Nhận diện những điểm nghẽn của các doanh nghiệp Nhà nước

Nhận diện những điểm nghẽn của các doanh nghiệp Nhà nước

DOANH NGHIỆP Việt nAM
16:29 - 26/03/2022

Báo cáo tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc với doanh nghiệp nhà nước (DNNN) về "Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động nhằm huy động nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội", Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho hay, doanh nghiệp Nhà nước đang nắm giữ nguồn lực lớn về vốn, tài sản, công nghệ, nhân lực chất lượng cao; có doanh thu và đóng góp đáng kể vào thu ngân sách Nhà nước.

Theo tính toán, tổng tài sản của doanh nghiệp Nhà nước hiện là 4 triệu tỷ đồng, mỗi doanh nghiệp có quy mô tài sản bình quân khoảng 4.100 tỷ đồng, cao gấp 10 lần doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và gấp 109 lần doanh nghiệp tư nhân trong nước.

Tuy nhiên, theo bộ trưởng, những kết quả mà doanh nghiệp Nhà nước đạt được vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, chưa có vai trò dẫn dắt, tạo động lực đối với nền kinh tế.

Dẫn chứng là những năm gần đây, doanh nghiệp Nhà nước chưa có các dự án đầu tư quy mô đủ lớn tạo động lực bứt phá, sức lan tỏa, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam. Khu vực này không chỉ tiếp tục có xu hướng giảm dần quy mô và tỷ lệ đóng góp, mà còn có chỉ số nợ cao nhất.

Đáng chú ý, giai đoạn 2016-2020 vừa qua, rất ít dự án, công trình mới có quy mô lớn của doanh nghiệp Nhà nước được khởi công, mà chỉ tiếp tục thực hiện các dự án dở dang hoặc xử lý các dự án không hiệu quả từ giai đoạn trước. Việc không tạo ra được năng lực tăng thêm này sẽ dẫn đến trong 5 năm tới, đóng góp của doanh nghiệp Nhà nước đối với nền kinh tế sẽ rất hạn chế, khi tỉ trọng đóng góp hiện nay của khối này vào GDP mới chỉ khoảng 29%.

Bày tỏ là đơn vị lớn nhất ở khâu hạ nguồn phân phối xăng dầu, giữ vai trò chủ đạo trong bình ổn thị trường xăng dầu, Petrolimex khẳng định mặc dù chỉ chiếm thị phần gần 50% tổng nhu cầu xăng dầu cả nước nhưng có nhiều thời điểm lượng bán ra lên tới 70-80% nhu cầu thị trường.

Với lợi thế sở hữu hơn 2.600 cửa hàng xăng dầu, chiếm chưa đến 20% tổng số cây xăng trên cả nước. Petrolimex kiến nghị Thủ tướng Chính phủ dành 50% vị trí quy hoạch cửa hàng xăng dầu trên tất cả đường cao tốc đang đầu tư bằng nguồn vốn của Nhà nước hoặc nguồn vốn của DNNN để chỉ định cho Petrolimex đầu tư, với giá tương đương giá đấu giá của thị trường.

Về cơ chế chính sách, Petrolimex kiến nghị các cơ quan ban ngành bắt buộc doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu phải áp dụng hóa đơn điện tử có kết nối với cột bơm xăng dầu tới trung tâm dữ liệu Quốc gia của cơ quan thuế. Việc này nhằm chống buôn lậu, gian lận thương mại, chống thất thu thuế trong thị trường xăng dầu, qua đó tạo môi trường kinh doanh xăng dầu minh bạch, bình đẳng, tuân thủ quy định pháp luật.

Chia sẻ với những trăn trở của Chính phủ, đại diện hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines cho hay, tính riêng 3 tháng đầu năm 2022, hãng đã phục hồi 80% đối với thị trường nội địa, nhưng quốc tế chỉ hồi phục được 4% so với trước đại dịch. Do đó, thời gian tới vẫn thiếu khách và khó khăn vẫn tiếp tục kéo dài.

Đại diện Vietnam Airlines cũng kiến nghị hỗ trợ doanh nghiệp có 86% vốn nhà nước này bằng cách các bộ ngành địa phương sử dụng sản phẩm của Vietnam Airlines đi kèm chất lượng đảm bảo. Đồng thời rà soát bổ sung hệ thống pháp luật cơ chế chính sách về doanh nghiệp nhà nước, để doanh nghiệp có thể tăng vốn và thoái vốn khắc phục những ảnh hưởng quá lớn từ đại dịch.

Vietnam Airlines cũng cho biết, do chi phí xăng dầu tăng, hãng dự tính chi phí sẽ tăng mức 5.000 - 7.000 tỷ đồng, do đó kiến nghị miễn thuế xăng dầu cũng như có chính sách về giá vé để doanh nghiệp phục hồi.

