Nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc tìm cách đến với thị trường Việt Nam

Nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc tìm cách đến với thị trường Việt Nam

HÀN QUỐC aT Vietnam
22:14 - 13/04/2023
Thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc liên tục phát triển trong những năm qua. Một trong những thuận lợi rất lớn là cơ cấu xuất nhập khẩu của hai nước bổ sung cho nhau và ít có sự cạnh tranh trực tiếp.

Ông Park Mincheol – Giám đốc Tổng Công ty nhà nước Phân phối Nông thủy sản và Thực phẩm Hàn Quốc (aT) khu vực Asean cho biết, Việt Nam là thị trường lớn thứ tư của Hàn Quốc về xuất khẩu nông sản và thực phẩm. Với tiềm năng tăng trưởng lớn và thị trường rộng mở, nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc ngày càng quan tâm và tìm cách đến với thị trường Việt Nam.

Mekong ASEAN: Ông nhận định thế nào về cơ hội mở rộng khai thác thị trường hai nước cho doanh nghiệp Hàn Quốc và Việt Nam?

Ông Park Mincheol: Quy mô nền kinh tế Việt Nam hết năm 2022 đạt khoảng 409 tỷ USD, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 732 tỷ USD và thuộc nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế. Việt Nam đã ký kết 15 hiệp định thương mại tự do với trên 60 nước, vùng lãnh thổ trong đó có những thị trường lớn nhất trên thế giới và ngày càng đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, các chuỗi cung ứng.

Chúng tôi rất coi trọng thị trường Việt Nam, có thể nói là coi trọng nhất trong khối các nước Asean.

Hàn Quốc hiện đang là đối tác đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam với hơn 9.500 dự án, trên 80 tỷ USD. Nhiều tập đoàn lớn của Hàn Quốc như Samsung, LG, SK, Lotte... đã triển khai các dự án đầu tư quy mô lớn tại Việt Nam, các dự án đầu tư của Hàn Quốc đã có sự thay đổi mạnh mẽ từ các lĩnh vực gia công đơn thuần sang các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng cao.

Thương mại 2 chiều của Hàn Quốc với Việt Nam được củng cố những năm gần đây bởi nhiều yếu tố, với 3 FTA song phương và đa phương đang có hiệu lực, gia tăng cơ hội tận dụng ưu đãi thuế quan cho doanh nghiệp 2 nước.

Đó là lý do, ngày càng nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc quan tâm tìm hiểu và kết nối tới thị trường Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam là thị trường lớn thứ tư của Hàn Quốc về xuất khẩu nông sản và thực phẩm, tăng 17% so với năm 2021, trong đó có những mặt hàng tăng tới 50% ví dụ như sản phẩm nhân sâm.

Mekong ASEAN: Ông có thể giới thiệu vai trò của aT và những hoạt động của aT Việt Nam, thưa ông?

Ông Park Mincheol: aT là cơ quan nhà nước trực thuộc Bộ Nông-Lâm nghiệp và Thực phẩm Hàn Quốc.

Các văn phòng của aT ở nước ngoài có vai trò chủ yếu là xúc tiến thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm nông sản, thực phẩm sang nước sở tại thông qua các hoạt động như nghiên cứu thị trường, tổ chức hội chợ, triển lãm, các hoạt động B2B nhằm kết nối nhà nhập khẩu và xuất khẩu của Hàn Quốc với doanh nghiệp các nước.

aT đã có mặt tại Việt Nam từ 30 năm trước, tức là ngay sau khi hai nước Việt Nam và Hàn Quốc bắt đầu thiết lập quan hệ ngoại giao. aT chọn Việt Nam là trụ sở đại diện của aT Asean và có vai trò thúc đẩy, giới thiệu các sản phẩm nông, thủy sản và thực phẩm chất lượng cao của Hàn Quốc đến với người dân Việt Nam cũng như trong khu vực.

Hàng năm, chúng tôi thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại và quảng bá khác nhau như hội nghị, hội chợ, kết nối B2B và rất nhiều hoạt động trải nghiệm sản phẩm Hàn Quốc tại những trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị nhiều tỉnh, thành khác nhau, nhằm nâng cao mức độ phổ biến của các sản phẩm Hàn Quốc tại thị trường Việt Nam.

Cũng thông qua những sự kiện quảng bá về sản phẩm như vậy, chúng tôi muốn giới thiệu đến người tiêu dùng Việt Nam những sản phẩm tốt và chính thống của Hàn Quốc, tránh sự lợi dụng của hàng nhái, hàng giả trên thị trường.

Là đất nước có số dự án đầu tư lớn nhất tại Việt Nam, nên cộng đồng người Hàn Quốc đang sống và làm việc tại Việt Nam cũng rất đông. Ngoài những hoạt động trên, aT Việt Nam cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động giới thiệu về văn hoá, ẩm thực, nghệ thuật Hàn Quốc dưới nhiều hình thức trực tiếp, online, cuộc thi… tạo ra những cơ hội hiểu biết, giao lưu và gần nhau hơn giữa người dân, người tiêu dùng Việt Nam và Hàn Quốc.

Năm 2022, chúng tôi đã tổ chức thành công sự kiện triển lãm ẩm thực Hàn Quốc lớn nhất từ trước tới nay tại Việt Nam. Qua sự kiện này, chúng tôi cảm nhận và đánh giá cao sự yêu mến và tin cậy của người tiêu dùng Việt Nam đối với các sản phẩm Hàn Quốc.

Mekong ASEAN: Một trong những nhóm sản phẩm của Hàn Quốc được lưu hành rất rộng rãi tại thị trường Việt Nam đó là các loại thực phẩm chăm sóc sức khoẻ, ông nhận định như thế nào về xu hướng của thị trường này?

