Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (Chương trình) được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020, có kinh phí tối thiểu làm tròn là 137.664 tỷ đồng. Chương trình gồm 10 dự án, 14 tiểu dự án thực hiện trên địa bàn 49 tỉnh.
Ngày 14/10/2021, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1719/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình với giai đoạn 1 từ năm 2021 đến năm 2025. Một số mục tiêu cụ thể là tăng mức thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số trên 2 lần so với năm 2020; giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số mỗi năm từ 3% - 4%; trên 50% lao động là người dân tộc thiểu số trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp; giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho hộ dân tộc thiểu số hộ nghèo; phấn đấu xóa nhà tạm, dột nát cho 100% số hộ dân tộc thiểu số nghèo...
Với mục tiêu quan trọng, ý nghĩa nhân văn như trên, Trung ương, Quốc hội đều rất quan tâm, theo dõi sát sao việc thực hiện Chương trình. Khi có kiến nghị từ các địa phương về những khó khăn, vướng mắc bước đầu, Quốc hội đã thành lập Đoàn giám sát và triển khai hoạt động giám sát. Báo cáo của Đoàn giám sát đã được trình bày trước Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, trong đó chỉ rõ những kết quả đạt được, những hạn chế tồn tại và đề xuất giải pháp khắc phục.
Ảnh minh họa. |
Theo báo cáo giám sát, quá trình triển khai thực hiện Chương trình đã bám sát mục tiêu tổng quát là "giảm nghèo nhanh, bền vững, giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn, sắp xếp ổn định dân cư, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, thu hẹp dần khoảng cách mức sống, thu nhập so với bình quân chung của cả nước...". Chương trình thực hiện đã tích hợp trên 118 văn bản về chính sách dân tộc ở giai đoạn trước, do đó bước đầu khắc phục được tình trạng manh mún, dàn trải để tập trung nguồn lực, ưu tiên đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, giải quyết những vấn đề cấp thiết về kinh tế, xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là vùng đặc biệt khó khăn.
Báo cáo của Chính phủ và số liệu của Ủy ban Dân tộc cho thấy, tổng vốn phân bổ cho Chương trình trong giai đoạn 2021-2025 là 50.000 tỷ đồng, trong đó các địa phương hơn 47.400 tỷ đồng. Tính đến ngày 30/6/2023 đã hoàn thành và thanh toán vốn Trung ương đạt 18,9% so với kế hoạch trung hạn. Mặc dù kết quả giải ngân còn chậm nhưng Đoàn giám sát nhận định "một số chỉ tiêu đã đạt được kết quả rất tích cực".
Nhìn thẳng vào khó khăn để tìm ra giải pháp, đánh giá về nguyên nhân giải ngân chậm, Đoàn giám sát cho biết, đây là lần đầu tiên thực hiện cơ chế, quản lý, chỉ đạo chung 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Bên cạnh đó là nhiều yêu cầu về đổi mới cơ chế quản lý, nội dung tiếp cận xây dựng chính sách nên không tránh khỏi những khó khăn, lúng túng về chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Việc chưa cụ thể hóa được cơ chế đặc thù, mất nhiều thời gian để ban hành văn bản hướng dẫn cũng làm chậm tiến độ thực hiện các chương trình.
Bên cạnh đó, năng lực thực tiễn của một bộ phận cán bộ, công chức tham mưu, xây dựng văn bản, chính sách; quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình còn hạn chế về số lượng và chất lượng, nhất là cấp huyện, xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Đặc biệt có tình trạng đùn đẩy, né tránh, tâm lý sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức trong thực thi nhiệm vụ, nhất là cơ sở pháp lý để thực hiện một số chính sách còn chưa rõ ràng, đồng bộ.
Truyền tải ý kiến cử tri về Chương trình tại Kỳ họp thứ 6, các đại biểu Quốc hội đều đánh giá đây là chương trình hết sức ý nghĩa, nhân văn, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tuy nhiên các đại biểu cũng phản ánh tiến độ giải ngân Chương trình còn chậm khiến nhiều nơi, nhiều người còn chưa được thụ hưởng chính sách đầy đủ. Bên cạnh đó là những khó khăn, vướng mắc liên quan đến văn bản hướng dẫn, phát sinh thực tiễn... Mong chờ của người dân chính là Chương trình sớm giải quyết được các điểm nghẽn, nút thắt để “thẩm thấu” vào đời sống xã hội một cách hiệu quả nhất.