Cùng với đó, Vietnam Airlines kiến nghị Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng phê duyệt phương án miễn 100% thuế môi trường với nhiên liệu hàng không trong năm 2022. Nếu được áp dụng chính sách này, riêng Vietnam Airlines sẽ tiết giảm thêm được 600 tỷ đồng.

Theo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Luật Dầu khí, Luật quản lý vốn nhà nước và các điều kiện hiện hành không còn phù hợp, kém hấp dẫn. Trong suốt 5 năm qua, PVN chỉ ký được 3 hợp đồng dầu khí mới.

Bên cạnh đó, đại diện doanh nghiệp cũng kiến nghị cần thực hiện quyết liệt đề án tái cơ cấu mới đây, trong đó chú trọng hoàn thành sắp xếp DNNN trong lĩnh vực then chốt, lĩnh vực mà các thành phần kinh tế khác không đầu tư.

Ngoài ra, PVN đề nghị Chính phủ nghiên cứu ban hành cơ chế chính sách tiền lương, giao quyền chủ động về chính sách tiền lương cho doanh nghiệp, để “giữ chân” nhân lực chất lượng. Cùng với đó, đề xuất hoàn thiện chính sách pháp luật, trong đó, ban hành Luật Dầu khí sửa đổi, liên quan hoạt động dầu khí, ban hành cơ chế thăm dò, khai thác dầu khí.

Đặc biệt, doanh nghiệp đề xuất có Ban chỉ đạo quốc gia do một Phó Thủ tướng đứng đầu giải quyết vấn đề tại các dự án trọng điểm chậm tiến độ, dự án có liên kết nhiều nhà đầu tư dầu khí, điện lực như dự án mỏ khí Cá Voi Xanh, dự án khí lô B…nhằm rút ngắn thời gian thực hiện các dự án.

Theo ngân hàng Vietcombank, quy mô vốn điều lệ, hệ số an toàn vốn của các ngân hàng thương mại nhà nước hiện còn ở mức rất khiêm tốn so với nhu cầu phát triển cũng như chuẩn mực quốc tế. Hiện nay, tổng vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại nhà nước chỉ còn chiếm 23,6% vốn điều lệ toàn hệ thống ngân hàng.

Vietcombank lập luận, hạn chế về vốn dẫn đến hạn chế năng lực của các ngân hàng thương mại nhà nước trong việc mở rộng kinh doanh, cung ứng vốn cho nền kinh tế, giảm sút thị phần huy động vốn (từ trên 52% năm 2018 xuống 48% năm 2021) và tín dụng (từ trên 50% năm 2018 xuống 46% năm2021), đồng thời có nguy cơ làm suy yếu vai trò chủ đạo, dẫn dắt thị trường của các ngân hàng thương mại nhà nước.

Ngoài ra, Vietcombank còn kiến nghị Chính phủ cho phép các ngân hàng thương mại nhà nước được chủ động về qui mô tăng trưởng tín dụng hàng năm, trên cơ sở đáp ứng qui định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động, trong đó đặc biệt ưu tiên tham gia vào việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém. Điều này sẽ giúp các ngân hàng thương mại nhà nước giữ vững được vai trò dẫn dắt trong ngành ngân hàng, tạo điều kiện thuận lợi để đầu tư cho các dự án trọng điểm của quốc gia.

Đại diện MobiFone cho biết, tập đoàn đang tập trung triển khai chuyển đổi số sâu, rộng theo lộ trình chuyển đổi từ doanh nghiệp khai thác viễn thông truyền thống sang doanh nghiệp số, tạo động lực cho sự phát triển các lĩnh vực kinh doanh-kỹ thuật-đầu tư.

Do vậy, Tổng công ty đề xuất được áp dụng cơ chế lương và lao động đặc thù cho lĩnh vực công nghệ thông tin và sản phẩm, dịch vụ mới, trong đó quỹ tiền lương kế hoạch của người lao động được tính toán trên cơ sở loại trừ yếu tố khách quan ảnh hưởng làm giảm năng suất lao động và lợi nhuận khi MobiFone mở rộng sản xuất kinh doanh.

Chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp Nhà nước, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho hay, trong thời gian tới, cần tiếp tục hoàn thiện đồng bộ pháp luật, cơ chế chính sách đảm bảo hiệu quả, hiệu lực để “cởi trói” DNNN. Qua đó phát huy được lợi thế, khắc phục hạn chế, tận dụng cơ hội phát triển, hiện thực hóa vai trò, vị trí của DNNN trong nền kinh tế.

