Nông nghiệp xanh là kim chỉ nam cho ngành nông nghiệp Việt Nam 2022

Nông nghiệp xanh là kim chỉ nam cho ngành nông nghiệp Việt Nam 2022

NÔNG NGHIỆP Việt nAM
07:00 - 02/02/2022

Nhận định kết quả xuất khẩu nông sản năm 2021 ghi dấu ấn tích cực nhưng Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng vẫn chưa thể vui vì nền nông nghiệp còn tự phát, năm 2022 cần định hướng nông nghiệp Xanh, nông nghiệp tuần hoàn, nâng cao giá trị nông sản.

Bất chấp dịch bệnh COVID-19 càn quét các ngành kinh tế, năm 2021, nông nghiệp Việt Nam đã về đích với kỷ lục xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 48,6 tỷ USD. Đây là kết quả nỗ lực của ngành cùng các doanh nghiệp, hợp tác xã và hàng triệu hộ nông dân đã làm tốt vai trò “trụ đỡ” ngành kinh tế trong bối cảnh đại dịch.

Đưa ra những đánh giá về sản xuất, xuất khẩu nông sản trong năm 2021 từ đó định hướng cho ngành nông nghiệp năm 2022, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan đã có những chia sẻ với phóng viên

Theo Bộ trưởng, dấu ấn quan trọng nhất của ngành nông nghiệp Việt Nam năm 2021 là gì?

Đứt gãy chuỗi cung ứng là sự kiện ghi dấu ấn lớn nhất ngành nông nghiệp trong năm 2021, dẫn đến ùn ứ nông sản. Lý do có thể kể đến do giãn cách xã hội, do sự không thống nhất giữa các địa phương trong việc ứng xử với đại dịch chưa từng có tiến lệ. Và từ sự đứt gãy này đã tạo ra “bão” giá từ nguyên liệu giống, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón…gây khó khăn cho các hộ sản xuất.

Từ sự đứt gãy chuỗi cung ứng, có thể chỉ ra hai vấn đề của ngành nông nghiệp, đó là chưa chú trọng chuỗi cung ứng, chưa quan tâm đến xúc tiến thị trường từ Trung ương đến địa phương, do vậy dẫn đến vấn đề thứ hai là chưa đẩy mạnh đầu tư xây dựng logistics làm cho thị trường nội địa dễ đứt gãy.

Nông nghiệp Việt Nam có sản lượng cao nhưng chi phí sản xuất và logistics cũng ở mức cao làm cho giá trị gia tăng không thể tăng theo tỷ lệ thuận với kết quả xuất khẩu, dẫn đến thu nhập người nông dân cũng không thể tăng tăng tương xứng.

Thông tin về kết nối thị trường gần như bị bỏ sót từ đầu cung sang đầu cầu, mù mờ về thông tin chính là lý do khiến nông sản Việt gặp khó khăn trong việc kết nối thị trường. Trong bối cảnh đó, Bộ NN&PTNT đã thành lập tổ công tác 970 để kết nối sản xuất, tiêu thụ trên cả nước.

2022 sẽ là năm Việt Nam hướng đến xây dựng nền nông nghiệp minh bạch về truy xuất nguồn gốc, chất lượng trong cả tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Muốn làm được điều này cần làm tốt công tác chuyển đổi số nông nghiệp, kết nối các doanh nghiệp sản xuất với các doanh nghiệp xuất khẩu. Đây sẽ là cơ sở để sản xuất và tiêu thụ có kế hoạch, có sự chuẩn bị bài bản.

Trong một nền sản xuất nhỏ lẻ như Việt Nam, vấn đề thương mại cực kì quan trọng. Muốn xây dựng chuỗi ngành hàng, doanh nghiệp cần ‘thương’ nông dân nhưng đồng thời nông dân cũng cần ‘thương’ lại doanh nghiệp, tạo sự liên kết, thống nhất trong sản xuất và tiêu thụ. Mối liên hệ đó phải được coi như mạch máu trong cơ thể con người, nếu không duy trì được thì nền nông nghiệp cũng không thể tồn tại.

Ngoài ra, chuỗi cung ứng trong thời gian tới cần gắn với việc đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử, không chỉ kết nối cung – cầu mà còn mở đầu cầu rộng ra, thúc đẩy đầu ra tiêu thụ nông sản. Theo quy luật thị trường, cầu tăng giá sẽ tăng, cầu giảm giá sẽ giảm. Trước những diễn biến của tình hình COVID-19, xu hướng thương mại điện tử sẽ là một hướng đi nhiều triển vọng trong năm 2022.

