Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm ký Tuyên bố kết nạp Việt Nam vào ASEAN ngày 28/7/1995. |
Ngày 28/7/1995, lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên bầu trời thủ đô Bandar Seri Begawan của Brunei trong buổi lễ kết nạp Việt Nam vào Hiệp hội Các quốc gia Ðông Nam Á (ASEAN), đánh dấu sự kiện Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 7 của tổ chức này.
Việc gia nhập ASEAN đánh dấu một quyết định mang tính lịch sử, một quyết sách đúng đắn và kịp thời và là đột phá đầu tiên để Việt Nam từng bước ra khu vực và thế giới, với những cơ hội phát triển mới cho đất nước, qua đó giúp nâng cao vị thế và tiếng nói của Việt Nam.
ASEAN luôn là một trụ cột quan trọng trong đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, hội nhập khu vực và quốc tế của Việt Nam.
Quốc kỳ Việt Nam tung bay trên bầu trời thủ đô Bandar Seri Begawan của Brunei trong lễ kết nạp năm 1995. Ảnh tư liệu |
Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm (thứ 2 từ phải) cùng các Ngoại trưởng ASEAN trong cuộc họp kết nạp Việt Nam vào ASEAN tại Brunei, ngày 28/7/1995. Ảnh tư liệu |
Tầm quan trọng của ASEAN trong chính sách đối ngoại của Việt Nam
Sau khi đất nước thống nhất năm 1975, Việt Nam bước vào công cuộc khôi phục và phát triển với rất nhiều khó khăn và thử thách. Trong bối cảnh ấy, Đảng và Nhà nước ta đã xác định chủ trương gia nhập ASEAN là ưu tiên hàng đầu để Việt Nam phá thế bao vây, cô lập, hội nhập khu vực và thế giới.
Để thực hiện được nhiệm vụ đó, Việt Nam đã trải qua quá trình phát triển mạnh mẽ, từ thời kỳ khôi phục kinh tế đến thời kỳ đổi mới, cũng như sự chuyển hướng chiến lược kịp thời trong tư duy đối ngoại. Việt Nam đã xây dựng đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, từng bước tham gia các hoạt động ASEAN để sớm gia nhập vào cộng đồng chung này.
Kể từ khi chính thức gia nhập ASEAN vào ngày 28/7/1995, đường lối, chính sách đối ngoại của Việt Nam trong ASEAN đã trở thành một bộ phận quan trọng trong chính sách đối ngoại của Việt Nam thời kỳ mới, và được chỉ đạo rõ trong các văn kiện Đại hội Đảng.
Cụ thể, Việt Nam tiếp tục “tăng cường quan hệ với các nước láng giềng và các nước trong tổ chức ASEAN”, “tham gia tích cực các hoạt động thúc đẩy sự hợp tác cùng có lợi trong Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) và “thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện và có hiệu quả với các nước ASEAN”.
Tại Đại hội XI (tháng 1/2011), Đảng ta tiếp tục khẳng định chủ trương Việt Nam là “chủ động, tích cực và có trách nhiệm cùng các nước xây dựng Cộng đồng ASEAN vững mạnh, tăng cường quan hệ với các đối tác, tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong các khuôn khổ hợp tác ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương”, đồng thời xác định nhiệm vụ “Phấn đấu cùng các nước Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) xây dựng Đông Nam Á thành khu vực hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển phồn vinh”.
Tại Đại hội XI (tháng 1/2011), Đảng ta xác định chủ trương Việt Nam là “Chủ động, tích cực và có trách nhiệm" cùng xây dựng Cộng đồng ASEAN. |
Tiếp đó, Đại hội XII của Đảng (tháng 1/2016) đã xác định phương hướng đối với hợp tác trong ASEAN là “chủ động, tích cực và có trách nhiệm cùng các nước ASEAN xây dựng Cộng đồng vững mạnh”, “chủ động tham gia và phát huy vai trò tại các cơ chế đa phương, đặc biệt là ASEAN và Liên Hợp Quốc”.