Trao đổi với Mekong ASEAN bên hành lang Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Sửu - Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Thừa Thiên Huế, Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội nhận định, Chính phủ, các bộ ngành đã rất tích cực trong công tác triển khai, cụ thể hoá Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đó cũng chính là thực tiễn hoá chủ trương vô cùng nhân văn, có giá trị thời sự của Đảng và Nhà nước. Người dân cũng rất chờ đợi, ủng hộ và đồng hành.
“Tại Thừa Thiên Huế, chúng tôi đang nỗ lực tất cả các nhiệm vụ để phát triển thành thành phố trực thuộc Trung ương trong tương lai, vì vậy câu chuyện giảm nghèo bền vững, giảm nghèo đa chiều được đặt lên hàng đầu. Cùng chính sách chung, tỉnh đã có những nghị quyết riêng để huy động nguồn lực phù hợp, đồng bộ giảm nghèo ở vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là A Lưới – nơi có tỷ lệ hộ nghèo cao. Đây cũng là một trong 74 huyện nghèo của cả nước trong giai đoạn 2021-2025”, bà Sửu chia sẻ.
Tuy nhiên trong quá trình triển khai Chương trình, theo bà Sửu, có một số nguyên nhân làm chậm tiến độ, cụ thể là chậm bố trí nguồn ngân sách, chậm hướng dẫn các cơ chế triển khai thực hiện từ các bộ ngành. Là chương trình với tổng hợp các lĩnh vực, có kinh tế, tài chính, văn hoá, giáo dục, y tế... nên các bộ ngành chuyên môn đòi hỏi phải có sự đồng bộ cao. Tuy nhiên thực tế, nữ đại biểu cho rằng công tác phối kết hợp của các ban ngành, địa phương, sự nhập cuộc của người nghèo đâu đó cũng chưa nhịp nhàng. Đây chính là vấn đề cần phải quan tâm.
Đại biểu Rơ Châm H’Phik - Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Chư Păh, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai nhận định, 3 chương trình mục tiêu quốc gia đều là các chương trình lớn của Đảng và Nhà nước, thể hiện hiện sự nhân văn sâu sắc, với tinh thần không để ai bị bỏ lại phía sau. Cụ thể ở Gia Lai, bà cho biết nhờ các chương trình này mà đời sống của người dân đã dần cải thiện, đặc biệt là về cơ sở hạ tầng. Từ Thành phố Pleiku đi tới các huyện, xã hầu như đều đã có đường nhựa, bê tông.
“Tôi nhận thấy tỉnh Gia Lai đã triển khai các nội dung về cơ sở hạ tầng khá tốt, từ đó giúp phục vụ và nâng cao chất lượng đời sống cho bà con, việc vận chuyển nông sản được thuận lợi hơn, không khó khăn như trước. Đặc biệt là tại các làng du lịch cộng đồng, việc xây dựng, cải tạo cơ sở hạ tầng có ý nghĩa lớn, tạo ấn tượng cho khách du lịch, qua đó thu hút thêm lượng khách đến”, nữ đại biểu chia sẻ.
Chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn tại địa phương, bà Rơ Châm H’Phik cho biết, huyện Chư Păh đã có sự lồng ghép giữa các chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là các nội dung liên quan đến an sinh xã hội, với mục tiêu chung là giúp các hộ gia đình thoát nghèo bền vững. Sự phối hợp giữa các cơ quan địa phương cũng được thực hiện tốt. UBND giải ngân các nguồn vốn, còn các tổ chức đoàn thể phụ trách các gia đình cụ thể để hướng dẫn họ phát huy nguồn kinh phí.
“Như một đại biểu đã phát biểu tại hội trường rằng ‘không phải ai có cần cũng biết câu cá’. Tôi cho rằng, Đảng và Nhà nước cho cần câu, nhưng sử dụng cần câu như thế nào thì cần sự vào cuộc của các tổ chức, đoàn thể; hướng dẫn người dân và có sự kiểm tra. Thực tế, người dân đều nằm trong các tổ chức đoàn thể như hội thanh niên, hội phụ nữ, hội nông dân... Vì vậy nếu có sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa UBND và các tổ chức đoàn thể thì sẽ rất thuận lợi trong việc triển khai các chương trình”, bà Rơ Châm H’Phik cho biết.
