Nông sản Việt có thể ‘góp gió thành bão’ xây dựng thương hiệu chung

Nông sản Việt có thể ‘góp gió thành bão’ xây dựng thương hiệu chung

Nông Sản Việt nAM
07:35 - 14/04/2022
Nhận thức được những khó khăn của nông sản Việt khi tiến vào các thị trường quốc tế, ông Mã Thanh Danh, Phó Tổng giám đốc CTCP KIDO đưa ra những khuyến nghị thay đổi hướng đi cho các doanh nghiệp xuất khẩu.

Thông tin từ các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài cho thấy, nông sản Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường quốc tế thường gặp các vấn đề về rào cản kỹ thuật, quy định an toàn vệ sinh thực phẩm và chất lượng. Đặc biệt, doanh nghiệp Việt thường lúng túng trong xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, tiếp cận thị trường.

Trước thực tế đó, ông Mã Thanh Danh, Phó Tổng giám đốc CTCP KIDO có cuộc trao đổi với MEKONG ASEAN và đưa ra những khuyến nghị cho các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt, tìm ra con đường ngắn nhất đi vào các thị trường tiềm năng.

Dựa trên quan sát thực tế, ông Danh cho biết, nông sản Việt Nam thường chủ yếu xuất thô. Trích nội dung từ cuốn sách “Cuộc khủng hoảng kế tiếp” do chính mình là tác giả, ông Mã Thanh Danh nêu ra vấn đề cần phải tư duy lại việc khó bán sản phẩm thì nguyên nhân từ phía bao bì, maketing chỉ là phần ngọn, nguyên nhân cốt lõi nằm ở chỗ các doanh nghiệp thường chỉ tập trung vào việc xuất thô mà không tính đến nâng cao giá trị, không tính đến việc nghiên cứu xem thị trường đang cần gì.

“Trong chuỗi giá, điều quan trọng nhất là thiết kế và tiếp thị bán hàng, còn khâu sản xuất thường chiếm tỷ lệ thấp. Vì vậy, phải nhận thức được tầm quan trọng của nghiên cứu thị trường theo chiều sâu. Với thị trường 4.0 hiện nay, rất dễ dùng thông số nguyên liệu để dự báo”, ông Danh phân tích.

Doanh nghiệp sản xuất nông sản bắt buộc phải quan tâm hơn đến nghiên cứu thị trường, nắm bắt nhu cầu khách hàng từ đó sẽ cải thiện được kế hoạch sản xuất, sẽ định hướng được maketing và hiểu rõ nhu cầu thị trường như thế nào để đưa ra loại sản phẩm phù hợp chứ không chỉ sản xuất những gì mình có.

Lấy ví dụ về sản phẩm gạo của Thái Lan, Phó Tổng giám đốc KIDO chỉ ra, trước khi một mặt hàng xuất khẩu ra thị trường vào năm sau, người Thái Lan sẽ phải dùng dữ liệu lớn (big data), các data nguồn có liên quan… Đồng thời họ quét hết số liệu về sản lượng các loại gạo của Việt Nam, Campuchia và những nước có sản phẩm cạnh tranh, từ đó phân tích khả năng gia tăng sản lượng và dòng gạo chiếm ưu thế của mình.

Từ thông số đầu vào đó, Thái Lan quay ngược lại dữ liệu khách hàng mục tiêu, điều chỉnh danh mục sản phẩm. Sau đó mới lên kế hoạch sản xuất cho nông dân, tăng/giảm sản lượng, chọn ra sản phẩm cần tập trung sản xuất từ nhu cầu thực tế.

Từ yêu cầu đó, ông Mã Thanh Danh đưa ra 3 khuyến cáo cần sớm thực hiện để có thể gia tăng giá trị cho nông sản Việt: Tư duy lại công tác nghiên cứu thị trường, vừa đủ sâu vừa đủ bao quát; đầu tư lại vấn đề kỹ thuật và công nghệ; thay đổi cách làm thị trường, cách làm hình ảnh để hướng đến xây dựng một thương hiệu.