Vì sao xuất khẩu nông sản năm 2021 tăng nhưng Bộ trưởng lại cho rằng vẫn chưa thể vui?

Rõ ràng kết quả xuất khẩu lập kỷ lục nhưng vẫn chưa thể vui vì xuất khẩu nông sản Việt Nam tăng nhưng theo hướng tự phát, chưa có chiến lược xuất khẩu bền vững cho từng loại thị trường, chưa xâm nhập được vào hệ thống phân phối của từng quốc gia.

Các tham tán thương mại tại EU và những thị trường khác đang xây dựng các đề án xuất khẩu bền vững, tiêu dùng xanh để làm gia tăng giá trị nông sản Việt. Mà quan trọng nhất là vùng nguyên liệu bởi ngay từ khâu nuôi trồng không sạch thì chế biến cũng không sạch theo.

Đồng thời logistics cũng cần cải thiện, được quan tâm nhiều hơn để kích thích hiệu quả xuất khẩu nông sản. Lấy ví dụ Thái Lan trồng chuối, xoài hay các sản phẩm tương đồng Việt Nam nhưng đều có thể trở xuyên các nước và bán ngay tại thị trường Việt Nam, tiết kiệm chi phí logistics rất nhiều.

Nếu thực hiện được những mục tiêu đề ra này, giá trị nông sản xuất khẩu sẽ còn cao hơn nhiều con số gần 47 tỷ USD đã có. Đề án sẽ được quy hoạch từ vùng trồng, vùng nuôi mang thương hiệu nông sản Việt ngay từ khi còn ở vùng nguyên liệu.

Đề án này không chỉ riêng áp dụng xuất khẩu mà kể cả tiêu dùng nội địa cũng sẽ được quan tâm, định vị sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp xanh và nông nghiệp trách nhiệm với người tiêu dùng. Chính phủ sẽ có nhiều ngân sách đầu tư công cho thủy lợi, giống, chi phí nguyên liệu và cả logistic.

Nâng tư duy thị trường, tư duy kinh tế là một trong những mục tiêu trong năm 2022 của nông nghiệp Việt Nam. Bộ NN&PTNT sẽ tìm ra các giải pháp giúp người nông dân giảm chi phí đầu vào, chi phí logistics, giảm sự lệ thuộc vào các nước khác.

Thời gian gần đây, tình trạng ùn ứ nông sản ở cửa khẩu Quảng Ninh, Lạng Sơn cho thấy yêu cầu đầu tư các trung tâm chế biến nông sản là rất lớn. Các doanh nghiệp đã thể hiện tinh thần sẵn sàng cho sự tạo lập mới này nhưng họ cần Chính phủ đầu tư logistics để khi nông sản bị động có thể kịp thời đối ứng bảo quản nông sản giúp giải tỏa được áp lực.

Muốn xây dựng đề án nông sản bền vững cần đi từ vùng nguyên liệu đến chế biến và logistics, chuẩn hóa mọi quy trình đánh giá tạo nên thương hiệu nông sản Việt.

Trước những biến động của thị trường ngày càng nhiều, theo Bộ trưởng, ngành nông nghiệp

Việt Nam sẽ ứng phó như thế nào với những thách thức xuất khẩu nông sản trong năm 2022?

Một trong những thành công của ngành nông nghiệp năm 2021 là gỡ bỏ vụ phòng vệ thương mại 301 của Mỹ, trước những rủi ro thương mại toàn cầu, từ Hải quan, đến Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT đều rất chủ trọng cập nhật các thông tin mới của các thị trường đến cộng đồng doanh nghiệp.

Thông qua đó để thấy rằng có nhiều thách thức về thị trường cần các doanh nghiệp đẩy mạnh sự chủ động, tích cực hơn nữa, quan tâm nhiều hơn đến sự biến động thị trường. Biến đổi khí hậu được chúng ta dễ dàng quan sát nhưng biến động thị trường cần các doanh nghiệp nâng cao sự nhạy bén, linh hoạt của mình.

Đặc biệt xu hướng nông nghiệp xanh đang trở thành xu thế tiêu dùng mới toàn cầu thời gian tới. Nông sản Việt Nam sản xuất trong tương lai cần có nhãn dán sản phẩm “xanh” được công nhận toàn cầu. Đây cũng là một thách thức mới xuấ hiện nhưng không còn con đường nào khác, là câu chuyện tiêu dùng quyết định sản xuất.

Trong năm 2022, Việt Nam cần xác định Xanh hóa ngành nông nghiệp không phải thách thức mà là cơ hội.

Mỗi hình thái nông nghiệp sẽ tạo ra các cơ hội mới, nông nghiệp xanh sẽ tạo nhiều loại hình sản phẩm mới, nhiều ngành hàng mới, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp mới, nhiều việc làm mới ở nông thôn.