Theo đại biểu Hồ Thị Minh - Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị, Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, khi mới tiếp cận chương trình, không chỉ địa phương lúng túng mà ngay cả Trung ương đôi lúc cũng chậm ban hành các văn bản hướng dẫn; các văn bản có ban hành thì khó thực hiện, phải hỏi đáp qua lại nhiều lần...
Đại biểu Hồ Thị Minh phát biểu trong phiên thảo luận tổ tại Kỳ họp thứ 6. Ảnh: Đinh Nhung |
Nữ đại biểu Quốc hội người Bru-Vân Kiều cũng nêu một số bất cập về Chương trình cần được nghiên cứu sửa đổi. Như chính sách hỗ trợ nhà ở cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số với nguồn vốn 40 triệu đồng nhưng phải đảm bảo “ba cứng” (nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng). “Các cơ quan tuyên truyền bà con vay vốn thêm để thực hiện, nhưng đã là hộ nghèo mà nói vay vốn thì rất khó. Chưa kể đồng bào dân tộc thiểu số đều sống ở vùng sâu, vùng xa, việc vận chuyển nguyên vật liệu không đơn giản”, đại biểu nêu vấn đề.
Qua báo cáo của Đoàn giám sát cũng như ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các khó khăn, vướng mắc lớn nhất của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là giao vốn, chuyển vốn, văn bản hướng dẫn, các vấn đề phát sinh thực tiễn. Đây cũng là những khó khăn, vướng mắc tồn tại ở hai chương trình mục tiêu quốc gia còn lại là nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.
Vì vậy, Chính phủ đã đề xuất trình Quốc hội một nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình; trong đó có việc thực hiện thí điểm phân cấp cho cấp huyện chủ động quyết định, điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn, danh mục dự án đầu tư thực hiện các chương trình. Bộ KH&ĐT kiến nghị kéo dài vốn năm 2023 chưa giải ngân hết của các chương trình (bao gồm cả vốn năm 2022) sang năm 2024. Trong báo cáo giám sát, Đoàn giám sát cũng ủng hộ việc thiết kế các chính sách đặc thù cho Chương trình, đặc biệt là trong hỗ trợ phát triển sản xuất, khởi nghiệp...
Tại phiên thảo luận Nghị trường tại Kỳ họp thứ 6 vừa qua, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh kiến nghị Quốc hội ủng hộ các cơ chế đặc thù mà Chính phủ đề xuất để các địa phương có căn cứ triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Ý kiến của 49 địa phương cho thấy các tỉnh quyết tâm cao nhưng để giải ngân hết thì phải tháo hết vướng mắc từ hệ thống cơ chế. Nếu những vướng mắc được tháo tại kỳ họp này thì còn một bước nữa là triển khai, mà từ nay đến hết 2023 không còn nhiều thời gian để địa phương hoàn thành, Bộ trưởng giải thích về đề xuất chuyển cả nguồn vốn không thực hiện được năm 2021 và 2022 (đang thực hiện trong năm 2023) sang năm 2024.
Về hệ thống văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết đây là chương trình rất lớn, ngoài chính sách mới thì tích hợp cả chính sách dân tộc trước đây còn hiệu lực đến năm 2020. Mặt khác, Chương trình bao trùm 10 dự án ở tất cả lĩnh vực khác nhau, liên quan đến nhiều bộ ngành, địa phương, địa bàn rộng đến tận thôn bản, hộ gia đình, từng người dân nên hệ thống văn bản ban hành cần chi tiết, cụ thể; và có những nội dung chưa có văn bản quy phạm pháp luật.
“Chính vì vậy khối lượng văn bản nhiều, có sự trùng lặp, vướng mắc. Thời gian qua, Ủy ban Dân tộc đã phối hợp với các bộ, ngành, tham mưu Chính phủ để tháo gỡ vấn đề này”, Bộ trưởng Hầu A Lềnh nói. Ông cho biết thêm, Chính phủ đã giao cho Uỷ ban Dân tộc chủ trì rà soát, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung Quyết định 1719 của Thủ tướng Chính phủ. Uỷ ban sẽ trình trong năm 2023, sẽ tháo gỡ rất nhiều vấn đề cho địa phương.
