Ứng cử viên Tổng thống của Đảng Cộng hòa, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump bị tấn công tại một cuộc vận động tranh cử tại Butler, Pennsylvania, ngày 13/7/2024. Ảnh: Reuters |
Ngày 14/7, ông Donald Trump xuất hiện tại Milwaukee để chuẩn bị tiếp nhận đề cử chính thức tại Đại hội toàn quốc của Đảng Cộng hòa – nơi ông sẽ thực hiện một bài phát biểu - dự kiến vào ngày 18/7 tới. Trả lời Washington Examiner, ông khẳng định: “Đây là cơ hội để gắn kết cả nước, thậm chí cả thế giới. Bài phát biểu của tôi sẽ khác, khác rất nhiều so với 2 ngày trước".
Cũng trong một tuyên bố trên mạng xã hội Truth Social của mình ngày 14/7, ông Donald Trump tiếp tục kêu gọi đoàn kết. Cụ thể, ông cho biết: “Trong thời điểm này, điều quan trọng hơn bao giờ hết là chúng ta đoàn kết đứng cùng nhau”. Ông nhấn mạnh rằng người Mỹ không nên cho phép “cái ác chiến thắng” và rằng ông sẽ “không cảm thấy sợ hãi trước bất cứ điều gì”.
Về phía Tổng thống Mỹ Joe Biden, ông cũng có bài phát biểu trên truyền hình từ Phòng Bầu dục ở Nhà Trắng ngày 14/7. Trong khuôn khổ bài phát biểu, ông tuyên bố rằng: “Không có chỗ cho loại bạo lực này, cho bất kỳ loại bạo lực nào ở Mỹ và không có ngoại lệ nào cả. Chúng ta không thể cho phép bạo lực được bình thường hóa".
Nhà lãnh đạo Mỹ còn kêu gọi bình tĩnh trong bối cảnh bầu không khí chính trị của đất nước “đã trở nên vô cùng nóng và đã đến lúc phải hạ nhiệt”. Ông kêu gọi mọi người “lùi lại một bước”, đồng thời bày tỏ sự nhẹ nhõm khi ông Trump không bị thương nghiêm trọng.
Vụ ám sát hụt cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump xảy ra vào chiều 13/7 khi ông đang có bài phát biểu vận động tranh cử trên sân khấu tại Butler, bang Pennsylvania. Ngay sau khi tiếng nổ vang lên, ông Trump nhăn mặt và đưa tay lên tai phải, rồi cúi xuống phía sau bục phát biểu. Các mật vụ nhanh chóng xuất hiện và ông Trump được đỡ dậy, với một vết máu trên tai. Ông giơ nắm tay lên trời thể hiện sự quyết tâm, sau đó được đám đông mật vụ hộ tống rời khỏi sân khấu tranh cử.
Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) tuyên bố đã xác định được danh tính nghi phạm nổ súng tại sự kiện vận động tranh cử của cựu Tổng thống Donald Trump là Thomas Matthew Crooks, 20 tuổi. Người này đến từ Bethel Park, Pennsylvania. Hiện động cơ tấn công của người này vẫn chưa được xác định. Các nhà chức trách cho biết hiện tại họ không tin rằng có bất kỳ mối đe dọa nào khác, nhưng cuộc điều tra vẫn đang được tiến hành và còn quá sớm để khẳng định chắc chắn rằng đây là một cuộc tấn công đơn độc.
Tuần hành ủng hộ ông Trump tại Pennsylvania, ở Huntington Beach, California, Mỹ, ngày 14/7/2024. Ảnh: Reuters |
Hành động bạo lực chính trị này đã vấp phải sự lên án của nhiều nhà lãnh đạo trên khắp thế giới. Tại Canada, Thủ tướng Justin Trudeau cho biết trong một bài đăng trên X rằng ông “cảm thấy kinh tởm vì vụ nổ súng”, đồng thời nhấn mạnh “bạo lực chính trị không bao giờ được chấp nhận”.
Các nhà lãnh đạo châu Âu cũng nhanh chóng bày tỏ sự ủng hộ đối với ông Trump. Thủ tướng Anh Keir Starmer cho biết ông “kinh hoàng trước cảnh tượng này”. Bày tỏ trên X, ông cho biết: “Bạo lực chính trị dưới bất kỳ hình thức nào không có chỗ đứng trong xã hội của chúng ta và suy nghĩ của tôi hướng về tất cả các nạn nhân của cuộc tấn công này”.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz đều chúc ông Trump “hồi phục nhanh chóng” trong các bài đăng trên X. Ông Macron bổ sung rằng Pháp chia sẻ “sự bàng hoàng và phẫn nộ của người dân Mỹ”, trong khi ông Scholz nói: “Những hành động bạo lực như vậy đe dọa nền dân chủ”. Thủ tướng Italy Giorgia Meloni cũng gửi “những lời chúc tốt đẹp nhất” tới ứng cử viên của Đảng Cộng hòa.
Tại Ukraine, Tổng thống Volodymyr Zelensky đã đăng tải trên X rằng “bạo lực như vậy không có lý do chính đáng và không có chỗ đứng ở bất kỳ đâu trên thế giới”. Ông gửi lời chia buồn tới khán giả thiệt mạng tại cuộc biểu tình và 2 người khác bị thương nặng.
Tại Nhật Bản, nơi cựu Thủ tướng Shinzo Abe qua đời sau khi bị bắn tại một sự kiện tranh cử chính trị vào tháng 7/2022, Thủ tướng đương nhiệm Fumio Kishida đã kêu gọi lập trường chống lại bạo lực “thách thức nền dân chủ”.
Tại Trung Đông, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết ông và phu nhân Sara "bị shock" trước vụ tấn công, trong khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết ông cực lực lên án vụ việc. Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sissi gọi đây là một “sự cố nguy hiểm” trong một bài đăng trên Facebook.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng cho biết ông “quan ngại sâu sắc về vụ tấn công người bạn của tôi”. Ông nói thêm rằng “bạo lực không có chỗ đứng trong chính trị và các nền dân chủ”.
Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva gọi vụ nổ súng là “không thể chấp nhận được” trong khi Tổng thống đắc cử Mexico Claudia Sheinbaum nói rằng vụ nổ súng là “đáng lên án”.
Thủ tướng Australia Anthony Albanese cũng gọi vụ việc là “đáng lo ngại”, trong khi ông Christopher Luxon, Thủ tướng New Zealand, cho biết “không quốc gia nào nên gặp phải bạo lực chính trị như vậy”.
Bất chấp mối quan hệ căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Chủ tịch Tập Cận Bình “bày tỏ sự thông cảm” với ông Trump. Trong khi đó, người phát ngôn Điện Kremlin, Dmitry Peskov cho biết Nga “luôn lên án và chúng tôi cực lực lên án bất kỳ biểu hiện bạo lực nào trong chính trị”.