Với định hướng này, tham gia ASEAN trở thành một trong những trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Việt Nam, một trọng tâm chiến lược của ngoại giao đa phương trong ASEAN của Việt Nam. Vì vậy, Việt Nam cần “phải nhận thức rõ tầm quan trọng của ASEAN trong tổng thể các hoạt động đối ngoại, coi ASEAN là vành đai an ninh trực tiếp của đất nước, là ngôi nhà chung của mình”.
Chỉ thị số 25-CT/TW, ngày 8/8/2018, của Ban Bí thư, về “Đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030” một lần nữa nhấn mạnh cần “tiếp tục phát huy và khai thác có hiệu quả vai trò thành viên của Cộng đồng Kinh tế ASEAN”, “phát huy vị thế của Việt Nam trong xây dựng Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN 2025, tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực và nâng cao vị thế, sự hiện diện của Cộng đồng trên trường quốc tế”.
Trong suốt 27 năm qua và kể cả trước đó, chính sách của Việt Nam với ASEAN phản ánh sự phát triển căn bản trong tư duy đối ngoại và đã trở thành một bộ phận quan trọng trong chính sách đối ngoại của đất nước.
Những dấu ấn của Việt Nam tại ASEAN
Ngay từ những thời gian đầu khi tham gia vào ASEAN, Việt Nam đã chứng minh là một thành viên chủ động, tích có trách nhiệm vì sự hòa bình, phát triển thịnh vượng của cả khu vực.
Thủ tướng Phan Văn Khải (giữa) và các nhà lãnh đạo ASEAN chụp ảnh chung tại Phiên bế mạc Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 6, diễn ra tại Hà Nội từ ngày 15-16/12/1998. Ảnh tư liệu |
Điều đó được minh chứng khi Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 6 chỉ sau 3 năm gia nhập (năm 1998), đảm nhận cương vị Chủ tịch Ủy ban thường trực ASEAN (ASC) (nhiệm kỳ 2000 – 2001), đóng góp vai trò tích cực trong việc thúc đẩy kết nạp các nước Lào, Myanmar và Campuchia vào ASEAN (năm 1999) và phát huy vai trò nước điều phối quan hệ đối thoại của ASEAN với các đối tác quan trọng như: Nga, Mỹ, Australia, Canada, Trung Quốc.
Năm 2010, Việt Nam lần thứ hai đảm nhiệm cương vị Chủ tịch ASEAN và hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ trong tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN. Trên cương vị Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã nỗ lực trong việc tăng cường, mở rộng và làm sâu sắc thêm các quan hệ đối ngoại của ASEAN, cùng phấn đấu vì hoà bình, ổn định và hợp tác phát triển ở khu vực.
Việt Nam đã tổ chức thành công gần 400 cuộc họp, sự kiện, qua đó đã tạo ra xu hướng, quyết định nhiều quyết sách quan trọng, không chỉ mang tầm ảnh hưởng của nội khối, khu vực mà cả trên thế giới.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chính thức tiếp nhận chiếc búa tượng trưng cho chức Chủ tịch ASEAN 2020 từ Thủ tướng Thái Lan. Ảnh: VGP |
Đặc biệt, năm 2020 - khi cả khu vực và thế giới bị đại dịch Covid-19 hoành hành, Việt Nam đã tiếp tục thực hiện thành công vai trò nước Chủ tịch ASEAN và tổ chức một loạt hội nghị như: Hội nghị cấp cao ASEAN 36 và ASEAN 37; Đại hội đồng Liên nghị viện ASEAN lần thứ 41 (AIPA 41), Hội nghị Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN và ASEAN+3, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 53…
Hội nghị Cấp cao đầu tiên của ASEAN được tổ chức theo hình thức trực tuyến với sự tham dự đầy đủ của lãnh đạo 10 nước thành viên ASEAN. |
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Lễ khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN 37, ngày 12/11/2020. |
Việt Nam cùng các nước thành viên ASEAN đã triển khai nhiều biện pháp phối hợp để ứng phó với đại dịch Covid-19. Trong đó đáng chú ý là Kế hoạch Hành động của Hà Nội về Tăng cường hợp tác kinh tế ASEAN và Kết nối chuỗi cung ứng để ứng phó với đại dịch Covid-19; Quỹ ứng phó Covid-19; Kho dự phòng vật tư y tế khẩn cấp; Trung tâm ASEAN ứng phó các tình huống y tế khẩn cấp và dịch bệnh mới nổi (ACPHEED).
