Cổ phiếu PAN thuộc nhóm lương thực, thực phẩm. |
VN-Index hôm nay giao dịch giằng co quanh ngưỡng tham chiếu, kết phiên ở mốc 1.248,40 điểm, giảm 1,2 điểm so với kết phiên hôm qua. HNX-Index cũng giảm 1,5 điểm còn UPCoM tăng 0,15 điểm. Thanh khoản có cải thiện hơn phiên hôm qua nhưng vẫn ở mức thấp là 13.473 tỷ đồng.
Khối ngoại sau 2 phiên mua ròng đã quay trở lại bán ròng gần 270 tỷ đồng trong tổng số hơn 2.100 tỷ đồng giao dịch. DGC và PVD là hai mã được mua vào nhiều nhất với giá trị hơn 70 tỷ đồng. HPG, CTG, DBC, NLG… cũng là những mã được mua ròng. Ngược lại, SSI dẫn đầu chiều bán ròng với hơn 105 tỷ đồng. Tiếp sau là VCI, DXG, VND, STB, KBC, DPM…
Nếu như phiên hôm qua, VHM là “công thần” giúp giữ chỉ số thì hôm nay lại là mã ảnh hưởng tiêu cực nhất đến VN-Index, với tỷ lệ -1,1%. Trong nhóm vốn hóa lớn còn có PDR cũng giảm mạnh 3,4%, SAB giảm 2,1%, VRE giảm 1,4%... Chiều tăng có CTG, GAS, GVR, HDB, MWG, POW… nhưng không có mã nào vượt trội đủ để cân bằng với các mã giảm. Kết phiên, chỉ số VN30 giảm 3,12 điểm.
Trong các nhóm ngành thì dầu khí vẫn thể hiện “sức khỏe” tốt khi tiếp tục có phiên tăng điểm. PVB tăng trần, PVD tăng 5%, PVC và POS tăng hơn 3%, PVS tăng 2,2%... Cổ phiếu dầu khí đang không đồng pha với giá dầu như thường lệ.
Giá dầu đang giao dịch ở mức thấp nhất kể từ tháng 1/2022 tới nay. Cụ thể, giá dầu tại thị trường tương lai Mỹ đã giảm khoảng 35 USD/thùng trong 3 tháng qua, giảm mạnh so với mức đỉnh trên 122 USD/thùng cách đây 3 tháng. Giá dầu WTI đang giao dịch ở khoảng hơn 86 USD/thùng, trong khi dầu thô Brent - loại tiêu chuẩn cho các thị trường quốc tế giao dịch ở trên 90 USD/thùng.
Các chỉ số thị trường phiên 13/9. |
Giới chuyên gia và các nhà giao dịch nhận định, có nhiều yếu tố khó đoán định khiến thị trường lo ngại về nhu cầu với năng lượng, tạo áp lực giảm lên giá dầu. Trong đó có việc không thể đoán trước Trung Quốc sẽ tiếp tục chính sách zero-Covid tới thời điểm nào, hay lượng dầu từ Nga diễn biến ra sao…
Các chiến lược gia tại Bank of American cho biết, giá dầu có thể dao động tăng/giảm khoảng 20 USD mỗi chiều trong vài tháng tới, bởi có quá nhiều yếu tố bất định có thể xảy tới trong mùa đông 2022.
Nhóm lương thực, thực phẩm hút tiền
Nhóm các cổ phiếu liên quan đến lương thực, thực phẩm như thủy sản, nông sản cũng có phiên giao dịch tích cực. IDI dẫn đầu nhóm thủy sản (+4,72%), VHC, FMC, CMX… cũng ở chiều tăng giá. Ở nhóm nông sản, PAN của Tập đoàn PAN gây chú ý khi giao dịch sôi động. Có thời điểm, mã này đã tăng kịch trần, kết phiên ở mức +6,2%.
PAN giao dịch tích cực khi có thông tin ước kết quả kinh doanh quý 3 với doanh thu thuần đạt 3.643 tỷ đồng, tăng 43% so với cùng kỳ năm trước và lợi nhuận sau thuế 140 tỷ đồng, tăng tới 92%.
Đà tăng của PAN cũng có ảnh hưởng tích cực chung đến nhóm cổ phiếu thực phẩm, đồ uống, nông nghiệp với khá nhiều cổ phiếu trong nhóm như ASM, DBC, TLG, HAG, BAF… đều tăng giá.
Sau khi Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo vào cuối tuần trước, thị trường giá cả nông sản dậy sóng. Giới đầu tư cũng quan tâm sâu đến diễn biến cổ phiếu gạo với kỳ vọng đón được sóng từ sự kiện này.
Ấn Độ chiếm 40% tỷ trọng trong ngành thương mại gạo toàn cầu. Còn Việt Nam là một trong hai quốc gia đang thường xuyên "so găng" ở vị trí số 2. Khi "số 1" là Ấn Độ quyết định cấm xuất khẩu gạo thì có nghĩa, cơ hội gia tăng xuất khẩu cũng như giá xuất khẩu tăng lên sẽ thuộc về các quốc gia khác đang xuất khẩu nhiều gạo, trong đó có Việt Nam.
Ngoài các nhóm trên, nhóm xây dựng, điện, nhựa – hóa chất, công nghệ thông tin cũng ở chiều tăng nhẹ. Ngược lại, bộ tứ “bank-chứng-thép-bất động sản” vẫn giao dịch tiêu cực. Đây là các nhóm trụ cột của thị trường, nếu không có sự bứt phá sẽ rất khó để giúp chỉ số VN-Index đi lên.