Dự lễ giỗ có lãnh đạo tỉnh Hải Dương, cùng các đại biểu, người dân và du khách thập phương. Từ đền Kiếp Bạc, đoàn đại biểu, nhân dân và du khách hành hương lên núi Mâm Xôi (thuộc khu di tích quốc gia đặc biệt Kiếp Bạc) làm lễ giỗ, tương truyền đây là nơi Đức Thánh Trần hoá về trời. Tại đây, các nhà sư thực hiện khoá lễ cúng Phật, Thánh và Hội đồng Trần triều.
Trên núi Mâm Xôi, lễ giỗ Đức Thánh Trần được tổ chức trang nghiêm, các nghi lễ được tổ chức theo nghi thức truyền thống, giữ được nét đẹp văn hóa tâm linh.
Lãnh đạo tỉnh Hải Dương cùng các đại biểu dâng hương tại đền Kiếp Bạc. |
Tại sân nhà Bạc, đền Kiếp Bạc, các đại biểu, người dân và du khách thập phương lần lượt dâng hương, hoa nghi vật phẩm… tưởng niệm Đức Thánh Trần, cầu quốc thái, dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi... Đây cũng là nghi lễ cuối cùng, khép lại lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2024.
Trước đó, từ sáng sớm nay, người dân hai làng Vạn Yên (tên tục là làng Kiếp) và Dược Sơn (tên tục là làng Bạc) ở xã Hưng Đạo (thành phố Chí Linh) đem kiệu, cờ, lọng, bát bửu, lân, rồng cùng cỗ lễ gồm lợn sống, các loại bánh đặc trưng… của địa phương để tế Đức Thánh. Hai đoàn xuất phát từ hai hướng, một hướng từ đền Nam Tào, một hướng từ đền Bắc Đẩu cùng tiến vào đền Kiếp Bạc dâng lễ tế Đức Thánh Trần...
Người dân hai làng Vạn Yên và Dược Sơn (xã Hưng Đạo, thành phố Chí Linh) thực hiện lễ rước bộ từ đền Nam Tào và đền Bắc Đẩu xuống đền Kiếp Bạc. |
Tương truyền, Hưng Đạo Đại vương hóa Thánh ngày 20/8 năm Canh Tý (năm 1300). Trước khi hóa, Ngài lên núi Mâm Xôi, một trong 9 ngọn núi thuộc dãy núi Trán Rồng phía sau đền Kiếp Bạc để từ biệt con dân.
Sau khi mất, triều đình tiến phong Ngài là Tổng Quốc chính Thái Sư Thượng phụ, Thượng Quốc công, Bình Bắc Đại Nguyên soái, Nhân vũ Hưng Đạo Đại vương. Trong tâm thức dân gian, nhân dân tôn phong ông là Đức Thánh Trần, Cửu Thiên Vũ Đế - Thần chủ Đạo Nội.
Để tri ân công lao to lớn của Ngài với non sông, đất nước, triều đình và nhân dân Đại Việt lập đền thờ tưởng niệm trên nền Phủ đệ Vạn Kiếp (Kiếp Bạc, Chí Linh, Hải Dương), để cháu con muôn đời tế độ, thành kính phụng thờ…
Đại diện lãnh đạo sở, ngành, địa phương và đại diện lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị trong tỉnh Hải Dương dâng hương tại đền Kiếp Bạc. |
Theo người dân địa phương, lễ giỗ Đức Thánh Trần được gọi là nghi thức hóa nhật - Thánh hóa Triều tiên, tiễn chân Thánh về trời.
Trong sự xúc động cùng niềm hân hoan, bà Nguyễn Thị Hữu cùng đoàn ở huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) vừa đến làm lễ, dâng hương Đức Thánh Trần. Chia sẻ với Mekong ASEAN, bà Hữu cho biết, bà về lễ giỗ Đức Thánh năm nay là năm thứ 36. “Tháng tám tiệc Cha, mỗi lần chúng tôi về đây cảm thấy tinh thần rất phấn khởi. Sau chuyến hành hương này, chúng tôi trở về sẽ kể lại câu chuyện, công lao to lớn của Đức Thánh Trần và di tích đền Kiếp Bạc đến các con cháu trong gia đình”.
Người dân và du khách thập phương dâng hương tại đền Kiếp Bạc. |
Đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Hải Dương cho biết, hơn 7 thế kỷ trôi qua, tư tưởng trọng dân, “khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ, bền gốc, đó là thượng sách giữ nước”, cùng với tư tưởng về nghệ thuật quân sự, thuật binh pháp, đạo làm tướng, cách dùng người, lòng trung quân ái quốc vì giang sơn, xã tắc của Quốc Công Tiết Chế - Nhân Vũ Hưng Đạo Đại Vương vẫn mãi mãi là những bài học có giá trị to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.
Tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần đã trở thành Đạo Nội, trở thành di sản văn hóa phi vật thế độc đáo trong nền văn hóa dân tộc, có sức sống trường tồn, được lưu giữ từ thế hệ này sang thế hệ khác trong tâm thức người Việt.