Nói với các phóng viên tại Mar-a-Lago ngày 18/2 về kế hoạch đánh thuế ô tô, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết: “Tôi sẽ thông báo cụ thể vào ngày 2/4, nhưng con số (thuế ô tô) sẽ vào khoảng 25%”, theo Bloomberg.
Khi được hỏi về mức thuế đối với dược phẩm và chất bán dẫn, ông Trump trả lời rằng: “Mức thuế sẽ là 25% trở lên và sẽ tăng đáng kể trong suốt một năm”. Người đứng đầu Nhà Trắng cho biết ông muốn các công ty “có thời gian” để thành lập nhà máy tại Mỹ nhằm tránh thuế quan.
![]() |
Xe Range Rover, Mercedes Benz và BMW tại cảng Bremerhaven, miền bắc nước Đức, tháng 6/2018. Ảnh: EPA |
“Khi họ đến Mỹ và xây dựng nhà máy, xí nghiệp ở đây, họ sẽ không phải chịu thuế quan. Vì vậy chúng tôi muốn cho họ một chút cơ hội,” ông Trump nói nhưng không tiết lộ ngày công bố mức thuế. Ông cũng đồng thời kỳ vọng một số công ty lớn nhất thế giới sẽ công bố các khoản đầu tư mới vào Mỹ trong vài tuần tới.
Tổng thống Trump không cho biết liệu các biện pháp thuế quan nhằm vào quốc gia cụ thể nào hay liệu có áp dụng cho tất cả các loại xe nhập khẩu vào Mỹ. Hiện cũng không rõ liệu ô tô được sản xuất theo Hiệp định thương mại tự do giữa Mỹ với Canada và Mexico có được miễn thuế theo ngành hay không nếu thuế quan mới có hiệu lực.
Theo Bloomberg, việc Mỹ tung mức thuế đối với ô tô nhập khẩu sẽ gây ra tác động sâu rộng đến ngành công nghiệp này. Ước tính có khoảng 8 triệu ô tô con và xe tải hạng nhẹ được nhập khẩu vào Mỹ năm 2024, chiếm khoảng một nửa doanh số bán xe tại quốc gia này.
Các nhà sản xuất ô tô châu Âu bao gồm Volkswagen AG và các công ty châu Á bao gồm Hyundai Motor Co sẽ là một trong những bên bị ảnh hưởng nhiều nhất. Theo công ty phân tích dữ liệu GlobalData, năm 2024, Hàn Quốc và Nhật Bản chiếm tới 16,8% tổng số xe bán ra tại Mỹ. Trong đó, Hàn Quốc chiếm 8,6% và Nhật Bản chiếm 8,2%.
Hội đồng Chính sách Ô tô Mỹ (AAPC) - tổ chức đại diện cho lợi ích của hãng Ford, General Motors và Stellantis, cho biết những loại xe được sản xuất tại Bắc Mỹ tuân thủ các yêu cầu của thỏa thuận đó sẽ được miễn các khoản thuế mới.
Kể từ khi nhậm chức Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ hai vào ngày 20/1, ông Donald Trump đã ban hành một loạt các biện pháp thương mại. Trong đó, người đứng đầu Nhà Trắng đã công bố áp thuế 10% đối với tất cả hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, ngoài các mức thuế hiện hành. Ông cũng đã công bố rồi trì hoãn trong một tháng mức thuế 25% đối với hàng hóa từ Mexico và hành nhập khẩu không phải năng lượng từ Canada.
Ông Trump cũng đã ấn định áp thuế 25% với tất cả thép và nhôm nhập khẩu từ ngày 12/3 và chỉ đạo các cố vấn kinh tế hàng đầu lập kế hoạch áp thuế đối ứng với mọi quốc gia đánh thuế hàng nhập khẩu của Mỹ. Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick cho biết ông hy vọng kế hoạch sẽ được hoàn thành và đệ trình lên Tổng thống trước ngày 1/4.
Theo ông Trump, các sắc lệnh thuế quan sẽ cân bằng sân chơi cho hàng hóa Mỹ ở nước ngoài và phục hồi cơ sở sản xuất đang suy giảm của Mỹ. Tuy nhiên, điều này cũng gây hoang mang cho các doanh nghiệp, làm phật lòng các đồng minh lâu năm của Mỹ và làm dấy lên lo ngại của người tiêu dùng và các nhà kinh tế về sự gia tăng trở lại của lạm phát.
![]() Sau mức thuế quan 25% đối với nhôm và thép nhập khẩu, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố ông có kế hoạch áp thuế đối với ô tô nhập khẩu từ ngày 2/4. |
![]() Kể từ khi trở lại nắm quyền vào tháng trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khởi xướng hàng loạt biện pháp áp thuế và liên tục cảnh báo sẽ áp mức thuế “khủng” đối với hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ. |
![]() Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 10/2 tuyên bố tăng mức thuế nhập khẩu thép và nhôm lên 25% “mà không có ngoại lệ hoặc miễn trừ” – một động thái được ông khẳng định là nhằm hỗ trợ ngành công nghiệp nội địa đang gặp khó khăn. |
![]() Trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Ấn Độ ngày 13/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố mức thuế quan mà Ấn Độ áp đặt lên hàng hóa Mỹ là 'một vấn đề lớn', đồng thời cho biết hai bên đã nhất trí sẽ đàm phán thêm về các khúc mắc trong thương mại. |