Những sáng kiến này đã góp phần giúp ASEAN kiểm soát đại dịch Covid-19, giảm thiểu tác động cuộc khủng hoảng, duy trì chuỗi cung ứng, hợp tác hỗ trợ vaccine, phục hồi kinh tế, giữ vững ổn định và khả năng phục hồi kinh tế của khu vực.
Quan hệ kinh tế - thương mại của Việt Nam - ASEAN
Sau 27 năm tham gia ASEAN, quan hệ kinh tế - thương mại của Việt Nam - ASEAN đã có sự phát triển vượt bậc, cả về bề rộng lẫn chiều sâu. Năm 1996, khi Việt Nam mới tham gia Khối thương mại tự do ASEAN (AFTA), thương mại hai chiều của Việt Nam với các nước trong khối mới chỉ đạt khoảng gần 6 tỷ USD, nhưng đến nay, con số này đã tăng tới hơn 10 lần, trung bình khoảng 60 tỷ USD.
Đặc biệt, trong giai đoạn 2010 – 2021, thương mại giữa Việt Nam và ASEAN đã có sự tăng trưởng vượt bậc. Trong đó xuất khẩu tăng tới hơn gần 20 tỷ USD, tăng từ 9,3 tỷ USD năm 2010 lên mức 29,1 tỷ USD vào năm 2021. Việt Nam cũng tăng nhập khẩu từ khối ASEAN, từ mức 14,5 tỷ USD năm 2010 lên 41,1 tỷ USD vào năm 2021, tăng 26,6 tỷ USD.
Năm 2021, Thái Lan là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong khối ASEAN, đạt 6,1 tỷ USD, chiếm 20% thị phần; tiếp theo là Campuchia, đạt 4,8 tỷ USD; Philippines đạt 4,5 tỷ USD; Myanmar đạt 4,4 tỷ USD… Các mặt hàng công nghiệp Việt Nam như máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại các loại và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác… là những sản phẩm xuất khẩu chiếm kim ngạch lớn nhất.
Gạo Việt Nam là mặt hàng nông sản xuất khẩu chính sang ASEAN. Trong đó Philippines là quốc gia nhập khẩu gạo Việt lớn nhất khối và trên thế giới (năm 2021 đạt 2,4 triệu tấn, tương ứng 1,2 tỷ USD, chiếm lần lượt 38% và 37% thị phần).
Trong năm nay, Việt Nam và các nước ASEAN sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác đầu tư và thương mại giữa các bên; xúc tiến thương mại, hợp tác, kết nối cho các doanh nghiệp nội khối,...
Trong bối cảnh tình hình trên thế giới và trong khu vực có nhiều biến động phức tạp, ASEAN đang đứng trước những cơ hội và thách thức về khả năng ứng phó trước các tình huống khẩn cấp, xây dựng một cộng đồng tự cường và vững mạnh. ASEAN luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Một Cộng đồng ASEAN lớn mạnh và tự cường sẽ là chỗ dựa vững chắc của Việt Nam để cùng vượt qua những khó khăn, sóng gió ngày càng lớn trong thời gian tới.
Với phương châm chủ động, tích cực và trách nhiệm, Việt Nam sẽ tiếp tục cùng các nước thành viên ASEAN tăng cường liên kết và hợp tác ASEAN, nâng cao đoàn kết, thống nhất, và vai trò trung tâm của ASEAN, vì mục tiêu chung là hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng ở khu vực và thế giới.