Trong đó, một trong những cách làm góp phần xây dựng thương hiệu nông sản của riêng Việt Nam là tổ chức các cuộc thi về nông sản với các bộ tiêu chuẩn quốc tế, qua đó được các nước trên thế giới biết đến thì việc xúc tiến cũng sẽ rộng mở hơn.

Ngoài cách tiếp cận truyền thống, các doanh nghiệp cần thay đổi tư duy để mở rộng thị trường xuất khẩu, thay đổi cách nghĩ"chỉ bán sản phẩm" như sản xuất gạo thì bán gạo, sản xuất thanh long thì chỉ bán thanh long mà cần nghĩ đến việc "tập hợp nhau lại cùng xây dựng chiến lược phát triển chung".

“Khi tiếp thị tại thị trường nước ngoài hay tham gia quảng bá, triển lãm tại các hội chợ quốc tế, các mặt hàng nông sản Việt Nam hoàn toàn có thể đứng chung một ‘con thuyền’ với đầy đủ tất cả sản phẩm từ trái cây, lương thực đến gia vị, cà phê... Rõ ràng như vậy sẽ xây dựng được thương hiệu chung cho nông sản Việt bằng việc ‘góp gió thành bão”, ông Danh nhấn mạnh.

Sự liên kết này cũng sẽ giải quyết được một thực tế khó khăn đang tồn tại trong lĩnh vực thương mại điện tử, khi các doanh nghiệp quy mô nhỏ không đủ khả năng để đăng ký gian hàng trên Amazon, Alibaba… Nhưng khi đã cùng tập hợp thành một liên hiệp các doanh nghiệp mang thương hiệu Việt Nam, có sự đầu tư quảng bá đầy đủ sẽ định vị được vị thế của nông sản Việt trên bản đồ quốc tế.

Đưa ra kiến nghị với các cơ quan quản lý Nhà nước, ông Mã Thanh Danh đề xuất xây dựng sàn nông sản thương mại điện tử của Việt Nam đạt tiêu chuẩn quốc tế như Singapore và các nước khác trên thế giới đã làm.

Để xây dựng được sàn thương mại nông sản này cần rất nhiều quyết tâm, kiên trì, cam kết từ các cơ quan quản lý ban ngành cũng như các hiệp hội nông sản để đảm bảo uy tín nông sản luôn đạt tiêu chuẩn, tạo niềm tin cho người nông dân sản xuất, cho đối tác yên tâm nhập hàng và các bộ phận khác trong chuỗi cung ứng được vận hành ổn định.

“Dù biết là khó nhưng nếu không làm được điều đó thì nông sản Việt Nam sẽ luôn loay hoay câu chuyện được mùa mất giá hoặc ngược lại”, vị chuyên gia chia sẻ.

Trên thực tế, các doanh nghiệp như CTCP Mía đường Thành Thành Công - Biên Hòa (TTC Sugar) đã tham gia vào các sàn giao dịch hàng hóa quốc tế và thực hiện sản xuất, dự trữ tồn kho theo điều tiết của thị trường. Do vậy, giá cả cũng được điều chỉnh phù hợp với chiến lược thị trường. Đây là kinh nghiệm để mở rộng mô hình ở Việt Nam.

Ông Danh cũng đặc biệt nhấn mạnh, sự liên kết giữa các doanh nghiệp cần mở rộng hơn nữa đến các nước trong khối ASEAN, để xây dựng thương hiệu chung của cả khu vực. Tận dụng thế mạnh mỗi nước tạo ra sân chơi riêng, tổ chức cuộc thi nông sản khu vực ASEAN, tự gây dựng thương hiệu thế mạnh cho mỗi nước.

Nông sản Việt tham gia các hội chợ trong nước và quốc tế

Nông sản Việt tham gia các hội chợ trong nước và quốc tế

Để thương hiệu nông sản Việt có bản sắc riêng, gây được ấn tượng khi thâm nhập thị trường nước ngoài, Phó Tổng giám đốc CTCP KIDO lấy ví dụ: “Gạo không ngon nhất thì phải thơm nhất, không thì phải trắng nhất hoặc phải khẳng định được sự organic nhất”.

