AFP dẫn các nguồn tin thân cận cho biết, lệnh tạm giam CEO Telegram Pavel Durov đã tiếp tục được gia hạn vào ngày 26/8. Thời gian bắt giữ ban đầu để thẩm vấn có thể kéo dài tới 96 giờ. Khi giai đoạn này kết thúc, thẩm phán có thể quyết định trả tự do cho ông Durov hoặc sẽ truy tố và giam giữ thêm.
Trong một tuyên bố ngày 26/8, Telegram đã lần đầu tiên lên tiếng về việc nhà sáng lập bị Pháp bắt giữ. “CEO Telegram Pavel Durov không có gì phải che giấu và thường xuyên đi du lịch ở châu Âu. Thật vô lý khi tuyên bố rằng một nền tảng hoặc chủ sở hữu của nó phải chịu trách nhiệm về việc nó bị lạm dụng,” Telegram viết.
Nền tảng này khẳng định “tuân thủ luật pháp Liên minh châu Âu (EU), bao gồm Đạo luật dịch vụ kỹ thuật số”, việc kiểm duyệt “nằm trong tiêu chuẩn của ngành và liên tục được cải thiện”. “Gần một tỷ người dùng toàn cầu sử dụng Telegram như một phương tiện giao tiếp và là nguồn thông tin quan trọng. Chúng tôi đang chờ đợi một giải pháp nhanh chóng cho tình hình này. Telegram luôn bên cạnh các bạn,” tuyên bố cho biết.
Tỷ phú sáng lập kiêm CEO ứng dụng Telegram Pavel Durov. Ảnh: Spacebar |
Trước đó, CEO Telegram Pavel Durov – người có quốc tịch Nga - Pháp, đã bị bắt giữ tại sân bay Paris-Le Bourget, thủ đô Paris vào tối 24/8 (giờ địa phương), sau khi khởi hành bằng máy bay riêng từ Azerbaijan đến Pháp.
OFMIN - cơ quan chịu trách nhiệm về vấn đề bạo lực đối với trẻ vị thành niên Pháp, đã ban hành lệnh bắt giữ đối với CEO Telegram nhằm phục vụ cuộc điều tra sơ bộ, liên quan đến cáo buộc ứng dụng này không kiểm duyệt đầy đủ, thiếu hợp tác với chính quyền.
Cảnh sát Pháp cho rằng các công cụ mã hóa của Telegram tạo điều kiện cho hoạt động tội phạm diễn ra mà không bị ngăn chặn, có thể khiến ông Durov bị cáo buộc đồng lõa trong các hoạt động buôn bán ma túy, bạo lực mạng, ấu dâm và gian lận. Theo kênh truyền hình TF1, ông Durov có thể phải đối mặt với án tù lên tới 20 năm.
Phó Chủ tịch Duma Quốc gia Nga Vladislav Davankov đã thúc giục Pháp trả tự do ngay lập tức cho nhà sáng lập Telegram Pavel Durov. Ông cáo buộc rằng vụ bắt giữ doanh nhân công nghệ này “có thể có động cơ chính trị và được sử dụng để truy cập thông tin cá nhân của người dùng Telegram”.
Đại sứ quán Nga tại Pháp cho biết, ngay khi vụ bắt giữ xảy ra, họ đã lập tức liên hệ với chính quyền Pháp để làm rõ lý do và yêu cầu họ đảm bảo bảo vệ quyền lợi và cung cấp quyền tiếp cận lãnh sự cho CEO Telegram, nhưng "phía Pháp vẫn đang tránh hợp tác về vấn đề này".
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết Moscow đã gửi công hàm yêu cầu tiếp cận lãnh sự, nhưng vì ông Durov cũng có quốc tịch Pháp nên “Pháp coi đó là quốc tịch chính của ông ấy”.
Ông Pavel Durov sinh ra tại St. Petersburg (Nga), có quốc tịch Nga, Pháp, UAE, Saint Kitts và Nevis (quốc gia vùng Caribe). Năm 2006, ông thành lập nền tảng truyền thông xã hội VK, thường được mô tả là “Facebook của Nga”. Năm 2013, ông ra mắt Telegram, đặt trụ sở tại Dubai (UAE). Ông Durov rời Nga vào năm 2014 và chủ yếu sống ở UAE. Ông trở thành công dân Pháp vào năm 2021. Khối tài sản của ông Durov được Forbes ước tính khoảng 15,5 tỷ USD. Telegram đặc biệt có ảnh hưởng ở Nga, Ukraine và các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ. Ứng dụng nhắn tin này được xếp hạng là một trong những mạng xã hội lớn sau Facebook, YouTube, WhatsApp, Instagram, TikTok và Wechat. Telegram hiện có hơn 950 triệu người dùng và đặt mục tiêu đạt mốc một tỷ vào năm 2025. Telegram đã cam kết không bao giờ tiết lộ thông tin về người dùng của mình. Bằng việc đặt trụ sở tại UAE, Telegram đã tự bảo vệ mình khỏi luật kiểm duyệt trong bối cảnh các nước phương Tây đang gây sức ép buộc các nền tảng lớn xóa nội dung bất hợp pháp. Trong cuộc xung đột Nga – Ukraine, Telegram trở thành nền tảng chính để cả Nga và Ukraine đăng tải nội dung về cuộc xung đột và tình hình chính trị liên quan. Ông Pavel Durov từng tiết lộ rằng một số chính phủ đã tìm cách gây áp lực với ông, nhưng Telegram vẫn là một “nền tảng trung lập”, “không tham gia vào chính trị”. |