

![]() |
Trong guồng quay tất bật của cuộc sống hiện đại, ở một ngôi làng cổ hơn 700 năm, những nghệ nhân tài hoa vẫn ngày ngày miệt mài tâm huyết với từng khối đất, từng tác phẩm gốm thủ công. Với nghệ nhân trẻ tuổi Nguyễn Tuấn Minh, gốm không chỉ là nghề gia truyền mà còn là khoảng lặng quý giá, nơi thể hiện bản sắc cá nhân, nơi gìn giữ và phát triển tinh hoa văn hóa truyền thống. |
Nhịp sống hối hả và làn sóng công nghiệp hóa không ngừng dễ làm người ta bất chợt lãng quên những giá trị văn hóa lâu đời. Tuy nhiên, vẫn có những người trẻ ngày nay kiên trì giữ gìn và sáng tạo nên bản sắc riêng, từ đó khơi dậy sự quan tâm của cộng đồng đối với nét đẹp cổ truyền, giúp các di sản văn hóa thêm phần sống động đầy cuốn hút trong đời sống hiện đại.
Làng gốm Bát Tràng - nơi gắn bó với nghề gốm hơn 700 năm - không chỉ sản xuất những sản phẩm gốm sứ phục vụ đời sống hằng ngày mà còn trở thành điểm đến thú vị cho những ai yêu thích nghệ thuật gốm sứ và muốn tìm hiểu văn hóa truyền thống Việt Nam. Cách trung tâm Hà Nội khoảng 13 km về phía đông nam, Bảo tàng gốm Bát Tràng là nơi chúng tôi đến, trải nghiệm một ngày làm thợ gốm. Nhân vật mà chúng tôi gặp, là anh Nguyễn Tuấn Minh, 28 tuổi – một trong những nghệ nhân trẻ tuổi nhất làng Bát Tràng, để nghe anh kể những đam mê của những người như anh với nghề gốm thủ công.
![]() |
Ngay từ nhỏ, Nguyễn Tuấn Minh đã tiếp xúc với bàn xoay, men gốm và bản vẽ, và niềm đam mê với nghề gốm cũng lớn dần từ đó.
“Tôi say mê quan sát từng cục đất sét được nhào nặn thành hình qua đôi bàn tay tài hoa của ông, cha và các thợ lành nghề trong làng. Năm 16 tuổi, tôi quyết định học nghề gốm một cách nghiêm túc,” anh Minh chia sẻ.
Theo học nghề làm gốm, nhưng khác với truyền thống gia đình là làm gốm công nghiệp, sau hai năm làm việc, anh Minh nhận ra những sản phẩm công nghiệp thường thiếu cá tính, khó tạo được dấu ấn riêng. Anh quyết tâm đi theo hướng làm gốm thủ công để khẳng định góc nhìn riêng của bản thân.
Được hướng dẫn bởi một tiền bối lành nghề trong làng, người đã nhìn thấy tiềm năng làm gốm thủ công trong anh, nghệ nhân Tuấn Minh bắt đầu học làm các sản phẩm thủ công như hũ chóe, tượng, đồ thờ cổ… nhằm tạo sự khác biệt.
Nghệ nhân trẻ Nguyễn Tuấn Minh với niềm say mê với gốm
Thời điểm anh Minh đưa ra quyết định này là vào năm 2019, khi đại dịch Covid - 19 bùng phát. Do tham gia hoạt động đoàn tại địa phương nên phải cách ly với gia đình, Minh chỉ một mình ở lại xưởng gốm.
Trong thời gian đó, anh đã hoàn thành sản phẩm tâm đắc nhất, cũng là sản phẩm gốm kích thước lớn đầu tiên của anh - chiếc trụ gốm cao 1,3 mét. Trên trụ, có điêu khắc sự tích “cá chép vượt Vũ Môn,” thể hiện ý nghĩa vượt qua nghịch cảnh để đạt thành công.
Các họa tiết trên trụ đều do tự tay anh làm thủ công, đặc biệt là những đường vẩy cá đòi hỏi sự tỉ mỉ và kiên trì vì các chi tiết rất nhỏ. Sản phẩm hoàn thành sau 1,5 tháng tạo hình và trang trí, sau đó mất thêm 2 tháng để khô trước khi nung trong lò, tổng cộng hơn 4 tháng.
![]() |
![]() |
Có góc nhìn nghệ thuật riêng, có sự sáng tạo của người trẻ, có niềm yêu thích với văn hoá truyền thống và có sự thích ứng nhanh với công nghệ để quảng bá sản phẩm là những yếu tố giúp anh Minh thành công hơn sau này. Năm 2020, anh Minh được Sở Công Thương Hà Nội công nhận là nghệ nhân trong chuỗi “Kết nối mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững ngành gốm sứ Hà Nội.”
Với Minh, nghề nặn gốm là một công việc đòi hỏi tâm, trí, lực, sự kiên trì, cẩn thận và tính sáng tạo. Theo đuổi nghề truyền thống, lợi thế của những người trẻ như anh là sự sáng tạo. Cái mới trong những sản phẩm gốm của anh là về kiểu dáng, hoa văn. Tuy vẫn giữ những nét cổ truyền nhưng người nghệ nhân cũng sẽ đưa lên những phương thức tạo hình mới để tạo ra sự khác biệt.
Cầm lên một bình hoa bằng sứ, anh Minh chia sẻ: “Tôi kết hợp hoa văn cổ truyền với các tạo hình mới, tạo ra những bài men đặc sắc chưa từng có để đưa vào sản phẩm. Ví dụ, với bình hoa này, tôi áp dụng xu hướng be trạch hiện đại nhưng vẫn giữ nét hoa văn truyền thống, nổi bật với các đường gân tay bóp được tạo hoàn toàn bằng tay, mỗi ngày chỉ hoàn thiện khoảng 5-10 cm và mất đến 3 ngày để hoàn chỉnh dáng be trạch cho bình.