Trong đó có 8 nhóm giải pháp được đề xuất như sau:

Thứ nhất, nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn tới là tăng đầu tư, tăng đổi mới sáng tạo và áp dụng khoa học công nghệ, nâng cao hiệu quả hoạt động, để DNNN thực hiện vị trí, vai trò mở đường, dẫn dắt; cùng với khu vực tư nhân trong nước xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, có sức chống chịu tốt, hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia hùng cường, thịnh vượng vào năm 2045 như Đại hội XIII đã xác định.

Thứ hai, cần gắn phát triển DNNN với thực hiện chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực của nền kinh tế. Xác định rõ ngành, lĩnh vực then chốt cần có sự hiện diện của DNNN phù hợp với định hướng phát triển bền vững của đất nước (như năng lượng tái tạo, công nghiệp công nghệ 8 cao, kết cấu hạ tầng quan trọng của quốc gia…). Khuyến khích các DNNN chuyển đổi mô hình phát triển hướng tới sử dụng năng lượng sạch, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững, bao trùm và nhân văn theo cam kết của Việt Nam tại Hội nghị Cop 26.

Thứ ba, cần thay đổi nhận thức, quan điểm về cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư nhà nước tại doanh nghiệp. Mục tiêu của cổ phần hóa, thoái vốn không phải là rút vốn nhà nước ra khỏi DNNN, thu hẹp phạm vi, quy mô của khu vực DNNN, mà tái cơ cấu lại danh mục đầu tư, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả và giá trị đầu tư của nhà nước tại doanh nghiệp nói chung và của từng DNNN nói riêng.

Thứ tư, xây dựng và phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia đồng bộ về DNNN, tài sản nhà nước để đánh giá, theo dõi và giám sát; qua đó, có định hướng phù hợp nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của DNNN. Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong quản lý thông tin về doanh nghiệp nhà nước trên nguyên tắc đo lường được, khách quan, kịp thời và minh bạch, nhằm tăng cường giám sát hoạt động của DNNN tức thời, phát hiện sớm các rủi ro, ngăn ngừa sai phạm, thất thoát, lãng phí.

Thứ năm, các Bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là Ủy ban Quản lý Vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cần phải thay đổi cách thức làm việc, chủ động thực hiện đầy đủ và hiệu lực các quyền chủ sở hữu tại doanh nghiệp theo quy định pháp luật và thông lệ quốc tế; không can thiệp vào quá trình điều hành, quản trị kinh doanh tại doanh nghiệp.

Thứ sáu, hoàn thiện công tác quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước thông qua việc phân công một Bộ làm đầu mối quản lý nhà nước, thực hiện giám sát hoạt động của cơ quan đại diện chủ sở hữu, xây dựng định hướng phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước.

Thứ bảy, xây dựng cơ chế giám sát và nâng cao hiệu quả giám sát hơn theo các phương thức: Đánh giá hiệu quả hoạt động/đầu tư theo chỉ tiêu tài chính tổng thể, không đi theo từng dự án/hoạt động cụ thể; Nâng cao trách nhiệm giải trình của DNNN trước cơ quan đại diện chủ sở hữu, Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp.

Thứ tám, nghiên cứu cơ chế, chính sách tiền lương gắn với năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là đối với quản lý cấp cao của doanh nghiệp.

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao các ý kiến tại hội nghị, từ đó cho thấy những "trăn trở" đối với sự phát triển của doanh nghiệp nhà nước.

Thủ tướng cũng nhìn nhận, thể chế và cơ chế chính sách còn vướng mắc, cần được tháo gỡ. Nỗ lực của các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc thúc đẩy, củng cố vai trò, vị trí, tầm quan trọng của doanh nghiệp nhà nước chưa cao, chưa toàn diện, đồng bộ, liên tục. Việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, môi trường pháp lý, hệ sinh thái vẫn còn nhiều vấn đề phải suy nghĩ, còn bất cập, cần giải quyết.

Từ đó, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần: “Chung tay xây dựng hệ sinh thái phát triển doanh nghiệp, môi trường lành mạnh, cạnh tranh, bình đẳng, trách nhiệm, nghĩa tình, nhân văn và không tham nhũng; phát triển doanh nghiệp phù hợp với định hướng kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Nnhiệm vụ này cả Chính phủ, doanh nghiệp, bộ, ngành, địa phương và từng cá nhân cần phải chung tay”.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh, doanh nghiệp nhà nước phải đóng vai trò tiên phong trong đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học công nghệ và thể hiện vai trò dẫn dắt trong nền kinh tế, góp phần vào xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, văn hóa doanh nghiệp, đạo đức kinh doanh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động.

Đọc tiếp