Theo số liệu Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) 9 tháng năm 2024 ước tăng 6,82% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng này khá cao so với mức tăng GDP cùng kỳ 2023 là 4,4% dù thấp hơn mức tăng cùng kỳ năm 2022 là 8,98%.
Xét theo từng địa phương, 9 tháng năm 2024, có 6 địa phương ghi nhận tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 2 chữ số gồm: Bắc Giang (13,89%), Thanh Hóa (12,46%), Lai Châu (11,63%), Hà Nam (10,89%), Điện Biên (10,55%), Khánh Hòa (10,45%).
BẮC GIANG
9 tháng đầu năm 2024, kinh tế của tỉnh Bắc Giang tiếp tục duy trì tăng trưởng cao. Tăng trưởng kinh tế (GRDP) tăng khoảng 13,89%, cao nhất cả nước. Trong đó, công nghiệp - xây dựng tăng khoảng 18,03%; dịch vụ tăng khoảng 6,19%; nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm khoảng 2,19%; thuế sản phẩm tăng khoảng 12,89%.
Theo Cục Thống kê tỉnh Bắc Giang, khu vực công nghiệp - xây dựng tiếp tục là khu vực kinh tế có tốc độ tăng trưởng và tỷ lệ đóng góp cao nhất vào mức tăng trưởng chung của nền kinh tế, đóng góp 12,92 điểm % vào mức tăng GRDP, đây là khu vực chính dẫn dắt tốc độ tăng trưởng nền kinh tế của tỉnh. Trong đó, động lực tăng trưởng chủ yếu vẫn là khu vực công nghiệp và tập trung chủ yếu ở các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI), các sản phẩm chính vẫn là linh kiện điện tử.
Khu vực dịch vụ duy trì mức tăng trưởng khá, đóng góp 0,96 điểm % vào mức tăng GRDP. Ngược lại, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 9 tháng đầu năm gặp nhiều khó khăn do mất mùa vụ vải thiều, ảnh hưởng của bão số 3, tác động làm giảm 0,24 điểm % vào mức tăng chung.
Ngoài ra, một số kết quả nổi bật trong bức tranh kinh tế 9 tháng đầu năm của tỉnh Bắc Giang là: Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tăng 30,6% so với cùng kỳ, bằng 86% dự toán cả năm; Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 16,3% so với cùng kỳ; Khách du lịch đến Bắc Giang ước đạt 2,2 triệu lượt, tăng 45% so với cùng kỳ;...
THANH HÓA
Theo Cục Thống kê tỉnh Thanh Hoá, GRDP ước tính 9 tháng đầu năm tăng 12,46% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,43% so với cùng kỳ; ngành công nghiệp, xây dựng tăng 18,85%; các ngành dịch vụ tăng 7,23%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 7,02%.
Nổi bật trong bức tranh kinh tế 9 tháng của tỉnh Thanh Hóa, sản xuất công nghiệp mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng vẫn tăng trưởng mạnh; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 9 tháng tăng 20,2% so với cùng kỳ.
Trong lĩnh vực dịch vụ, 9 tháng năm 2024, doanh thu bán lẻ hàng hoá ước đạt 111.931 tỷ đồng, tăng 12,7% so với cùng kỳ; tổng lượng khách du lịch vượt 4,7% kế hoạch và tăng 19,6% so với cùng kỳ; tổng doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống ước đạt 16.401 tỷ đồng, tăng 21,7% so cùng kỳ.
Đặc biệt, thu ngân sách Nhà nước ước đạt 42.695 tỷ đồng, vượt 20% dự toán, tăng 44,7% so với cùng kỳ, đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ và trong nhóm 10 địa phương có số thu cao nhất cả nước.
Công tác phát triển doanh nghiệp của tỉnh Thanh Hóa cũng tiếp tục đạt kết quả tích cực. Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh này, đến ngày 15/9, trên địa bàn tỉnh có 2.411 doanh nghiệp thành lập mới, đạt 80,4% kế hoạch, tăng 22,5% so với cùng kỳ, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ và đứng thứ 8 cả nước, với số vốn điều lệ đăng ký đạt 18.417 tỷ đồng, tăng 43,5% so với cùng kỳ.
LAI CHÂU
Theo Cục Thống kê tỉnh Lai Châu, GRDP ước tính 9 tháng đầu năm tăng 11,63% so với cùng kỳ năm trước. Sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh có những thuận lợi nhất định, xong vẫn còn gặp một số khó khăn, thách thức.
Trong khi đó, hầu hết các ngành công nghiệp đều có chỉ số IIP tăng so với cùng kỳ năm trước và đặc biệt là ngành sản xuất thuỷ điện có mức tăng trưởng cao. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 43,3% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng này do mức tăng của ngành sản xuất, truyền tải và phân phối điện tăng 43,75% do năm nay mưa nhiều.