Mỗi sản phẩm đều có cái ‘chất’ riêng. Tôi chọn hoa văn và màu sắc phù hợp với từng kiểu dáng để tạo sự độc đáo. Gốm thủ công của tôi được thiết kế độc bản, giúp mỗi người sở hữu đều cảm thấy sản phẩm là phiên bản duy nhất và độc quyền”.
![]() |
Tuy nhiên, để làm ra được một sản phẩm độc đáo và thu hút là những ngày dài tìm kiếm từ loại đất phù hợp, tới công đoạn nặn hình, tinh chỉnh và thêm các chi tiết đường nét riêng, sau đó lại tới công đoạn chờ khô để đem đi nung.
Chỉ cần một công đoạn sai thôi, là mọi thứ thành công cốc. Anh Minh kể cho chúng tôi, có lần anh nhận được một đơn hàng là đôi chân hương, thời hạn nhận hàng trong vòng 2 tháng. Mọi thứ ban đầu đều được làm một cách cẩn thận và tỉ mỉ. Cho đến khi sản phầm được mang vào lò nung, chiếc chân hương khi đó bị nứt tại phần đế do đất nặn không đạt chuẩn. Và thế là thành quả 2 tháng trời của anh Minh đành phải bỏ hết, không chỉ mất khách hàng, mà tiền đầu tư cho sản phẩm cũng mất hết.
![]() |
Sau thất bại đó, anh Minh nhận ra bài học của mình để tìm hiểu kỹ hơn về các nguyên liệu. Anh chia sẻ, đất đạt tiêu chuẩn phải là đất dẻo, có độ cứng xương nhất định. Đối với những mặt hàng có kích cỡ lớn, khi nung độ co rất lớn nên nếu xương đất yếu thì sẽ dễ gặp tình trạng bị nứt, bị sập.
“Kinh nghiệm của tôi là cần tìm mua nhiều loại đất và thử lên sản phẩm có kết cấu tương đương để xem độ co bóp, cứng khi nung ra có bị bóp méo hình dạng đi không. Ngoài đất, một yếu tố quan trọng nữa là men. Nước men cũng cần làm sao phải hợp với xương đất. Nếu mà nước men không hợp thì sẽ xảy ra tình trạng là co men, bị sui men, tạo ra những nốt sần sùi trên mặt sứ,” nghệ nhân Nguyễn Tuấn Minh cho hay.
![]() |
Ngoài thách thức kể trên, là một lớp người trẻ trong ngôi làng gốm mấy trăm năm tuổi, nghệ nhân trẻ này còn gặp khó khăn trong việc kết hợp giữa yếu tố hiện đại và nét đẹp truyền thống. Nếu chỉ làm một sản phẩm thuần cổ thì sẽ khó thu hút được giới trẻ. Mà làm sản phẩm mới mẻ quá, hiện đại hóa thì không tiếp cận được với thế hệ đi trước. Do đó, câu hỏi làm thế nào để thị trường đón nhận sản phẩm của mình là điều trăn trở của rất nhiều người trong nghề, không của riêng anh Minh.
Sản phẩm ngoài việc phải có một cách tạo hình độc đáo, còn cần phải chứa đựng những ‘câu chuyện’ của riêng nó. Anh Minh luôn cố gắng tạo cho các sản phẩm của mình, từ chiếc lộc bình đắp tứ linh hay chiếc chóe men rạn đắp rồng màu chàm cổ, những câu chuyện tạo sự hứng thú với tác phẩm, một cách để gây dựng sự khác biệt của sản phẩm giữa một thị trường nhiều cạnh tranh, trong một làng nghề nhiều truyền thống tài hoa.
Mặc dù luôn phải tìm tòi cái mới, nhưng trong bối cảnh công nghiệp hóa, nghề gốm thủ công không chỉ giữ vững vị thế mà còn có tiềm năng phát triển mạnh mẽ. Anh Minh nhìn nhận rằng, khi kinh tế phát triển, xu hướng công nghiệp ngày càng rõ nét, con người lại thêm khao khát tìm về những giá trị nguyên bản và độc đáo. Gốm thủ công, với sự tỉ mỉ và tài hoa của mỗi người nghệ nhân, sẽ mang lại cảm giác chân thực mà công nghệ khó có thể thay thế.
Tương lai của gốm thủ công sẽ là sự hòa quyện giữa truyền thống và hiện đại. Các nghệ nhân trẻ như anh Minh có thể tận dụng công nghệ để mở rộng phạm vi tiếp cận, giới thiệu sản phẩm và mang câu chuyện văn hóa của mình đến với thế giới. Điều cốt lõi sẽ luôn là tinh thần gìn giữ và phát huy những nét độc đáo vốn có của nghề, để mỗi sản phẩm gốm đều mang trong mình một chút tĩnh lặng, giúp người ta thoát khỏi nhịp sống hối hả và tìm về sự an yên, cân bằng.
“Tôi luôn tin nghề gốm thủ công sẽ không bị công nghiệp hóa lấn át, mà ngược lại, trở thành một lựa chọn đặc biệt và đáng giá trong cuộc sống hiện đại, nhắc nhở chúng ta về giá trị về sự bền vững, sâu sắc, kết tinh từ văn hóa và tâm hồn của người nghệ nhân, mà đời sống công nghiệp hiện đại đôi khi khó có thể đem lại,” anh Minh tâm sự.