Các cơ quan quản lý Nhà nước có thể vinh danh các đại sứ nông sản Việt thông qua việc tổ chức các cuộc thi quốc tế về nông sản, xây dựng các giải thưởng có giá trị để thu hút nhiều doanh nghiệp lớn trên thế giới và trong khu vực đến tham dự.

Từ đó có thể học hỏi được cách làm của họ, tiếp cận được các đối tác, các nhà khoa học, là cơ hội để giao lưu và tiếp thị nông sản.

“Doanh nghiệp Việt không cần phải tham gia các triển lãm xa xôi ở Dubai hay các nước châu Âu, mà ngay trên đất nước Việt Nam mỗi năm đều có một hội chợ về nông sản quốc tế tại khu vực ASEAN”, ông Danh gợi mở.

Trong thời kỳ biến động phức tạp của thị trường hiện nay khiến giá logistics tăng cao, quy định thị trường khắt khe hơn, chưa kể việc các doanh nghiệp làm ăn với Nga đang đứng trước nguy cơ mất thị phần do cuộc xung đột giữa nước này với Ukraine, Phó Tổng giám đốc CTCP KIDO cho rằng, doanh nghiệp Việt cần linh động trong chiến lược kinh doanh để quản trị rủi ro tốt hơn.

Kinh doanh trong lĩnh vực nông sản có rủi ro lớn nhất đến từ thị trường. Trong đó, xung đột quân sự Nga – Ukraine nổ ra đang gây nguy cơ mất thị phần tại thị trường Nga, trong khi việc xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc luôn trong tình trạng bập bõm đóng – mở cửa khẩu, khiến các cuộc giải cứu nông sản diễn ra thường xuyên.

Thực tế này đặt ra cho Việt Nam bài toán cần thiết phải có mạng lưới thông tin về dự báo, giúp cho các doanh nghiệp, các hiệp hội sản xuất có thể thường xuyên theo dõi thông tin và rút ra sự điều chỉnh kế hoạch sản xuất: tăng/giảm sản lượng hoặc chuyển hướng sản phẩm, từ xuất thô chuyển sang chế biến.

Bên cạnh đó, việc thay đổi cơ chế bán hàng thích ứng với thị trường cũng rất cần thiết.

“Ví dụ như thị trường Nga, tôi có trao đổi với một số doanh nghiệp được biết, nước này vẫn cần nông sản Việt nhưng đang gặp khó khăn về thanh toán thì có thay đổi sang hình thức đổi nông sản lấy phân bón, hay các cách trao đổi tương tự”, ông Danh gợi ý.

“Như vậy cần có thông tin, chuyên gia đánh giá tình hình và xây dựng phương án ứng phó một cách chủ động để giảm thiểu rủi ro. Việc chủ động ứng phó rủi ro này cần có sự phối kết hợp của nhiều ban ngành cơ quan quản lý Nhà nước và sự năng động của các doanh nghiệp”, chuyên gia Mã Thanh Danh đưa ra khuyến nghị.

Ông Mã Thanh Danh hiện là Phó Tổng giám đốc CTCP KIDO kiêm Chủ Tịch HĐQT Công tư vấn Quốc tế CIB, Thành viên HĐQT Công ty TNHH Pacific Group.
Ông có bằng Cử nhân Kỹ sư Điện, Cử nhân Quản trị Kinh doanh tại Đại học Kinh tế, Thạc sỹ Quản trị Doanh nghiệp chuyên ngành Chiến lược Kinh doanh Quốc tế và Quản lý Thương hiệu tại Vương quốc Bỉ.

Với trên 22 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Quản trị Tài chính, Tư vấn Chiến lược & Quản trị Thương hiệu và Tư vấn Sáp nhập công ty, ông từng phụ trách phát triển kinh doanh của SBU Buns – Ngành bánh tươi đầu tiên của Kinh Đô và từng giữ các chức vụ: Giám đốc Tài chính Công ty Truyền hình Cáp BSC thuộc HTVC; Trưởng Phòng Kinh doanh Công ty Cổ phần Thực phẩm & Nước giải khát Dona New Tower).

Đọc tiếp