Với lĩnh vực dịch vụ, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 9 tháng năm 2024 ước đạt 6.563.348 triệu đồng, tăng 7,36% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng giá trị xuất nhập khẩu ước đạt 13,9 triệu USD, đạt 34,2% kế hoạch, giảm 57,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 9,9 triệu USD, bằng 55,2% kế hoạch, giảm 17,8% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch nhập khẩu đạt 4,0 triệu USD, bằng 17,6% kế hoạch, giảm 81,0% so với cùng kỳ năm trước.
HÀ NAM
Theo Cục Thống kê Hà Nam, trong 9 tháng đầu năm, GRDP của tỉnh ước tính tăng 10,89% so với cùng kỳ năm trước, đạt mức tăng trưởng cao thứ nhất vùng Đồng bằng Sông Hồng và đứng thứ 4 toàn quốc.
Trong đó, khu vực công nghiệp, xây dựng ước tính tăng 13,74% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 8,77 điểm % vào mức tăng GRDP. Khu vực dịch vụ ước tính tăng 7,75% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 1,77 điểm % vào mức tăng GRDP.
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước tính tăng 0,58% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,05 điểm % vào mức tăng GRDP. Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm, 9 tháng ước tính tăng 5,19% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,3 điểm % vào mức tăng GRDP chung của tỉnh.
Tính chung 9 tháng năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tính tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2023, đây là mức tăng cao nhất trong 9 tháng đầu năm kể từ năm 2020 trở lại đây.
Trong 9 tháng năm 2024, toàn tỉnh đã tập trung giải phóng mặt bằng các dự án, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ nhà thầu giải quyết các thủ tục hành chính, thi công công trình, bảo đảm giải ngân vốn theo đúng quy định. Quý 3/2024, tổng vốn đầu tư thực hiện ước đạt 11.713,7 tỷ đồng (giá hiện hành), tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước.
ĐIỆN BIÊN
Theo Cục Thống kê tỉnh Điện Biên, GRDP 9 tháng đầu năm theo giá so sánh năm 2010 tăng 10,55% so với cùng kỳ năm trước, xếp thứ 3/14 tỉnh vùng trung du và miền núi phía Bắc, xếp thứ 5/63 tỉnh thành, phố
Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp thủy sản đạt 1.574,1 tỷ đồng, tăng 3,74% so với cùng kỳ năm trước; khu vực công nghiệp - xây dựng đạt 2.323,2 tỷ đồng, tăng 9,48% (riêng công nghiệp tăng 19,71%); khu vực dịch vụ đạt 7.006,35 tỷ đồng, tăng 12,82%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 519,79 tỷ đồng, tăng 7,42% so với cùng kỳ.
Điểm sáng trong bức tranh kinh tế tỉnh Điện Biên 9 tháng đầu năm là hoạt động sản xuất kinh doanh tăng trưởng tích cực hơn quý trước và so cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng 2024 hoạt động công nghiệp trên địa bàn tăng trưởng khá nguyên nhân chủ yếu là do tác động tích cực của 2 ngành: công nghiệp chế biến; sản xuất và phân phối điện. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 20,65% so với cùng kỳ năm trước 9 tháng năm 2024.
KHÁNH HÒA
Theo Cục Thống kê tỉnh Khánh Hòa, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh trong 9 tháng tăng 10,45% so với cùng kỳ năm trước. Đóng góp vào tổng mức tăng trưởng của toàn tỉnh, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng cao nhất với 20,39%.
Trong đó, công nghiệp tăng 23,01%, đóng góp tăng 4,69 điểm phần trăm; xây dựng tăng 15,6%, đóng góp tăng 1,74 điểm phần trăm, với nhiều công trình trọng điểm của quốc gia và của tỉnh được khởi công. Công nghiệp có tốc độ tăng trưởng cao chủ yếu nhờ vào sản xuất và phân phối điện tăng cao gấp 2,24 lần, đóng góp tăng 4,79 điểm phần trăm vào mức tăng chung.
Khu vực dịch vụ dù chỉ tăng 7,47% nhưng lại chiếm tỷ trọng cao nhất trong GRDP toàn tỉnh. Dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 12,32% do lượng khách quốc tế tăng cao nhờ công tác kích cầu du lịch của tỉnh, cùng với thị trường du lịch nội địa dần khởi sắc trở lại.
Tuy nhiên, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ghi nhận mức tăng thấp với 0,11% so với cùng kỳ. Trong đó, nông nghiệp giảm 1,23%, làm giảm 0,06 điểm phần trăm tốc độ tăng trưởng chung toàn tỉnh, do tình hình thời tiết không thuận lợi cộng với nhiều diện tích cây trồng trong khu quy hoạch các tuyến đường cao tốc nên bị thu hẹp; khu vực lâm nghiệp giảm 18,91%, làm giảm 0,02 điểm phần trăm; riêng khu vực thủy sản tăng 1,37%, làm tăng 0,09 điểm phần trăm mức tăng chung.
9 tháng năm 2024, kết quả thu ngân sách Nhà nước của tỉnh Khánh Hòa rất tích cực, đạt 93,6% dự toán. Các ngành và địa phương đang triển khai nhiều giải pháp để vượt dự toán thu ngân sách ở mức cao nhất, đặc biệt là đạt số thu do Bộ Tài chính giao.