'Sắp có các dự án hàng tỷ USD của Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam'

'Sắp có các dự án hàng tỷ USD của Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam'

FDI Việt nAM
13:39 - 18/01/2022
Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc (Korcham), ông Hong Sun, nhận định dòng vốn FDI vào Việt Nam năm nay chắc chắn tăng trưởng đáng kể so với năm ngoái, nhờ tiềm năng phục hồi kinh tế và triển vọng thu hút FDI.

Trong một năm kinh tế khó khăn như 2021, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam vẫn vượt 31 tỷ USD, tăng 9,2%. Giới chuyên gia nhận định năm 2022 vốn FDI vẫn tiếp tục tăng trưởng, giữ vai trò một trong những trụ cột trong quá trình phục hồi kinh tế. Dù vậy, trong đà phục hồi chung của kinh tế toàn cầu, cơ hội không chỉ dành riêng cho Việt Nam. Quốc gia nào càng phục hồi sớm thì càng giành được cơ hội thị trường thế giới nhiều hơn, cơ hội hút vốn FDI lớn hơn.

Trong bối cảnh thách thức và cơ hội đan xen đó, Mekong Asean có cuộc trao đổi với ông Hong Sun, Phó Chủ tịch Korcham về triển vọng dòng vốn FDI vào Việt Nam năm 2022, cũng như những đề xuất giúp Việt Nam duy trì sức hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư quốc tế.

Trong một năm khó khăn như 2021, vốn FDI đăng ký vào Việt Nam vẫn tăng 9,2%. Năm nay, khi nền kinh tế đứng trước cơ hội phục hồi, ông đánh giá thế nào về triển vọng dòng vốn FDI của Việt Nam?

Hai năm vừa qua là thời gian khó khăn với mọi lĩnh vực trong nền kinh tế, bao gồm cả khu vực FDI. Bước sang năm 2022, chúng tôi kỳ vọng dòng vốn FDI sẽ tăng trưởng đáng kể hơn so với năm ngoái, trong nhiều lĩnh vực, không riêng công nghiệp mà cả năng lượng, thương mại, tài chính…

Chúng tôi hiện chưa có con số dự báo cụ thể mức tăng trưởng là bao nhiêu nhưng dòng vốn FDI vào Việt Nam năm nay chắc chắn tăng trưởng đáng kể.

Mặc dù số ca nhiễm COVID-19 mới vẫn còn tương đối lớn nhưng tỷ lệ tiêm chủng của Việt Nam cũng rất cao rồi. Bên cạnh đó, Chính phủ hiện đang tiếp tục cấp phép đầu tư, cải cách thủ tục hành chính. Chúng tôi kỳ vọng Chính phủ sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho doanh nghiệp nước ngoài tiếp tục đầu tư, tăng cường đầu tư và cả đầu tư mới vào Việt Nam.

Ông có chia sẻ gì về triển vọng dòng vốn FDI từ Hàn Quốc vào Việt Nam thời gian tới?

Từ phía các doanh nghiệp Hàn Quốc, đang có vài tập đoàn rất lớn hoạt động trong các lĩnh vực tiên tiến xem xét thu xếp đầu tư vào Việt Nam trong năm 2022. Tôi chưa khẳng định vì các tập đoàn đó đang trong quá trình đàm phán với chính quyền trung ương và địa phương nhưng nhìn chung triển vọng khá ổn.

Về lĩnh vực đầu tư thì không chỉ là các dự án sản xuất công nghiệp mà còn có các dự án viễn thông, năng lượng. Năng lượng là một trong những lợi thế mà Hàn Quốc đã phát triển. Các tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc đang phối hợp với một số doanh nghiệp Nhà nước trong những dự định đầu tư dự án trị giá hàng tỷ USD, hiện chờ Thủ tướng và các Bộ phê duyệt. Nếu được thông qua, thời gian tới sẽ có những dự án hàng tỷ USD có mặt tại Việt Nam.

Biểu đồ: Hàn Quốc là quốc gia dẫn đầu về dự án FDI vào Việt Nam trong năm 2021

Nhiều quốc gia trong khu vực cũng đang có chính sách thu hút FDI hấp dẫn để phục hồi kinh tế. Theo ông, làm thế nào để Việt Nam duy trì và tăng cường sức hút với khu vực FDI?

