Cửa hàng xăng dầu của Công ty Thiên Minh Đức. |
Về điều hành quỹ, Bộ Công Thương chưa có ý kiến kịp thời để sửa đổi, bổ sung phương pháp định mức trích, chi quỹ BOG tính cho 1 đơn vị sản lượng. Điều này dẫn đến từ năm 2017 đến 2021, liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định mức trích - chi quỹ BOG là thiếu cơ sở pháp luật.
Liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định chi bình ổn giá khi giá chưa tăng với số tiền khoảng 1.143 tỷ đồng và chi bình ổn cao hơn mức tăng giá hơn 318 tỷ đồng. Tại kỳ điều hành từ 1/1/2017 đến trước 15h ngày 23/4/2018, việc ban hành văn bản điều hành giá không rõ ràng dẫn đến 19/27 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trích lập quỹ BOG sai chủng loại xăng RON95 với số tiền khoảng 1.013 tỷ đồng và chi sử dụng quỹ BOG với số tiền gần 680 tỷ đồng.
Về quản lý quỹ, kết luận nêu rõ, các quy định hiện nay giao cho Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp cùng Bộ Công Thương quản lý. Tuy nhiên, cơ quan quản lý quỹ BOG còn đùn đẩy trách nhiệm, thiếu quy định, quy chế phối hợp phân công nhiệm vụ giữa cơ quan chủ trì và cơ quan phối hợp.
Bộ Công Thương chưa xử lý kịp thời vi phạm về quỹ BOG của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu khi Bộ Tài chính đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Ngân hàng Nhà nước chưa ban hành văn bản hướng dẫn ngân hàng thương mại quản lý quỹ BOG phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của ngân hàng.
Hệ quả, có 7/15 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu sử dụng quỹ sai mục đích bình ổn giá, không kết chuyển về tài khoản quỹ BOG mà để lại tài khoản thanh toán của doanh nghiệp thường xuyên, với số tiền gần 8.000 tỷ đồng.
Trong số đó có 3 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu đã trích lập và chi sử dụng quỹ BOG đối với khối lượng xăng dầu vượt so với khối lượng trên sổ sách, dẫn đến trích lập sai gần 4,8 tỷ đồng và chi sai từ quỹ này gần 22,6 tỷ. Một doanh nghiệp trích lập thiếu khoảng 3 tỷ đồng và 1 doanh nghiệp thực hiện một số bút toán điều chỉnh giảm quỹ với số tiền 10 tỷ đồng không phù hợp với nguyên tắc kế toán.
Trong giai đoạn từ 1/1/2017 đến 31/12/2021, các doanh nghiệp và ngân hàng thương mại nơi họ mở tài khoản quỹ BOG xăng dầu không gửi sao kê về Bộ Công Thương và Bộ Tài chính. Do đó, cơ quan quản lý không nắm rõ số dư đầu kỳ, số trích lập, sử dụng, lãi phát sinh hay số dư của quỹ.
Đối với việc xử lý vi phạm, Bộ Công Thương chưa kịp thời xem xét, xử lý, đình chỉ hoạt động hoặc thu hồi giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu đối với các thương nhân bị Bộ Tài chính xử lý hành chính nhiều lần. Điều này dẫn đến quỹ BOG liên tục bị các thương nhân đầu mối chiếm dụng và sử dụng sai mục đích.
Nợ thuế bảo vệ môi trường hàng nghìn tỷ đồng
Ngoài những vi phạm liên quan tới quỹ bình ổn, thanh tra cũng chỉ ra tồn tại, bất cập trong việc kê khai, nộp thuế bảo vệ môi trường.
Cụ thể, Tổng cục Thuế và nhiều cục thuế chưa thực hiện đầy đủ, đúng quy định, thiếu kiểm tra, giám sát nên nhiều thương nhân đầu mối khi được kiểm tra đã phát hiện nợ thuế lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Điển hình như trường hợp của CTCP Tập đoàn Thiên Minh Đức, với số tiền thuế kê khai lại từ 2018 đến hết năm 2021 tăng thêm tới hơn 3.287 tỷ đồng. Tại thời điểm 30/9/2022, có 6/15 thương nhân đầu mối bị thanh tra nợ tiền thuế với số tiền 3.219 tỷ đồng…
Mặc dù nợ tiền ngân sách nhưng một số thương nhân đã cho một số cá nhân vay, nợ để sử dụng mục đích cá nhân lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Trong đó, Công ty Thiên Minh Đức cho ông Chu Đăng Khoa - Phó tổng giám đốc và bà Chu Thị Thành - Chủ tịch HĐQT Thiên Minh Đức mượn 7.485 tỷ đồng (tại thời điểm thanh tra hai cá nhân này vẫn còn nợ 1.396 tỷ đồng).
Công ty Xuyên Việt Oil âm vốn chủ sở hữu 462 tỷ đồng, nợ Nhà nước tiền thuế 1.246 tỷ đồng, nợ quỹ bình ổn 212 tỷ đồng nhưng lại đang cho bà Mai Thị Hồng Hạnh - Chủ tịch HĐQT công ty nợ 2.978 tỷ đồng.
Theo kiến nghị của cơ quan thanh tra, cả ba doanh nghiệp này đều bị chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra Bộ Công an điều tra hành vi vi phạm pháp luật trong việc kê khai, nộp thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, sử dụng quỹ bình ổn.