đất liền, cung cấp những hiểu biết có giá trị cho khả năng ứng dụng rộng rãi đa ngành hơn sau này.
Quan hệ đối tác này không chỉ mang công nghệ tiên tiến đến Việt Nam mà còn nâng cao năng lực của quốc gia trong việc nuôi trồng thủy sản bền vững. Địa điểm AquaWatch tại Việt Nam tham gia vào mạng lưới các địa điểm thí điểm toàn cầu khác của AquaWatch tại Australia, Chile, Malaysia, Ý, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ.
Dữ liệu mà hệ thống cung cấp sẽ rất quan trọng để giúp các nhà quản lý môi trường cải thiện kết quả cho môi trường tự nhiên và đa dạng sinh học dưới nước, bao gồm cả sau các thiên tai như cháy rừng và lũ lụt.
Hệ thống sẽ tăng cường khả năng phục hồi của các cộng đồng phụ thuộc vào nước để uống, vệ sinh và nông nghiệp khi họ phải đối mặt với áp lực khí hậu ngày càng tăng và thời tiết khắc nghiệt.
Dữ liệu cũng sẽ nâng cao quản lý, lập kế hoạch và chính sách về tài nguyên nước công nghiệp và thương mại. Đồng thời, hỗ trợ các cộng đồng quản lý tốt hơn tác động của các sự kiện chất lượng nước độc hại đối với sức khỏe con người và động vật.
Hệ thống cũng sẽ hỗ trợ giám sát và quản lý các hệ sinh thái dưới nước và giảm tác động kinh tế đối với các ngành công nghiệp dựa vào môi trường biển an toàn, lành mạnh, chẳng hạn như nuôi trồng thủy sản, đánh bắt cá, du lịch và giải trí. Lợi ích mở rộng đến các khu vực ven biển với khả năng giám sát các vịnh, vùng đất ngập nước ven biển, nuôi trồng thủy sản, rừng ngập mặn, rạn san hô...