Khi Việt Nam nỗ lực thu hút FDI, các Chính phủ khác cũng rất nỗ lực. Không phải chỉ ở cấp Bộ mà cả nguyên thủ các quốc gia cũng làm hết sức để thu hút FDI, đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư nước ngoài. Và không phải chỉ khối ASEAN mà một số quốc gia khác ngoài khu vực ASEAN cũng đang được nhà đầu tư chú ý.

Khi những dự án hàng tỷ, hàng chục tỷ USD xem xét vào Việt Nam, các quốc gia khác cũng rất muốn những dự án này và họ đang tạo môi trường rất cạnh tranh nhằm đàm phán thu hút những dự án như vậy.

Theo tôi, Chính phủ Việt Nam khi xây dựng cơ chế ưu đãi thu hút FDI phải nhìn rộng ra so sánh với các quốc gia khác. Việt Nam hiện đã có chính sách thu hút đầu tư FDI rất tốt rồi, nhưng với những dự án lớn thì cần có cơ chế đặc biệt hơn nữa chứ không phải chỉ áp dụng cơ chế thông thường hay luật hiện hành với những dự án quy mô như vậy.

Cần thấy rằng các chính sách ưu đãi thu hút đầu tư không chỉ có lợi cho doanh nghiệp FDI nói riêng mà còn có lợi cho doanh nghiệp trong nước và toàn nền kinh tế. Với những lĩnh vực quan trọng và tiên tiến thì ngay cả những quốc gia phát triển như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng đều có cơ chế thu hút đầu tư rất ưu đãi.

Ngoài ra, một lưu ý khác là chính sách phải nhất quán. Các tập đoàn, doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam dù 1-2 triệu USD hay hàng tỷ, chục tỷ USD thì đều phải dựa trên những dự báo về sự nhất quán, thống nhất trong chính sách của Chính phủ. Có thế họ mới yên tâm đầu tư, nhất là với những dự án lâu dài.

Như ông đã nói, khối FDI tại Việt Nam đang nhận được cơ chế thu hút đầu tư tốt. Vậy doanh nghiệp FDI Hàn Quốc có định hướng nào trong việc thúc đẩy liên kết hơn với doanh nghiệp nội Việt Nam để cùng phát triển?

Vai trò của khối doanh nghiệp FDI với nền kinh tế Việt Nam là tương đối lớn, điều này không thể phủ nhận. Trong nước, mặc dù một số doanh nghiệp cũng đang lớn lên nhưng chưa phải lớn hẳn để có sức cạnh tranh ở tầm thế giới. Chính vì thế, sự phối hợp của doanh nghiệp trong nước với các tập đoàn đa quốc gia nước ngoài, trong đó có các tập đoàn Hàn Quốc như Samsung, LG, Lotte, Hyundai, SK… là hết sức quan trọng.

Các tập đoàn này có thị trường toàn cầu, sản phẩm của họ cũng có sức cạnh tranh toàn cầu. Hợp tác với các tập đoàn này là con đường để doanh nghiệp Việt Nam đủ sức cạnh tranh với thế giới. Chúng tôi kỳ vọng nhiều doanh nghiệp Việt Nam có mặt trong các lĩnh vực công nghiệp, công nghệ cao tiên tiến.

Hàn Quốc trước đây cũng có rất nhiều nhà máy sản xuất cho các tập đoàn lớn nước ngoài từ Mỹ, Nhật Bản, châu Âu… Sau khi tích lũy kinh nghiệm từ các tập đoàn đa quốc gia thì những nhà máy này đã trở thành các tập đoàn mạnh trong lĩnh vực sản xuất.

Hàn Quốc là quốc gia đứng thứ hai về giá trị vốn FDI vào Việt Nam năm 2021

Vậy để hợp tác hiệu quả với khối FDI, doanh nghiệp Việt Nam cần trang bị những gì, thưa ông?

Quan trọng nhất là cơ chế của Chính phủ thôi. Chính phủ phải tiếp tục tạo điều kiện, đặc biệt là tín dụng. Dòng tài chính phải tập trung đầu tư vào các nhà máy sản xuất công nghiệp… để phát triển ngành công nghiệp quốc gia nói chung. Điều này rất quan trọng.