Đại biểu Hồ Thị Minh nhận định, giải pháp phân cấp phân quyền cho địa phương như Chính phủ đề xuất là khả thi, cần triển khai nhanh để địa phương chủ động điều chỉnh thực hiện. “Kết thúc giai đoạn 1 của chương trình, chúng ta phải đánh giá khách quan, xem xét hiệu quả như thế nào, từ đó có cải cách, đổi mới để chương trình đi vào thực tế hiệu quả. Mục tiêu cuối cùng là đời sống của bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số thực sự thay đổi”, bà Minh nêu ý kiến.
Đại biểu Rơ Châm H’Phik cũng cho rằng, việc phân cấp, đẩy nguồn vốn về huyện là rất hợp lý, vì địa phương đã có kinh nghiệm triển khai, hơn nữa nắm địa bàn rất rõ, từ đặc thù địa hình, địa lý đến các dân tộc. “Huyện linh động trong việc giải quyết công việc thì sẽ nhanh có kết quả hơn, bởi mỗi lần điều chỉnh phải xin ý kiến Trung ương rất mất thời gian, tiến độ chậm trễ cũng là dễ hiểu”, bà Rơ Châm H’Phik.
Nữ đại biểu Quốc hội Đoàn Gia Lai chia sẻ thêm, nguồn kinh phí quan tâm đến người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số rất nhiều. Vì vậy, bà mong nguồn vốn này sẽ có hiệu quả, không bị lãng phí; và muốn vậy thì phải có sự đồng hành từ Trung ương đến cơ sở, đặc biệt là sự chỉ đạo sát sao từ cấp ủy địa phương. “Như huyện chúng tôi hầu như hàng tháng khi họp Ban thường vụ, Thường trực đều yêu cầu UBND báo cáo tiến độ thực hiện từng dự án một, vướng mắc chỗ nào thì cùng tháo gỡ”, bà nói.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Sửu, các tồn tại, hạn chế, kiến nghị đã được chỉ ra sau giám sát là rất xác đáng, các địa phương tuỳ mức độ khác nhau cần soi chiếu để có giải pháp kịp thời, vừa có giải pháp trước mặt nhưng cũng phải vừa có giải pháp căn cơ lâu dài. Bà nhấn mạnh thêm câu chuyện trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi ngay trong nội dung giám sát chỉ ra vẫn đang chung chung. Nữ đại biểu cho rằng, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương cần phải chỉ ra rõ hơn nữa, để những tổ chức, cá nhân liên quan trực tiếp và gián tiếp chủ động, linh hoạt khắc phục những hạn chế, tồn tại từ mình, do mình, từ đó sẽ tạo sự chuyển biến thực chất.
Trước đề xuất của Chính phủ, các đóng góp ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về giám sát chuyên đề “việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030” tại Kỳ họp thứ 6, với số phiếu tán thành cao.
Về nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy các chương trình, nội dung đáng chú ý trong Nghị quyết là cho phép số vốn ngân sách Nhà nước năm 2022 (bao gồm cả vốn năm 2021 được chuyển nguồn sang năm 2022) chưa thực hiện giải ngân hết trong năm 2023 được kéo dài thực hiện sang năm 2024 để các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tiếp tục triển khai thực hiện.
Giao Chính phủ khẩn trương xây dựng dự thảo nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia để trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp gần nhất theo trình tự, thủ tục rút gọn. Trong đó có cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện quyết định danh mục, cơ cấu, phân bổ sử dụng vốn ngân sách Nhà nước...
Như vậy, các giải pháp trọng yếu được đánh giá là sẽ giải quyết căn cơ các khó khăn, vướng mắc cho các chương trình mục tiêu quốc gia nói chung và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nói riêng đã được Quốc hội ủng hộ.
Ủy ban Dân tộc tin tưởng với công tác chỉ đạo, triển khai xử lý hiện nay, Chương trình sẽ đạt được các mục tiêu, có chỉ tiêu đạt vượt mức kế hoạch; đồng thời dự báo sẽ giải ngân đạt 100% kế hoạch đề ra giai đoạn 2021-2025. Các đại biểu cũng kỳ vọng với tinh thần “tháo gỡ tối đa vướng mắc trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia” như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Chương trình sẽ về đích đúng thời hạn, mang lại sự thay đổi căn cơ cho diện mạo đời sống kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Ảnh minh họa: Mekong ASEAN |