Ông Park Mincheol: Năm 2022, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 4 về lượng Hàn Quốc xuất khẩu nông sản và thực phẩm, đã tăng 17% lượng nhập khẩu thực phẩm Hàn Quốc so với năm trước đó. Riêng với các sản phẩm từ nhân sâm tăng tới 50%, minh chứng người tiêu dùng của thị trường Việt Nam có nhu cầu lớn đối với những sản phẩm này.

Người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến các sản phẩm chăm sóc sức khỏe có nguồn gốc từ tự nhiên, nhu cầu này được nhận định tăng cấp số lần sau những năm đại dịch Covid-19. Người dân Việt Nam cũng vậy, trong đó các sản phẩm chăm sóc sức khỏe của Hàn Quốc được chú trọng.

Ngoài nhân sâm ra, chúng tôi có rất nhiều sản phẩm khác như đông trùng hạ thảo, nấm linh chi… Đây đều là những sản phẩm tốt, có truyền thống lâu đời và được thị trường đón nhận tốt lâu nay.

Đánh giá của các nhà xuất khẩu tại Hàn Quốc, Việt Nam là một thị trường đầy tiềm năng, bởi lý do đó nhiều công ty xuất khẩu của Hàn Quốc đã sang Việt Nam tìm kiếm cơ hội để kết nối với doanh nghiệp trong nước.

Mekong ASEAN: Các sản phẩm chăm sóc sức khỏe của Hàn Quốc xuất sang Việt Nam phải qua những bước kiểm duyệt khắt khe nào không, thưa ông?

Ông Park Mincheol: Việt Nam và Hàn Quốc đã ký kết hợp tác thông qua các FTA, đồng thời các rào cản về thuế quan và các thủ tục thông quan đã được tháo gỡ nhiều so với trước đây, mối quan hệ ngoại giao cũng đã được nâng cấp lên. Cho nên, các khó khăn trong việc nhập khẩu các sản phẩm chăm sóc sức khỏe từ Hàn Quốc vào Việt Nam gần như đã được giải quyết.

Ngay tại Hàn Quốc cũng có những quy định rất nghiêm khắc đối với những công ty sản xuất thực phẩm chăm sóc sức khoẻ. Vì đây là thực phẩm, tức là mọi người sẽ ăn vào người cho nên các vấn đề về an toàn luôn phải được đặt lên hàng đầu.

Các doanh nghiệp xuất khẩu của Hàn Quốc rất rõ tôn chỉ đó, vì vậy nên họ tuân thủ rất nghiêm ngặt các quy định về an toàn. Cũng nhờ đó, khi nhập khẩu các sản phẩm vào Việt Nam thường không có vấn đề gì xảy ra, đều đáp ứng được quy định của nước sở tại.

Mekong ASEAN: Chiều ngược lại, làm thế nào để các sản phẩm của Việt Nam cũng “rộng cửa” hơn khi tiến vào thị trường Hàn Quốc?

Ông Park Mincheol: Việt Nam có rất nhiều nông sản tươi ngon, có chất lượng tốt. Hiện tại, Việt Nam cũng có một số loại trái cây nhiệt đới đang xuất khẩu sang Hàn Quốc và người tiêu dùng Hàn Quốc rất thích.

Tuy nhiên, theo tôi những sản phẩm đó nếu muốn thâm nhập sâu vào thị trường Hàn Quốc phải biến thành các sản phẩm đã qua chế biến vì hàng nông sản tươi việc bảo quản rất khó, việc di chuyển cũng tốn nhiều chi phí khác.

Ví dụ, nói đến nhân sâm thì các nhà khoa học đã có nhiều nghiên cứu và công bố tác dụng có hiệu quả trong việc hỗ trợ phát triển trí tuệ, giúp cho cơ thể có sức đề kháng, hỗ trợ điều trị hợp bệnh nhân thiếu máu, viêm dạ dày, hen suyễn hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Một trong những tác dụng của nhân sâm Hàn Quốc là ngăn ngừa lão hóa vì sở hữu các chất sapotin cùng các vi chất quan trọng mà loại nhân sâm này có công dụng ngăn ngừa sự lão hóa cho cơ thể.

Nhưng điều đó cũng không có nghĩa là ai dùng cũng được và dùng càng nhiều càng tốt. Ở Hàn Quốc, sản phẩm củ sâm tươi không phải cứ thế là đem vào sử dụng, mà giá trị của nó chính lại ở công nghệ chế biến. Tức là biến những củ sâm thành nhiều sản phẩm cao cấp và phù hợp với nhiều độ tuổi, phù hợp với nhu cầu khác nhau của mỗi người. Đây chính là điểm mạnh của chúng tôi khi phát triển các sản phẩm hồng sâm.

Riêng về các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc (MFDS) đã chứng nhận cho 316 loại lưu hành, trong đó có 33 loại phục vụ cho sức khỏe làn da, 33 loại giảm mỡ trong cơ, 27 loại cho sức khỏe xương khớp, 24 loại giảm đường máu… Mức tăng trưởng của thị trường này trung bình hàng năm ước tính khoảng 15,9%. Mức tăng này cũng nhờ sự phát triển không ngừng của ứng dụng khoa học, công nghệ và quá trình liên tục cải tiến, cho ra đời những sản phẩm mới phù hợp với nhu cầu đa dạng của thị trường.

Vì vậy, cần chế biến nông sản tươi thành các sản phẩm cao cấp khác phù hợp với thị hiếu và đáp ứng số đông người tiêu dùng. Như vậy, các nông sản của Việt Nam có thể đi xa hơn, không chỉ xuất khẩu sang Hàn Quốc mà còn các thị trường khác nữa.

Trân trọng cảm ơn ông!

Đọc tiếp