Trước xu hướng chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp, Bộ NN&PTNT đã xây dựng Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững đến 2030 tầm nhìn 2045 “Nông nghiệp sinh thái – nông thôn hiện đại – nông dân thông minh”. Đây là lần đầu tiên Việt Nam tiếp cận chiến lược nông nghiệp với tư duy dài hạn chứ không chỉ ngắn hạn trước mắt.

Chiến lược này liên quan rộng rãi đến toàn xã hội, không chỉ cho Bộ NN&PTNT mà còn cho hàng chục ngàn hộ nông nghiệp, doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp với sự vào cuộc của cả 3 chủ thể chính là Nhà nước, doanh nghiệp và nông dân.

Bộ trưởng đánh giá như thế nào về việc Quốc hội đưa ra quyết nghị giảm diện tích trồng lúa ở Đồng băng Sông Cửu Long?

Quốc hội đưa ra quyết nghị kế hoạch sử dụng đất trồng lúa Đồng bằng Sông Cửu Long theo hướng linh hoạt. Tuy nhiên, những đại biểu Quốc hội ủng hộ giảm diện tích lúa cũng chưa đưa ra được phương án thay thế bằng cây gì?

Bộ NN&PTNT vừa khuyến khích Đồng bằng Sông Cửu Long trồng lúa để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia đồng thời cũng khuyến khích chuyển đổi cây trồng khác để tăng giá trị trên một đơn vị diện tích.

Ví dụ như một mô hình tại Đồng Tháp, bà con bớt một ô vuông diện tích lúa bằng việc đưa nước vào nuôi cá, thu về giá trị thu nhập gấp 5 lần, trước chỉ 50 triệu trên một đơn vị diện tích đó giờ tăng lên 250 triệu.

Các doanh nghiệp xuất khẩu lương thực cũng cần áp dụng mô hình tương tự này. Trước giờ chúng ta đánh đồng lúa gạo và lương thực là một nhưng đây là quan điểm còn nhầm lẫn mà lương thực bao gồm lúa gạo và những thực phẩm có vai trò tương đương.

Mô hình chuyển đổi sản xuất lúa 3 vụ sang mô hình xen canh, đa giá trị sẽ được áp dụng và đẩy mạnh trong 2022 không chỉ ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long mà còn nhiều địa phương khác.

Theo Bộ trưởng để gắn tăng trưởng nền nông nghiệp với tăng thu nhập người nông dân trong thời gian tới, ngành nông nghiệp cần thay đổi ra sao?

Một trong những yếu tố để thay đổi được tư duy nền nông nghiệp cả nước chính là Chương trình nông thôn mới. Trong năm 2022, Chương trình này sẽ được đầu tư nhiều hơn từ Hợp tác xã đến hạ tầng kinh tế nông thôn nhằm nâng cao năng lực cộng đồng, đảy mạnh khuyến nông cộng đồng.

Bộ NN&PTNT sẽ làm việc với VTV tạo ra các chương trình đưa tri thức nông nghiệp đến nông dân, khuyến khích khởi nghiệp nông nghiệp. Xây dựng hình ảnh người nông dân chuyên nghiệp, nâng cao năng suất lao động, sơ chế được sản phẩm làm ra. Tuy đây là những hoạt động không cần ngân sách, không cần đến tiền nhưng đây mới là căn cốt của việc xây dựng nông thôn mới chứ không chỉ đơn giản là xây dựng cơ sở hạ tầng.

Đây sẽ là vấn đề mà Chiến lược Phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 đang được xây dựng sẽ phải giải quyết. Đó là làm sao hai cái đó đi song hành với nhau thì mới mang lại thành tựu kép.

Năm 2022 ngành nông nghiệp sẽ khởi động các chương trình như xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn sắp tới không chỉ chú trọng về đầu tư hạ tầng như đường, cầu cống, hạ tầng thủy lợi… mà quan trọng là hạ tầng kinh tế nông thôn. Kích hoạt kinh tế nông thôn từ hợp tác xã, du lịch nông thôn, mỗi xã một sản phẩm (OCOP) - đó là hướng để nâng cao năng lực cộng đồng.

Ngành hướng đến để các hộ nông dân có thể làm bớt phần nào trong chuỗi sản xuất thay cho doanh nghiệp để nông dân không chỉ có thu từ sản lượng tạo ra mà còn thêm giá trị gia tăng từ sản phẩm thô sang sản phẩm sơ chế, đóng gói. Đó là hướng đi của nông thôn mới.

Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Đọc tiếp