Hàn Quốc trước đây, trong thập niên 60-80 từng có chính sách khuyến khích xuất khẩu, phê bình nhập khẩu, đặc biệt là nhập khẩu xa xỉ phẩm. Thậm chí có thời gian còn cấm nhập khẩu thuốc lá nước ngoài. Tất nhiên nói như vậy không phải Việt Nam bắt buộc phải làm thế, vì thời đại hiện nay là thời đại toàn cầu hóa rồi. Nhưng nghĩa là phải có chính sách khuyến khích sản xuất và xuất khẩu trong nước.

Bây giờ có thực tế là các nguồn lực mạnh nhất của Việt Nam không tập trung vào lĩnh vực sản xuất mà lại vào đầu tư bất động sản hay nhiều ngành khác, không chỉ vốn mà nhân lực cũng vậy. Nếu những người tài năng nhất chuyển sang lĩnh vực sản xuất, công nghệ hay các lĩnh vực có hàm lượng giá trị gia tăng cao thì sẽ giúp đất nước phát triển rất nhiều. Việt Nam là quốc gia 100 triệu dân và những người tài năng không hiếm.

Nhân tài không nên chỉ tập trung vào một lĩnh vực mà nên mở rộng ra nhiều lĩnh vực khác, trong đó có thông tin viễn thông, phần mềm, để đưa Việt Nam vươn ra thế giới. Việt Nam hiện đã có một số kỳ lân công nghệ, đó là bằng chứng cho thấy doanh nghiệp nội đủ sức trở thành doanh nghiệp toàn cầu.

Tất cả những điều đó hoàn toàn liên quan đến chính sách của Việt Nam, cần làm sao ưu tiên nguồn lực tín dụng, thu hút nguồn nhân lực và có cơ chế khuyến khích, khen thưởng các nhà sản xuất hay xuất khẩu. Nếu Chính phủ tạo được các điều kiện như vậy thì Việt Nam sẽ phát triển rất tốt, hợp tác rất hiệu quả với doanh nghiệp FDI.

Nếu quá trình phục hồi kinh tế tại Việt Nam diễn ra thuận lợi, chắc chắn doanh nghiệp FDI cũng hưởng lợi. Ông có thể chia sẻ một số động thái của Korcham hiện nay nhằm hỗ trợ tiến trình phục hồi kinh tế tại Việt Nam?

Chúng tôi vẫn đang tiếp tục quảng bá mạnh mẽ về tiềm năng của thị trường Việt Nam cũng như các dự án thành công ở Việt Nam. Mặc dù dịch COVID-19 gây ảnh hưởng phần nào đến đà phát triển của đất nước nhưng chúng tôi vẫn nhìn nhận và đang truyền đạt đến các nhà đầu tư Hàn Quốc về Việt Nam như một quốc gia điểm đến đầu tư hứa hẹn. Đây là nền tảng cơ sở để các nhà đầu tư Hàn Quốc tiếp tục quan tâm, yên tâm đầu tư vào Việt Nam.

Chúng tôi cũng thường xuyên làm việc với các cơ quan Chính phủ Việt Nam để tổ chức các sự kiện xúc tiến đầu tư. Năm nay, chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với Bộ Ngoại giao, Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư hay Bộ Công Thương, các địa phương, làm sao tạo các điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư Hàn Quốc đưa dự án vào.

Tuy nhiên chúng tôi cũng đang xin Thủ tướng Chính phủ việc quan trọng nhất là sớm mở cửa lại đường bay bình thường. Từ đầu năm 2022, chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam chỉ cần cách ly 3 ngày tại nhà hoặc khách sạn thôi, đây là tín hiệu tốt với nhà đầu tư nước ngoài. Nhưng vẫn cần tiếp tục mở cửa hơn nữa, tiến tới bình thường hóa càng sớm càng tốt.

Công dân Việt Nam muốn đi công tác sang Mỹ thì không cần cách ly nhưng chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam thì vẫn bị cách ly 3 ngày. Rồi thủ tục hồ sơ nhập cảnh vẫn mất nhiều thời gian, từ xin giấy phép cục xuất nhập cảnh cho đến chính quyền địa phương…

Xin cảm ơn ông!

Đọc tiếp